TS. Nguyễn Ngọc Thơ
Châu Mỹ được phần còn lại của thế giới biết đến từ thế kỷ XV – XVI Tây lịch, được gọi là châu lục Tân thế giới. Tuy nhiên, châu Mỹ thực chất không hề là châu lục mới vì trong lịch sử châu lục này đã từng có rất nhiều nền văn minh hình thành, phát triển huy hoàng rồi sụp đổ trước khi người châu Âu phát hiện ra nó. Khoa học hiện đại đã tiến hành nhiều công trình với quy mô lớn để mang văn minh châu Mỹ cổ ra thế giới, nhờ đó những bí mật ngàn năm chưa giải của những nền văn minh bản địa này đã lần hồi được hé mở, trong đó nổi bật nhất là hai khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ. Trong loạt bài giới thiệu về nền văn minh châu Mỹ cổ đại, chúng tôi lần lượt giới thiệu những nền văn minh tiêu biểu của hai khu vực này, đầu tiên hãy là Trung Mỹ.
Tổng quan các nền văn minh Trung Mỹ cổ đại, có nhiều cách chia thời kì niên đại khác nhau. Tiêu biểu, nhóm các tác giả Robert M. Carmack, Janine Gasco và Gary H. Gossen (Đại học New York và California ở Mỹ) đã công bố trong cuốn Di sản văn minh Mesoamerica: lịch sử và văn hóa của một nền văn minh bản địa châu Mỹ (xuất bản năm 1996, tái bản năm 2007) chia 5 thời kì, gồm thời kì đồ đá, thời kì cổ xưa, thời kì hình thành, thời kì cổ điển và thời kì hậu cổ điển. Đối chiếu niên đại phát triển của các nền văn minh Trung Mỹ trong lịch sử theo các thời kì, ta có bảng sau:
STT
Thời kì
Niên đại
Nền văn minh
1
Đồ đá
20.000 trCN
Văn minh đồ đá
2
Cổ xưa
8000 – 2000 trCN
Văn minh cổ xưa
3
Hình thành
2000 – thế kỷ II sau CN
Văn minh Ocos, Olmec, Monte Alban
4
Cổ điển
Thế kỷ II – 500
Văn minh Monte Alban (tiếp theo), Teotihuacan, Maya
5
Hậu cổ điển
500-1500
Văn minh Toltec, Chichen Itza và hậu Aztec
Văn minh Olmec
Bản đồ vùng đất trung tâm văn minh Olmec
Văn minh Olmec hình thành và phát triển hoàn toàn trong thời kì Hình thành. Thời ấy, khu vực bờ biển Mexico giáp với vịnh Mexico đã có tiền dân Olmec cư trú trong những ngôi làng nhỏ ở những vùng đất thấp. San Lorenzo là một làng điển hình của văn hóa Olmec. Những bằng chứng khảo cổ học tại làng này cho thấy người Olmec thời kì này đã bắt đầu định cư, chế tác một số loại dụng cụ sinh hoạt như bình, vò đất sét nung để phục vụ cuộc sống. Các di vật khảo cổ thời kì này phổ biến nhất là các tượng đầu trẻ em được tìm thấy ở Chiapas. Đến khoảng 1200 trCN, nghệ thuật đúc tượng đá Olmec đã đạt đến trình độ cao, nhờ vậy ngày nay chúng ta vẫn có thể chiêm ngưỡng nét hoàn hảo của tượng đầu người – chính xác là đầu các vị thủ lĩnh Olmec – còn lưu lại ở San Lorenzo và các vùng lân cận
Tượng đầu người Olmec ở San Lorenzo
Sang trung kì thời kì Hình thành (900-400trCN), Le Venta nổi lên thành trung tâm văn minh Olmec tiêu biểu. Nhiều tượng điêu khắc đá với các kích thước vừa và nhỏ được tìm thấy, bên cạnh đó là nhiều di chỉ mộ táng với nhiều đồ vật tùy táng và những chiếc mặt nạ bí ẩn.
