Mụn cóc hình thành trên da dưới dạng những khối u sần sùi, có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau như mặt, tay, chân, bộ phận sinh dục,… Nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ sự xâm nhập của virus HPV, lây lan qua vết thương hở hoặc trong quá trình quan hệ tình dục. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định điều trị dứt điểm mụn cóc bằng cách bôi thuốc, áp lạnh, laser,… Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh lý này thông qua bài viết sau đây.
>>> Xem thêm:
- Phân biệt các loại mụn trên mặt và cách điều trị
- Mụn nước: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị an toàn
- Mụn viêm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị mụn viêm
Mụn cóc là gì?
Mụn cóc là tình trạng tăng sinh bất thường của da, xuất hiện dưới dạng khối u sần sùi trên bề mặt. Bệnh lý này tương đối phổ biến, lành tính, xảy ra do lớp thượng bì bị nhiễm virus Papilloma ở người (HPV) qua vết thương hở. Từ đó, tế bào được kích thích tăng sinh nhanh chóng, dẫn đến hình thành mụn cóc.
Virus HPV có hơn 100 chủng khác nhau, trong đó thường gặp nhất gồm:
- HPV 6, HPV 11: Gây mụn cóc sinh dục.
- HPV 1, 2, 4, 7, 27, 57: Gây mụn cóc ở lòng bàn chân và tay.
Dấu hiệu mọc mụn cóc
Mụn cóc hình thành dưới dạng nốt sần sùi màu da hoặc xám trắng, giống như súp lơ, một số loại có thể phẳng, mềm. Người bệnh thường không cảm thấy đau ở vùng da mọc mụn hoặc chỉ đau khi đi tiểu tiện, di chuyển. Ngoài ra, một số triệu chứng đi kèm bao gồm:
- Chảy máu nhẹ.
- Khó chịu, ngứa, kích ứng ở vị trí mụn cóc hình thành.
- Cảm giác bỏng rát trên da.
Nguyên nhân mọc mụn cóc
Nguyên nhân mọc mụn cóc là do sự xâm nhập của virus HPV thông qua những vết thương hở, vết trầy xước trên da. Virus có khả năng lây lan từ bộ phận này sang bộ phận khác hoặc từ người sang người khi:
- Tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc.
- Quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm mụn cóc sinh dục.
- Cắn móng tay có mang mầm bệnh.
- Sử dụng chung các đồ dùng vệ sinh cá nhân (khăn tắm, dao cạo,…).
>>> Tìm hiểu thêm:
- Mụn bọc là gì? Nguyên nhân và cách chữa trị mụn bọc hiệu quả
- Mụn ẩn là gì? Cách trị mụn ẩn dưới da an toàn
Yếu tố tăng nguy cơ lây nhiễm
Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm mụn cóc bao gồm:
- Bề mặt da có vết thương hở, trầy xước, da ẩm.
- Cơ thể hệ thống miễn dịch suy yếu.
- Da bị nhiễm trùng, cấu trúc bề mặt da bị phá vỡ.
- Tay chân đổ nhiều mồ hôi.
- Có thói quen đi chân trần.
- Bơi ở bể bơi công cộng.
Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Các đối tượng có nguy cơ cao bị mụn cóc bao gồm:
- Trẻ em, những người trong độ tuổi từ 10 – 20.
- Người có hệ miễn dịch yếu.
- Người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như: HIV/AIDS, lupus ban đỏ,…
- Bệnh nhân ghép nội tạng.
- Người bị rối loạn chuyển hóa.
- Người bệnh bị suy nhược thần kinh.
Các loại mụn cóc và vị trí mọc
Mụn cóc gồm nhiều loại, đi kèm với từng vị trí mọc khác nhau, cụ thể như sau:
- Mụn cóc thông thường: Cục mụn có màu xám, đen, sờ vào thấy cứng, sần sùi, thường mọc ở mu bàn tay, bàn chân, vùng da quanh móng tay. Virus chủ yếu xâm nhập qua các vết xước khi cắn móng tay bằng miệng.
- Mụn cóc dạng sợi mảnh: Mụn gồm nhiều nhú, tốc độ phát triển nhanh, kích thước dài, thường xuất hiện ở mặt, mũi, quanh miệng, mí mắt và không gây đau.
