Đến hẹn lại lên, cận kề năm hết Tết đến, tình trạng người dân muốn xem tử vi, xem bói toán để biết vận, hạn trong năm mới lại phổ biến. Nếu trước đây, một số người bán các cuốn sổ, tờ rơi tử vi vãng lai phía các chùa, đình, chợ…thì những năm gần đây, tình trạng này lại “tràn” lên không gian mạng, ở nhiều nền tảng và diễn ra sôi nổi, thu hút hàng chục ngàn người like (thích), view (xem) hoặc theo dõi (follow)…
Một số trang cá nhân, nhóm xã hội quan tâm thông tin tử vi, bói toán
Xem tử vi, bói toán có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe mỗi người; nếu tin tưởng quá mức sẽ dễ dẫn đến mê tín dị đoan một cách mù quáng.
Rước muộn phiền vào người
Chị N.T.H (ở trọ tại P.Hóa An, TP.Biên Hòa) sau khi lên mạng xem tử vi năm 2023 cho chị và chồng thì lo lắng không yên vì vận hạn của anh chị năm sau đều xấu, người sao xấu chiếu mạng, người thì phạm Tam tai. “Xem thông tin vận hạn như vậy tôi cảm thấy lo lắng, nhất là trong tình hình kinh tế năm tới được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn. Mấy hôm nay công việc làm ăn cuối năm không như ý, cộng với xem tử vi, tôi lo lắm, ai chỉ gì tôi làm nấy, chỉ mong “giải được hạn”.
Đạo Phật dùng đạo lý nhân quả nghiệp báo để giải thích những việc tốt xấu của một người. Mỗi người tự làm chủ cuộc đời mình, nghiệp của một người có thể chuyển được thông qua những thay đổi trong cuộc sống của họ. Vậy nên, việc xem bói toán là không cần thiết, vì “đức năng thắng số”. Không nên đặt trọn niềm tin vào tử vi, bói toán rồi lo lắng, bất an hoặc ỷ lại không chịu làm gì cả.
Cùng tâm trạng bất an như chị H., trên một nhóm công khai T.V.L.S của mạng xã hội Facebook có hơn 280 ngàn thành viên, có nhiều bài viết chia sẻ: “2023 – Bắt đầu một năm Thái Tuế trong sợ hãi”; “Mong hữu duyên cách thầy coi khi nào em thoát khỏi cảnh này”; “Năm nào có Kình Dương gặp Lưu Kình Dương và Đà Là gặp Lưu Đà Là đồng cung thì tai họa khủng khiếp xảy ra đúng không các bác? Em đang hoang mang quá vì năm sau có bộ sao đó”.
Với từ khóa “tử vi 2023”, người xem rất dễ dàng tiếp cận vì cho rất nhiều kết quả. Trên một website đăng lời mời chào: “…Bạn có biết còn bao nhiêu ngày nữa đến Tết 2023 không? Hiện tại đã là thời điểm gần cuối năm 2022 chuẩn bị bước sang năm mới, nắm được thông tin này sẽ giúp quý bạn lên kế hoạch chu đáo để chủ động công tác chuẩn bị cho một mùa tết hạnh phúc yên vui”.
Điểm chung của các trang web, các bài viết, clip trên các nền tảng mạnh xã hội là đều chèn nhiều quảng cáo trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả những quảng cáo mang nặng về quan hệ tình dục với hình ảnh phản cảm.
Còn nhóm riêng tư T.V.L.S… có đến 66,1 ngàn thành viên thì quảng cáo: “Luận giải lá số tử vi – Tư vấn phong thủy – Hóa giải vận hạn – An vị bàn thờ thần tài, gia tiên. Trấn Trạch trừ tà. Đào tạo: Lớp cúng cổ truyền, tử vi, kinh dịch mai hoa…”. Chủ nhóm này không quên kèm số điện thoại, địa chỉ “cà phê tử vi” để người có nhu cầu tiện liên hệ xem bói toán, vận mệnh.
Hay như trang cá nhân P.T.L.T có đến 48 ngàn người theo dõi thì giới thiệu bản thân là nhà chiêm tinh và ngoại cảm, công khai số điện thoại để người có nhu cầu liên hệ. Trên trang cá nhân, người này bên cạnh đăng các bài viết về tôn giáo, thì còn có các bài viết tâm linh không có căn cứ khoa học như: “Hành trình đến với cõi âm sau khi qua đời” với 11,4 ngàn lượt thích, 1,6 ngàn bình luận, 4,5 ngàn lượt chia sẻ; “Câu thần chú nào mang lại sự may mắn trong thi cử học vấn?” có 1,1 ngàn lượt xem…
Thực tế những ví dụ nêu trên chỉ là một lát cắt rất nhỏ trong lĩnh vực tử vi, bói toán tâm linh đang phát triển trên mạng xã hội.
Bài trừ mê tín dị đoan
Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh nhận định, các hành vi xem tử vi, bói toán đã có từ lâu và những năm gần đây, khi công cuộc chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ thì tình trạng này xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa một cách văn minh, tiến bộ. Do vậy, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để nâng cao ý thức mỗi người dân, từ đó người dân có “sức đề kháng tốt” trước những thông tin mê tín dị đoan cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời sống.
Rõ ràng, việc mưu cầu bình an, hạnh phúc cho bản thân, gia đình là nhu cầu thiết thân, chính đáng của mỗi người. Nhưng niềm tin và sự mưu cầu ấy phải dựa trên những nhận thức đúng đắn, có cơ sở khoa học, thực tiễn, cụ thể là bằng chính sự nỗ lực, cố gắng của bản thân mỗi người, chứ không thể bằng những suy đoán, “giải vận, giải hạn”… Bằng không, tất cả sự cả tin, mù quáng vào tử vi, bói toán sẽ “tiếp tay” lan truyền rộng rãi thông tin mê tín dị đoan, hành nghề mê tín dị đoan.
Pháp luật có nhiều quy định cụ thể xung quanh lĩnh vực này, song để ngăn xem tử vi, xem bói trên không gian mạng một cách triệt để không phải là việc có thể giải quyết được trong một sớm một chiều. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) khi chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT đặt vấn đề: ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng là việc không dễ dàng xử lý. Xử lý trường hợp đưa tin thất thiệt thì cũng rất vất vả, khó khăn và nếu không cẩn thận thì có thể dẫn đến tình trạng PR cho người nổi tiếng. Đại biểu đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp nào triệt để căn cơ nhất trong khi lực lượng của ngành thông tin truyền thông thì mỏng mà chúng ta có hàng chục triệu tài khoản trên các mạng xã hội, trong đó nhiều tài khoản có địa chỉ nước ngoài.
Trả lời đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn. Bộ trưởng cho rằng, giải pháp căn bản là cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của mỗi bộ, ngành, các tổ chức, các gia đình. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng.
Như vậy, việc đẩy lùi thông tin xấu độc trên mạng xã hội, trong đó có những thông tin mê tín dị đoan, xem tử vi, bói toán, cần sự phối hợp nhiều phía. Các cơ quan chức năng trong chức trách, nhiệm vụ của mình cần tăng cường tiếp nhận thông tin, truy vết đối tượng có hành vi mê tín dị đoan, truyền bá mê tín dị đoan trên mạng xã hội, tiến hành xử lý theo quy định pháp luật một cách triệt để… Trong thẩm quyền của mình, các nhà quản trị mạng xã hội cần chủ động xây dựng cơ chế kiểm soát hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng thuộc quản lý của mình, kịp thời khóa vĩnh viễn các tài khoản có hành vi truyền bá, kinh doanh mê tín dị đoan… Đăc biệt, người dùng mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi việc xem tử vi, bói toán trên mạng xã hội. Nếu như cộng đồng mạng tỉnh táo không like, không share, không follow, cũng như tham gia hoạt động của các trang tử vi, bói toán trên mạng xã hội, thì các trang này sẽ không còn đất sống.
• Tại Điểm D, Khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng nêu rõ: các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng: tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng…
• Còn tại Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.
• Tại Điểm Đ, khoản 7, Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có quy định phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.
• Tại Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hình phạt đối với tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau: Phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với trường hợp dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Lâm Viên