Di chỉ La Venta
Tượng thần ở Chatcatzingo
Trong giai đoạn này đã bắt đầu xuất hiện nhiều tổ chức nhà nước sơ khai, sự liên kết với các khu vực lân cận cũng như nghề thương mại. Nhiều hiện vật khảo cổ được tìm thấy cho thấy người Olmec đã từng chiến thắng, cai trị và buôn bán với một số vùng lãnh thổ xung quanh. Ngoài Le Venta, hai khu vực khác cũng nổi lên trở thành các trung tâm văn minh tầm cỡ như San Jóse Mogote ở thung lũng Oaxaca và Chalcatzingo ở Morelos. San Jóse Mogote nổi tiếng với các cấu trúc điêu khắc cộng đồng quy mô lớn và mô hình các làng dân cư rải rác; còn Chatcatzingo nổi tiếng với nhiều hiện vật nghệ thuật đá mang tính tôn giáo.
Mô hình Kim tự tháp Cuicuilco
Vào cuối kì thời Hình thành, các trung tâm văn minh sớm kể trên lần lượt lụi tàn, mở đầu cho sự hình thành và phát triển của trung tâm Cuicuilco vào khoảng đầu Công nguyên. Văn minh Cuicuilco nhìn chung kế thừa các trung tâm văn minh trước đó. Cư dân Olmec tại Cuicuilco cổ đã tiến hành xây ngôi kim tự tháp đầu tiên tại châu Mỹ – kim tự tháp dạng nhiều tầng hình tròn chồng lên nhau. Theo ước tính của các nhà khoa học, thành Cuicuilco vào ngưỡng cửa Công nguyên dân số lên đến 20.000 người. Cuicuilco lụi tàn vào khoảng thế kỷ 1 sau CN song cho đến nay vẫn chưa biết vì lý do gì. Cuicuilco nhường chỗ cho văn minh Teotihuacan xán lạn ở thời kì Cổ điển tiếp theo.
Cùng thời điểm với văn minh Cuicuilco, thung lũng Oaxaca nổi lên với văn minh Monte Alban kéo dài gần một thiên niên kỷ.
Tượng đá ở Cuicuilco
Lịch pháp thổ dân Trung Mỹ
Ngoài các thành tựu thiên về vật chất, kỹ thuật thì lịch pháp được xem như thành tựu văn hóa nhận thức tiêu biểu nhất của văn minh Olmec và các vùng lân cận.
Trong khoảng thời kì Hình thành (2000- thế kỷ 2 sau CN), cư dân bản địa khắp vùng Trung Mỹ (cả người Olmec và các sắc tộc khác) đã bắt đầu sử dụng ba hệ thống lịch khác nhau. Loại thứ nhất là thánh lịch. Thánh lịch hình thành từ sự kết hợp tuần hoàn của hai vòng, vòng thứ nhất có 13 số (từ 1 đến 13), và vòng thứ hai gồm 20 tên gọi thần linh khác nhau. Do vậy, một năm theo thánh lịch Olmec có 260 ngày (13×20), mỗi ngày có tên gọi hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, khi phương Tây nói “thứ sáu ngày 23 tháng 9” thì cư dân Trung Mỹ cổ nói là ngày “3 Imix” (Imix: tên thần). Loại thánh lịch này ngày nay vẫn được nhiều cộng đồng bản địa châu Mỹ sử dụng. Loại thứ hai làdương lịch. Một năm theo dương lịch cổ Trung Mỹ gồm 18 tháng, mỗi tháng dài 20 ngày, cộng với 5 ngày riêng biệt nữa, tổng cộng một năm có 365 ngày, gần đúng với Tây lịch ngày nay. Trong dương lịch Olmec, mỗi ngày trong tháng đều được gọi bằng tên của một vị thần hộ mệnh, hoàn toàn khác biệt với tên thần trong thánh lịch. Ví dụ, thánh lịch gọi thứ sáu ngày 23 tháng 9 là “3 Imix” thì dương lịch gọi là “15 Zac” (Zac: tên thần). Loại lịch thứ ba hình thành từ sự kết hợp hai loại lịch trên, hình thành các vòng chu kỳ, mỗi vòng dài 52 năm. Ví dụ, thứ sáu ngày 23 tháng 9 là “3 Imix, 15 Zac” thì phải đến 52 năm sau mới gặp lại ngày này.