- Mụn cóc phẳng: Kích thước khối mụn nhỏ (khoảng 5mm), bề mặt nhẵn và phẳng, có tốc độ phát triển nhanh, dễ dàng lây lan sang các vùng da khác. Loại mụn cóc nàythường xuất hiện ở mặt trẻ em, chân phụ nữ và vùng mọc râu của nam giới.
- Mụn cóc sinh dục: Các nốt mụn hình thành ở hậu môn và bộ phận sinh dục, lây lan chủ yếu thông qua quá trình quan hệ tình dục do tiếp xúc với vùng da nhiễm bệnh hoặc dịch tiết ra. Ngoài ra, loại mụn cóc này cũng có thể lây từ mẹ sang con nếu người mẹ bị mụn cóc sinh dục trong quá trình mang thai.
- Mụn cóc ở lòng bàn chân: Nốt mụn nhỏ, phồng rộp, sần sùi, thường có màu da, đen hoặc nâu, hình thành ở lòng bàn chân hoặc gót chân. Mụn rất dễ vỡ do chịu áp lực trong quá trình di chuyển, gây khó khăn cho việc đi lại.
Phương pháp chẩn đoán mụn cóc chuẩn
Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán mụn cóc dựa vào các triệu chứng lâm sàng như:
- Khối u nhỏ trên da có kích thước từ 1 – 10mm.
- Bề mặt nốt mụn phẳng hoặc sần sùi.
- Mụn gây ngứa.
- Mụn hình thành đơn lẻ hoặc theo từng cụm.
- Mọc nhiều ở đầu gối, bàn tay, mặt, bàn chân.
Phương pháp sinh thiết cũng có thể được chỉ định thực hiện nhưng thường rất hiếm. Ngoài ra, bác sĩ cũng tiến hành chẩn đoán phân biệt mụn cóc với các tình trạng khác như sau:
- Mắt cá chân hoặc vết chai: Có đường vân da, không nhận thấy mao mạch huyết khối khi cạo.
- Dày sừng tiết bã: Xuất hiện nhiều mảng, sẩn tăng sắc tố và các nang chứa đầy keratin.
- Lichen phẳng: Hình dáng tương tự mụn cóc phẳng, nhưng phân bố đối xứng và thường đi kèm tổn thương ở miệng,
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Da bị loét dai dẳng, hình thành với cấu trúc bờ không đều.
>>> Xem thêm:
- 10 cách trị thâm mụn nặng hiệu quả nhanh nhất
- Mụn lưng: Nguyên nhân, cách khắc phục đơn giản
Cách chữa mụn cóc dứt điểm
Tùy vào từng loại và mức độ nghiêm trọng của mụn cóc, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số phương pháp điều trị dứt điểm sau đây:
Trị mụn cóc tại nhà (bằng thuốc)
Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da theo hướng dẫn của bác sĩ để chữa mụn cóc:
- Acid salicylic: Người bệnh cần ngâm vùng da có mụn cóc trong nước ấm, sau đó bôi thuốc trực tiếp lên vị trí tổn thương. Thời gian sử dụng nên duy trì 2 – 3 tháng để đạt hiệu quả cao. Lưu ý quan trọng là không nên để acid lan sang vùng da lành, không dùng loại thuốc này cho mụn cóc bị nhiễm trùng, bệnh nhân đái tháo đường hoặc mắc bệnh tim mạch.
- Cantharidin: Loại thuốc này hoạt động theo cơ chế làm phồng da quanh mụn cóc, kích thích mụn tự bong ra, đảm bảo không để lại sẹo. Tuy nhiên, Cantharidin có thể gây kích ứng, đau hoặc khó chịu cho người bệnh. Trước khi bôi, bạn cần vệ sinh da sạch sẽ để tránh dẫn đến nhiễm trùng hoặc viêm mô tế bào, đặc biệt là vị trí lòng bàn chân.
Trị mụn cóc tại các cơ sở y tế, bệnh viện
Khi dùng thuốc bôi ngoài da không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh điều trị mụn cóc trực tiếp tại bệnh viện, cơ sở y tế bằng các phương pháp sau:
- Áp lạnh: Quá trình điều trị chia thành nhiều lần, được thực hiện bằng cách phun nitơ lỏng vào nốt mụn, kích thích mụn phồng rộp và tự bong tróc. Phương pháp áp lạnh có thể gây tê, sẹo, mất cảm giác tạm thời hoặc mất sắc tố da vĩnh viễn. Bác sĩ khuyến cáo trẻ nhỏ, người bệnh có da quá sáng hoặc sẫm màu không nên lựa chọn cách điều trị này.
