Hoàng đế Càn Long trứ danh là phong lưu thế nhưng trong lòng vị thiên tử cao cao tại thượng này, vẫn có một bóng hình giai nhân không thể thay thế, đó chính là Hiếu Hiền hoàng hậu. Cùng Càn Long ân ái ba mươi năm, làm vị hoàng đế này tưởng niệm hơn 50 năm.
Công chúa – đích nữ độc nhất của Càn Long
Đáng nói, Càn Long không chỉ sủng ái Hiếu Hiền hoàng hậu mà đối với hoàng tử, công chúa do Hiếu Hiền hoàng hậu sinh ra, Càn Long cũng yêu thương, chiều chuộng cực độ. Chỉ tiếc là các hoàng tử, công chúa con của hai người chết sớm, chỉ có một một công chúa duy nhất còn sống sót là hoàng tam nữ Cố Luân Hòa Kính công chúa, đích nữ độc nhất của Càn Long.
Theo sử sách ghi chép, năm thứ 8 thời Ung Chính (năm 1731), Phúc tấn của hoàng tử Hoằng Lịch là Phú Sát thị (Hiếu Hiền hoàng hậu sau này) sinh được một con gái. Cô con gái này về sau chính là Cố Luân Hòa Kính công chúa.
Bởi con trai trưởng và con gái trưởng đã chết yểu, lần này sinh được con gái, Phú Sát thị vô cùng vui mừng, hết lòng thương yêu con. Càn Long cũng giống như vậy, vô cùng bảo vệ, nâng niu cô con gái nhỏ này.
Khi Càn Long kế vị, Cố Luân Hòa Kính công chúa trở thành công chúa còn sống sót duy nhất của Hiếu Hiền hoàng hậu. Chiếu theo quy định của Thanh triều, chỉ có công chúa do hoàng hậu đích thân sinh ra mở được phong làm Cố Luân công chúa, đẳng cấp tương đương với thân vương.
Chính xác hơn, Cố Luân Hòa Kính công chúa là người đầu tiên trong 2 vị Hoàng nữ của Càn Long Đế được phong vị hiệu dù chưa xuất giá. Được biết, theo cung quy, một hoàng nữ khi đến tuổi trưởng thành và hạ giá lấy chồng mới được ban phong hiệu công chúa.
Thế nhưng Hòa Kính Công chúa dù chưa xuất giá nhưng đã có tước vị, đây có thể xem là trường hợp cực kỳ hiếm, đủ cho thấy nàng được Càn Long thương yêu thế nào.
Công chúa nhận mọi sủng ái
Có thể nói, là đích nữ (con gái dòng chính) duy nhất của Càn Long, Cố Luân Hòa Kính công chúa nhận hết mọi sủng ái. Hơn nữa, vì con gái cưng, Càn Long đã sớm ngắm nghía đối tượng làm phò mã xứng đáng. Đó là Trát Tác Khắc Thân vương Sắc Bố Đằng Ba Lạc Châu Nhĩ, một Thân vương của Khoa Nhĩ Thấm Mông Cổ.
Sử sách ghi lại, Sắc Bố Đằng Ba Lạc Châu Nhĩ từ nhỏ đã được đưa vào cung nuôi nấng, cùng các hoàng tử con trai Càn Long học tập, 9 tuổi đã được phong là Phụ quốc công, là Phụ quốc công trẻ tuổi nhất trong lịch sử triều Thanh.
Năm Càn Long thứ 10, Càn Long ban chiếu tuyên bố đính hôn Cố Luân Hòa Kính công chúa cho Sắc Bố Đằng Ba Lạc Châu Nhĩ. Thế nhưng luyến tiếc con gái, không đành lòng nhìn con gái xa giá đến Mông Cổ, vị hoàng đế này cho phép con gái và con rể ở lại kinh thành, trong phủ công chúa. Cố Luân Hòa Kính công chúa trở thành vị công chúa đầu tiên được phép ở lại kinh thành.
Năm Càn Long thứ 12, Cố Luân Hòa Kính công chúa chính thức gả cho Sắc Bố Đằng Ba Lạc Châu Nhĩ. Sau tân hôn, hai người cực kỳ ân ái, sinh được 5 người con cả trai cả gái, trong đó có một cậu con trai được Càn Long đặc biệt thích. Vị hoàng đế này còn đặc biệt tự mình ban tên cho cháu ngoại trai là Ngạch Lặc Triết Y Đặc Mục Nhĩ Ngạch Nhĩ Khắc Ba Bái.
Chỉ cần nhìn độ dài của cái tên cũng thấy sự khí phách trong đó. Không chỉ vậy hai chữ “Ba Bái” trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là bảo bối. Dùng bảo bối làm tên, có thể thấy được Càn Long thực sự vô cùng yêu thích cậu cháu trai này.
Cũng bởi vì vô cùng chiều chuộng, thương yêu con gái Cố Luân Hòa Kính công chúa và cháu trai Ba Bái vậy nên khi con rể Sắc Bố Đằng Ba Lạc Châu Nhĩ đánh trận thất bại, tác chiến không thành, dung túng kẻ ác, theo luật phải bị chém đầu nhưng Càn Long lại nương tay, lưu lại một con đường sống cho phò mã, giúp Cố Luân Hòa Kính công chúa không phải mất chồng, cháu trai Ba Bái không phải chịu tang cha.
Năm Càn Long thứ 57 (1792), Cố Luân Hòa Kính công chúa chết vì bệnh tật, hưởng thọ 62 tuổi. Nàng cũng là cô công chúa có tuổi thọ cao nhất của vua cha Càn Long. Cả một đời từ khi sinh ra đến lúc mất đi, Cố Luân Hòa Kính công chúa đều vô cùng vinh quang, sung sướng, hưởng hết tất cả xa hoa, quyền thế, thực sự khiến người đời ngưỡng mộ.
Di thể của Công chúa hợp táng cùng Ngạch phò Sắc Bố Đằng Ba Lạc Châu Nhĩ ở trấn Đông Ba, phụ cận Bắc Kinh, nay gọi là Công chúa lăng.