Có thể nói, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách được Đảng và Nhà nước ưu tiên hàng đầu…
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 10 năm qua, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân ở nước ta tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi. Các dịch vụ y tế ngày một đa dạng. Nhiều công nghệ mới được nghiên cứu và ứng dụng. Việc cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế đã có nhiều cố gắng hơn trước. Tình trạng sức khỏe nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình năm 2005 là 70 tuổi, mục tiêu đến 2010 là 72,0 tuổi, kết quả đạt được năm 2010 là 72,8 tuổi, năm 2014 tăng lên 73,2 tuổi. Tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm ngày càng giảm, nhiều bệnh dịch nguy hiểm trước đây đến nay đã được khống chế và đẩy lùi.
Việt Nam cũng đã đạt được nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ giai đoạn từ 1990 đến 2015 liên quan đến lĩnh vực y tế như: Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm từ 44,4‰ năm 1990 xuống còn 15,8‰ vào năm 2010 và 14,9‰ năm 2014; Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi cũng đã giảm từ 58‰ xuống còn 23,8‰ vào năm 2010 và 22,4‰ vào 2014; Tỷ lệ suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) từ 41% xuống còn 18% vào năm 2010 và 14,5% năm 2014…
Đây là những thành tựu đáng ghi nhận, được quốc tế đánh giá cao. Nhân dân ở hầu hết các vùng, miền trong cả nước đã được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Chỉ số phát triển con người (HDI) và phần lớn các chỉ tiêu tổng quát về sức khỏe của nước ta đều vượt các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người…
Ngày 23/11/2009, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII đã chính thức thông qua luật Khám bệnh, chữa bệnh, được xem là đạo luật đầu tiên về khám bệnh, chữa bệnh-một vấn đề then chốt trong hoạt động y tế. Luật có những quy định rõ ràng các quyền và nghĩa vụ của người dân trong thực hiện phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, người bệnh có quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế; được tôn trọng bí mật riêng tư; được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh; được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh; được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh; được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Người bệnh cũng phải thực hiện các nghĩa vụ như: Tôn trọng người hành nghề, chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh và chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh.