Sinh viên y khoa chỉ học 4 năm đã được cấp bằng cử nhân?

Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Nghị định đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe y tế trình Chính phủ.

Nội dung Nghị định chủ yếu tiếp cận vào 3 vấn đề: Thứ nhất, khẳng định rõ các hướng đào tạo về chuyên sâu, về hoạt động chuyên môn nghề nghiệp trong lĩnh vực y tế. Thứ hai là để chuẩn hóa chương trình bảo đảm khung năng lực và trình độ đáp ứng theo yêu cầu về vị trí việc làm, năng lực chuyên môn cũng như tương ứng với khung trình độ quốc gia. Thứ ba: công nhận văn bằng, chứng chỉ đào tạo chuyên sâu tương thích trong hệ thống văn bằng trình độ nói chung trong cơ cấu giáo dục công dân của Việt Nam cũng như so với tham chiếu quốc tế.

Đáng chú ý, theo Dự thảo Nghị định này, thay vì đào tạo y khoa trong thời gian 6 năm như hiện nay thì sau 4 năm, sinh viên ngành y sẽ được công nhận là cử nhân y khoa. Từ đó, sẽ chia thành 2 hệ, đó là hệ nghiên cứu (thạc sĩ, tiến sĩ) đào tạo trong 2 năm và hệ theo lâm sàng (khám, chữa bệnh) cũng đào tạo trong 2 năm.

Hình ảnh tại buổi tọa đàm “Đổi mới đào tạo nhân lực ngành y” (ảnh: Thúy Hà/VGP)

Tại buổi tọa đàm “Đổi mới đào tạo nhân lực ngành y” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các khách mời cũng làm rõ một vài điểm mới trong dự thảo Nghị định này.

Tham Khảo Thêm:  Danh Sách Các Trường đào Tạo Ngành Quản Trị Khách Sạn

Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, cho biết, tinh thần của Nghị định là sẽ chia làm 2 giai đoạn, sau 4 năm thì đáp ứng những chuẩn đầu ra tương đương trình độ của bậc 6 thì sẽ được công nhận là cử nhân y khoa, để sinh viên nào có nhu cầu tham gia thị trường lao động, tham gia những công việc trong xã hội thì có thể tham gia được ngay.

Nếu tiếp tục muốn theo hướng chuyên sâu hành nghề thì học tiếp 2 năm nữa để được công nhận và cấp bằng bác sĩ y khoa, cấp bằng bác sĩ y khoa xong thì theo xu hướng quốc tế là phải thi quốc gia. Sau khi thi quốc gia, được công nhận là bác sĩ và tham gia thực hành nghề nghiệp như Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện nay quy định là 18 tháng.

Nếu các em này muốn học chuyên khoa thì phải có chứng chỉ hành nghề và học chuyên khoa .

Liên quan đến nội dung trong Dự thảo là học xong 4 năm, sinh viên ra trường là cử nhân y khoa nhưng theo quy định hiện nay thì chưa có vị trí việc làm trong hệ thống y khoa. Ông Nguyễn Minh Lợi cho biết, các mô hình đào tạo trên thế giới cũng như thế, ngay cả tại Việt Nam, những danh mục đào tạo sau khi tốt nghiệp đại học thì không phải cứ tốt nghiệp đại học là gắn với một vị trí việc làm cụ thể trong cơ cấu của thị trường lao động.

Tham Khảo Thêm:  7 Loại Hacker bạn cần biết | SecurityBox

Tuy nhiên, đối với cử nhân y khoa, sau khi học xong 4 năm, sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân y khoa, nếu người nào muốn tham gia thị trường lao động thì vẫn có thể có một số các vị trí việc làm có thể tham gia được trong hệ thống y tế.

Nếu áp dụng mô hình mới này sẽ khắc phục được một số hạn chế trong công tác đào tạo nhân lực y khoa hiện nay, GS.TS. Phạm Minh Thông, nguyên Trưởng Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, Đại học Y Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, “Chúng ta cũng đã áp dụng mô hình cũ rất nhiều năm và một số nơi đã có đổi mới. Đặc biệt, Đại học Y Hà Nội đã đổi mới dạy theo mô-đun, đổi mới một cách toàn diện phương pháp giảng dạy và đầu ra sẽ thay đổi, chất lượng đầu ra sẽ cao hơn rất nhiều so với trước kia.”

GS.TS. Phạm Minh Thông cho rằng, điều hết sức quan trọng hiện nay là chúng ta phải đổi mới đào tạo sau đại học để tất cả các bác sĩ ra trường sẽ phải học sau đại học chứ không phải về đi làm ngay, tối thiểu 3 năm, nhiều là 5 năm, 7 năm, sau đó mới được đi làm thực tế./.

Phương Anh

23WIN