Cư dân Olmec – họ là ai?
Riêng với người Olmec tại Trung Mỹ, giả thiết người Olmec có nguồn gốc từ châu Phi và vùng Cận Đông là có nhiều cơ sở hơn cả. Có thể cả hai nhóm người này đã từng cùng đặt chân đến Trung Mỹ qua những thương đoàn hàng hải. Xét về hình thể, nét mặt của các tượng đầu người ở văn minh Olmec rất giống với nét mặt cư dân châu Phi, đặc biệt là phần môi. Còn ở bức điêu khắc trên cột đá ở La Venta thì hình ảnh người đàn ông trông rất giống thủy thủ người Phoenicia (vùng Cận Đông). Về mặt sử liệu, người ta tìm thấy có câu chuyện về đoàn thuyền của vì vua Mali (thuộc Tây Phi) là Abubakari II cùng 2000 chiếc thuyền to giong buồm ra khơi về phía Tây và đã không trở lại trong ghi chép của nhà sử học người Arập al-Omari. Hơn nữa, người ta còn tìm thấy mối liên hệ giữa chuyến đi này với những gì Christopher Columbus đã ghi lại câu chuyện kể của người Haiti và Dominica vào cuối thế kỷ 15 về những thương đoàn người da đen từ phía đông nam đến buôn bán với tổ tiên của họ trong quá khứ. Hơn nữa, các nghiên cứu y học hình thể hiện đại cũng cho thấy kết quả tương tự. Các mẩu sọ người Olmec được giám định là hoàn toàn trùng khớp với kích cỡ và các đặc trưng của cư dân Tây phương.
So sánh gương mặt người Tây Phi và tượng đầu người Olmec
Thủy thủ Phoenicia và bức điêu khắc đá Olmec
Những so sánh này dĩ nhiên chưa đủ để đi đến khẳng định, song nó gợi cho chúng ta nhiều điều lý thú về một nền văn minh cổ xưa trong lịch sử nhân loại.
Văn minh Zapotec
Toàn cảnh khu thánh địa Monte Alban
Monte Alban là một thành phố tôn giáo, chính trị và dân sự. Thành phố có một khu thánh địa ở trung tâm đỉnh đồi. Bao quanh thánh địa là hàng loạt những khối kiến trúc gò nổi trải dài theo bốn cạnh bao quanh. Ở ngữa là một quảng trường lớn (300mx200m) có đài trung tâm dùng làm nơi tiến hành nghi lễ hay sinh hoạt chính trị cộng đồng. Hai đầu nam bắc của quảng trường là các đài cao, bên dưới là hệ thống phòng ốc và đường dẫn chằng chịt. Đài phía nam có quy mô hơn cả, có đường dẫn lên đài là một lối đi nhiều bậc thang được chạm khắc rất tinh xảo. Xung quanh thánh địa là các quần thể lăng mộ, đền thần và các công trình công cộng khác. Nhà dân cư rải rộng ra xung quanh ngọn đồi và kéo dài khắp thung lũng.
Sơ đồ trung tâm Monte Alban
Thành bang Monte Alban thời kì này rất mạnh mẽ về quân sự và chính trị. Tầm ảnh hưởng của nó phủ rộng khắp thung lũng Oaxaca và các cao nguyên bao quanh. Trong suốt quá trình lịch sử, Monte Alban đã mở nhiều cuộc chiến tranh chinh phục các lãnh thổ lân cận và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Các nhà khảo cổ tìm thấy một lớp tường dày khỏi bao quanh để bảo vệ thành phố không bị tàn phá bởi kẻ địch từ bên ngoài. Một bức tường được trạm khắc còn nguyên vẹn tả cảnh các chiến binh Monte Alban đang hành xử hơn các tù binh ngoại tộc. Trong quan hệ với thành bang khổng lồ Teotihuacan ở thung lũng Mexico phía Bắc, Monte Alban luôn có gắng giữ vị thế đối tác suốt một thời gian dài trước khi sụp đổ vào khoảng thế kỷ 7 – 8 sau Công nguyên và bị người Mixtec thay thế.
