Những bí quyết trong cách nấu canh măng khô được chia sẻ trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có một món canh đậm đà, nóng hổi, rất thích hợp cho bữa cơm ngày mưa lạnh. Măng có độ mềm vừa phải, không dai hay khô cứng, móng giò béo ngọt nhưng không hề ngấy, hòa quyện cùng nước dùng ngọt thanh, ăn tới đâu ấm bụng tới đó.
Canh măng khô là món ăn truyền thống trong mâm cơm ngày Tết của người miền Bắc. Ảnh: Internet
Măng là thực phẩm có nhiều ở miền núi, nhất là ở những nơi có rừng tre, nứa, bương, trúc,… Từ măng, người ta chế biến ra nhiều món ăn ngon, đậm đà hương vị như: canh măng, bún xáo măng, miến gà măng khô, măng nấu xáo vịt,… Canh măng khô nấu giò heo là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của nhiều gia đình Bắc bộ. Nếu chưa từng thưởng thức vị ngon đặc biệt của món canh này, mời bạn cùng học cách nấu canh măng khô qua hướng dẫn chi tiết dưới đây.
Cách chọn măng khô ngon
Một số cơ sở sản xuất vì lợi nhuận nên thường sử dụng hóa chất lưu huỳnh (diêm sinh) để tẩm ướp cho măng có màu vàng đẹp và chống ẩm mốc. Nếu ăn phải măng khô có chứa lưu huỳnh ở nồng độ cao có thể bị ngộ độc thực phẩm, gây hại cho sức khỏe.
Do đó, để đảm bảo an toàn, khi mua măng, bạn nên chọn măng khô có màu vàng nâu nhạt hay màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt dày, khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay, dễ bị bẻ gãy và có mùi thơm tự nhiên của măng tre.
Tuyệt đối không mua măng có độ bóng, màu sáng bắt mắt, có mùi khét, để bao lâu cũng không bị ẩm mốc, đó là măng khô sấy bằng lưu huỳnh.
Măng khô ngon là măng có màu vàng nâu nhạt, hay màu hổ phách và có độ bóng. Ảnh: Internet
Cách sơ chế măng khô
Công đoạn sơ chế măng khô rất quan trọng, phải làm thật kỹ càng để loại bỏ chất độc có trong măng, không gây hại cho sức khỏe người dùng. Đầu tiên, bạn rửa sạch măng khô rồi cho vào chậu nước lạnh ngâm qua đêm để măng nở mềm.
Hôm sau, lấy măng ra rửa sạch rồi đổ nước vào ngâm tiếp. Bạn ngâm măng trong nước từ 3 – 5 ngày liên tục, mỗi ngày đều phải thay nước mới để măng không bị chua.
Ngày cuối cùng lấy măng ra và ngâm tiếp trong nước vo gạo từ 3 – 4 giờ, rồi rửa lại với nước sạch một lần nữa.
Ngâm măng trong nước cho đến khi nở mềm. Ảnh: Internet
Măng sau khi ngâm nở, cho măng vào nồi luộc với 1 muỗng cà phê muối trong 1 giờ. Sau khoảng thời gian này, bạn gạn bỏ nước luộc rồi châm thêm nước mới vào đun tiếp.
Luộc măng 3 – 4 lần hoặc đến khi thấy nước luộc không còn màu đục, cắn thử miếng măng thấy đã mềm nhưng vẫn còn độ giòn là được. Lưu ý, trong quá trình luộc không đậy nắp nồi để chất độc trong măng tiết ra nước và bốc hơi.
Lấy măng ra cắt bỏ phần xơ, già rồi xé măng thành từng sợi mỏng, sau đó rửa lại với nước sạch rồi vớt măng ra rổ, để ráo nước. Măng sau khi ngâm và luộc nhiều lần là có thể mang đi chế biến món ăn.
Cách bảo quản măng khô
Bọc măng khô trong túi nilon kín để nơi mát hoặc tối.