- Laser: Bác sĩ sử dụng ánh sáng từ máy Laser CO2 Fractional để đốt nóng, sau đó phá hủy các mạch máu nhỏ bên trong mụn cóc. Phương pháp này thường được chỉ định cho các nốt mụn nghiêm trọng, đảm bảo loại bỏ triệt để, ngăn ngừa tình trạng lây lan.
- Phẫu thuật điện/nạo: Đây là phương pháp kết hợp giữa nạo thủ công và đốt cháy bằng điện, được chỉ định thực hiện cho mụn cóc kích thước dưới 2cm, mọc ở vị trí bằng phẳng. Người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ trong suốt quá trình phẫu thuật.
- Cắt bỏ: Bác sĩ sử dụng dao mổ để cạo hoặc cắt bỏ mụn cóc trên da, thường được chỉ định cho dạng mụn nhú.
- Kháng sinh tan trong nước – Bleomycin: Thuốc có tác dụng ức chế quá trình phân chia và tăng trưởng của tế bào, phù hợp áp dụng cho trường hợp mụn cóc không thể điều trị bằng các phương pháp khác. Tác dụng phụ có thể xảy ra gồm có đau trong và sau khi tiêm, hình thành sẹo, thay đổi sắc tố da,… Bleomycin được khuyến cáo không dùng cho phụ nữ mang thai.
- Liệu pháp miễn dịch: Bác sĩ sử dụng hóa chất (phổ biến nhất là diphencyprone) để tác động vào virus, xóa bỏ mụn cóc.
Cách phòng ngừa mọc mụn cóc
Mỗi người có thể chủ động phòng ngừa mụn cóc bằng việc áp dụng các biện pháp sau đây:
- Từ bỏ thói quen cắn móng tay hoặc cạy lớp biểu bì da.
- Không chạm vào mụn cóc trên cơ thể người khác.
- Giữ bàn tay, bàn chân luôn khô ráo.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân: Khăn tắm, dao cạo râu, quần áo, bấm móng tay,…
- Tiêm vắc-xin HPV ngay từ sớm.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
- Hạn chế sử dụng phòng thay đồ, bể bơi công cộng.
>>> Xem thêm:
- Top 8 nguyên nhân gây mụn bạn cần biết
- Có nên nặn mụn không? Cách nặn mụn an toàn, đúng cách
Các lưu ý cho người bị mọc mụn cóc
Người bệnh bị mụn cóc nên lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:
Chế độ dinh dưỡng
Người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường khả năng miễn dịch, hỗ trợ mụn cóc nhanh lành và tránhlây lan sang các vùng da lân cận:
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và ngũ cốc.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc.
Thời điểm cần đi khám bác sĩ
Khi nhận thấy những triệu chứng sau đây, người bệnh cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh bệnh tiến triển nghiêm trọng về sau:
- Mụn cóc xuất hiện trên miệng, mũi, hoặc bộ phận sinh dục.
- Có dấu hiệu chảy máu, nhiễm trùng, đóng vảy xung quanh mụn cóc.
- Mụn cóc gây đau.
- Người bị mụn cóc đồng thời đang mắc các bệnh khác như: Tiểu đường, lupus ban đỏ, HIV/AIDS.
Những câu hỏi thường gặp về mụn cóc
Dưới đây là phần giải đáp thắc mắc liên quan đến mụn cóc, người bệnh có thể tham khảo thêm:
Mụn cóc có lây không?
Mụn cóc có khả năng lây lan từ người này sang người khác, từ bộ phận này sang bộ phận khác trên cơ thể.
Mụn cóc có tự rụng không?
Đôi khi, mụn cóc có thể tự rụng. Trong một số trường hợp khác, người bệnh cần được can thiệp điều trị từ vài tháng đến vài năm để loại bỏ dứt điểm.
Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin hữu ích về mụn cóc, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Hy vọng thông qua bài chia sẻ này, người bệnh đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích để chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.
Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, hãy truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.