– Đọc các câu sau đây và trả lời câu hỏi nêu ở dưới:
(1) Mặt trời xuống biển như hòn lửa
(Huy Cận)
(2) Những ngày không gặp nhau
Biển bục đầu thương nhớ
(Xuân Quỳnh)
(3) Từ đấy, giữa biển người mênh mông, Phi gặp biết bao nhiêu gương mặt, cùng cười đùa với họ, hát cho họ nghe…
(Nguyền Ngọc Tư)
a. Từ biển ở câu nào được dùng với nghĩa gốc?
b. Từ biển trong câu nào được dùng với nghĩa chuyển và được chuyển nghĩa theo phương thức nào? Có thể coi các trường hợp chuyển nghĩa đó là hiện tượng một nghĩa gốc của từ phát triển thành nhiều nghĩa được không? Vì sao?
Gợi ý trả lời: Cần vận dụng kiến thức về các phương thức phát triển nghĩa của từ, tìm hiểu nghĩa của từ biển trong Từ điển tiếng Việt để xác định nghĩa của từ biển trong các trường họp nêu ở đề bài.
– Chú ý: Nghĩa gốc của từ biển chỉ vùng nước mặn rộng lớn nói chung trên bề mặt Trái Đất. Từ đó có thể xác định từ biển nào trong các trường hợp trên được dùng theo nghĩa gốc, từ biển nào được dùng theo nghĩa chuyển:
+ Từ biển trong câu (1) được dùng với nghĩa gốc.
+ Từ biển trong câu (2), (3) được dùng với nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ.
– Không phải trường hợp chuyển nghĩa nào cũng làm cho từ trở thành từ nhiều nghĩa:
+ Từ biển trong câu (2) là ẩn dụ tu từ. Tác giả dùng biển để chỉ nhân vật trữ tình em, dựa trên mối quan hệ tương đồng giữa biển và em theo cảm nhận của nhà thơ, nhằm thể hiện tình yêu rộng lớn, nỗi nhớ mênh mông, cồn cào khi xa cách thuyền – anh. Đây không phải hiện tượng phát triển nghĩa của từ bởi sự chuyển nghĩa đó chỉ có tính chất lâm thời, gắn với hoàn cảnh sử dụng cụ thể nhằm mục đích tu từ; nó không làm cho từ có thêm nghĩa mới.
+ Từ biển trong câu (3) là ẩn dụ từ vựng, tạo ra nghĩa khá ổn định, gắn với từ, biểu thị ý khối lượng nhiều, đông đảo, ví như biển. Đây là hiện tượng phát triển nghĩa của từ.
– Cùng với sự phát triển của xã hội, từ vựng của ngôn ngữ cũng không ngừng phát triển. Một trong những cách phát triển từ vựng tiếng Việt là phát triển nghĩa của từ ngữ trên cơ sở nghĩa gốc của chúng.
– Có hai phương thức chủ yếu phát triển nghĩa của từ ngữ: Phương thức ẩn dụ và phương thức hoán dụ.
Câu 1: Em hãy tìm môt số từ có nghĩa gốc và nghĩa chuyển.
Gợi ý trả lời:
– Nghĩa gốc: Công việc; Nghĩa chuyển: Công tố, công trình, công ti.
– Nghĩa gốc: Mùa Xuân; Nghĩa chuyển: Tuổi xuân, thanh xuân, sắc xuân.
– Nghĩa gốc: Đôi mắt; Nghĩa chuyển: Mắt na,…
– Nghĩa gốc: Nhà cửa; Nghĩa chuyển: Nhà lao, sân nhà,…
– Nghĩa gốc: Sự việc; Nghĩa Chuyển: gây sự, sự tích,…
Câu 2: Em hãy lấy ví dụ về hai phương thức chủ yếu phát triển nghĩa của từ là ẩn dụ và hoán dụ.
Gợi ý trả lời:
– Biện pháp tu từ hoán dụ:
+ Lấy bộ phận chỉ toàn thể: Bàn tay ta làm nên tất cả.
-> Sức lao động của con người.
+ Lấy vật chứa đựng để chỉ vật được chứa đựng, sự vật gắn bó, gần gũi: Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
-> Hình ảnh hoán dụ mang tính tượng trưng cho con người của quê hương.
– Biện pháp tu từ ẩn dụ:
+ Lấy sự vật này thay thế sự vật khác có nét nghĩa tương đồng:
“Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”.
-> Ví Bác Hồ như mặt trời -> nghĩa mang tính chất lâm thời, ca ngợi sự vĩ đại của Bác.
“Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”
-> Ví đứa con như mặt trời -> nhằm thể hiện tình mẹ thương con sâu nặng, con là niềm vui, sự sống của đời mẹ -> nghĩa lâm thời.
Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:
– Sự biến đổi và phát triển nghĩa của từ ngữ.
– Hai phương thức phát triển nghĩa của từ.
– Nhận biết ý nghĩa của từ ngữ trong các cụm từ và trong văn bản.
– Phân biệt các phương thức tạo nghĩa mới của từ ngữ với các phép tu từ ẩn dụ, hoán dụ.