Măng khô đã luộc nếu không sử dụng hết, bạn cho măng vào túi buộc kín vào bảo quản trong tủ lạnh. Cách này có thể giữ măng không bị hư trong vòng 1 tuần nếu để trong ngăn mát và khoảng 1 tháng nếu để trong ngăn đá.
Bảo quản măng khô trong túi kín. Ảnh: Internet
Cách nấu canh măng khô
Nguyên liệu
- Măng khô: 300g
- Móng giò heo: 1 cái
- Sườn non: 500g
- Hành khô: 30g
- Hành lá: 20g
- Ngò gai: 20g
- Gia vị: muối, đường, bột ngọt, hạt nêm, nước mắm
Cách thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Măng khô bạn sơ chế như hướng dẫn phía trên. Ướp măng với 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, trộn đều và để trong 30 phút cho măng ngấm gia vị.
Móng giò cạo sạch lông và gỡ bỏ phần móng bên ngoài, sau đó xát muối cho hết mùi rồi rửa sạch. Sườn non cũng rửa sạch với nước rồi để ráo.
Chặt móng giò và sườn thành từng khúc vừa ăn. Chần trong nước sôi khoảng 3 phút để loại bỏ tạp chất và mùi hôi, sau đó xả lại với nước lạnh, rửa sạch bọt bẩn và vụn xương.
Chần sơ móng giò và sườn với nước sôi. Ảnh: Internet
Hành khô bóc vỏ, băm nhỏ.
Hành lá, ngò gai bỏ gốc và lá vàng úa, rửa sạch rồi cắt nhỏ.
Bước 2: Xào măng
Bắc chảo lên bếp, thêm vào 1 muỗng canh dầu ăn, khi dầu nóng bạn cho hành khô băm nhỏ vào phi thơm. Tiếp đến, cho măng đã ướp vào xào với lửa lớn đến khi măng săn lại thì tắt bếp, trút ra dĩa để riêng.
Xào măng cho săn lại. Ảnh: Internet
Bước 3: Nấu canh
Cho móng giò và sườn non vào nồi hầm từ 30 – 45 phút đến khi mềm. Trong quá trình hầm thường xuyên vớt bọt để nước canh được trong. Nếu muốn nước dùng thơm hơn, bạn có thể cho thêm một mẩu quế nhỏ.
Tiếp tục cho măng đã xào sơ vào nồi canh, hầm đến khi măng mềm.
Khi miếng măng đã thấm vị ngọt thì nêm nếm lại với hạt nêm, bột ngọt, nước mắm sao cho vừa miệng. Đun cho nồi canh sôi lại thì tắt bếp.
Hầm canh với lửa nhỏ cho các nguyên liệu chín mềm. Ảnh: Internet
Múc canh ra tô, rắc thêm hành lá, ngò gai cắt nhỏ lên trên là bạn đã có được tô canh măng chuẩn vị.
Canh măng khô có phần nước xương ngọt, ngấm vào từng thớ măng, móng giò được ninh nhừ, có thể ăn kèm cùng bún hay miến như món chính trong bữa. Thưởng thức món canh này trong những ngày mát trời hay mưa lạnh lại càng thú vị.
Canh măng khô ăn với cơm, bún hay miến đều ngon. Ảnh: Internet
Vì cách nấu canh măng khô khá kỳ công nên bạn có thể nấu nhiều rồi cho vào hộp có nắp đậy, bảo quản trong tủ lạnh, khi ăn chỉ cần lấy ra đun nóng lại là được. Cách này thường được nhiều người áp dụng để trữ sẵn, dùng dần trong 3 ngày Tết.
Hy vọng với những chia sẻ về cách lựa chọn, sơ chế, bảo quản măng khô, cũng như cách nấu canh măng khô với móng giò, sườn non đã giúp bạn biết thêm một món ăn ngon để bồi bổ sức khỏe cho gia đình. Chúc bạn thực hiện thành công. Đừng quên điền thông tin vào form bên dưới hoặc gọi đến số 028 6294 8405 để được tư vấn về khóa học nấu các món canh ngon khác từ Dạy Nấu Ăn bạn nhé!