Chữ viết Zapotec cổ
Như đã nói, cư dân làm chủ Monte Alban là người Zapotec. Đa phần họ là nông dân, một bộ phận khác hành nghề buôn bán. Họ trồng trọt ở những mảnh ruộng (rẫy) nằm rải rác khắp thung lũng. Thành bang Monte Alban có hai thời kì hưng thịnh: giai đoạn đầu Công nguyên và giai đoạn thế kỷ thứ 6 -8. Vào đầu Công nguyên, Monte Alban có thể đạt đến mức dân số 17.200 người, đến giai đoạn hưng thịnh sau dân số có thể lên đến 35.000 người. Dân số tăng nhanh, tiềm lực mạnh đã khiến Monte Alban trở thành trung tâm văn minh lớn nhất và có ảnh hưởng nhất của người Zapotec trong suốt gần một thiên niên kỷ.
Các dazante
Monte Alban ngày nay còn lưu lại hơn 300 bức chạm khắc đá đặc sắc thể hiện hình ảnh của các “danzante” (các vũ công). Tất cả họ đều là nam giới, được chạm trong nhiều tư thế, điệu bộ uốn éo, xoắn tít tay chân vào nhau. Tất cả đều trong trạng thái lõa thể, một số bị cắt mất bộ phận sinh dục. Các chi tiết này mặc nhiên gây cho chúng ta một câu hỏi: thực chất họ có phải là những vũ công danzante? Câu trả lời là: không! Các nghiên cứu khảo cổ học cho thấy, họ không phải là những vũ công mà là những tù binh, chính xác là các thủ lĩnh của các bộ lạc thù địch (được cho là người Olmec) bị bắt và tra khảo tại Monte Alban. Cũng có ý kiến cho rằng họ là những nạn nhân hiến tế trong các nghi lễ cầu phần thực của cư dân trong thành. Ngoài ra, tại trung tâm Monte Alban còn có một tượng đá to hình mũi tên nổi bật hơn tất cả các tảng đá khắc khác, được cho là bia chiến thắng của người Zapotec cổ đại.
Cư dân Monte Alban thời đầu công nguyên đã có chữ viết, loại chữ tượng hình đơn giản, song số lượng khá hạn chế. Ngoài các chữ số ra, người ta tìm ra được khoảng 80 đến 90 chữ khác nhau còn lưu lại. Các hình vẽ danzante nói trên được cho là mang những ý nghĩa khác nhau. Ngoài ra, hai bia đá (số 12, 13) còn sót lại ở Monte Alban cho ta thấy một số ký tự tiêu biểu của chữ viết Monte Alban. Tuy vậy, giới nghiên cứu vẫn chưa tìm ra ý nghĩa của tất cả các chữ viết này do chúng quá ít để có thể giải mã một cách có hệ thống. Người Zapotec sử dụng chữ viết với hai mục đích chính: chuyển tải thông tin quân sự (hiệu lệnh chiến đấu) và thông điệp ngoại giao (cụ thể là với thành bang Teotihuacan). Khoảng thế kỷ thứ 10 sau CN, loại chữ này bị thất truyền và bị thay thế bằng kiểu chữ của người Mixtec.
Một số họa tiết khác cho thấy cư dân Zapotec cổ sử dụng loại thánh lịch và dương lịch cổ phổ biến vùng Trung Mỹ (xem kỳ 1). Người Zapotec đặt tên 20 ngày trong tháng thánh lịch theo tên các sự vật hay hiện tượng như sau: