Trả lời:
Em học lớp 9 nghĩa là năm nay khoảng 14-15 tuổi. Đây là tuổi dậy thì nam, ở nữ có thể sớm hơn. Tuổi dậy thì thay đổi theo sự phát triển của tiến bộ xã hội, khoa học, văn hóa, điều kiện kinh tế gia đình hoặc cá nhân. Ngày nay, thống kê cho thấy tuổi dậy thì càng sớm hơn.
Nếu một người có thanh quản trưởng thành nhưng lại không có giọng nói trưởng thành sẽ gây ra rối loạn giọng tuổi dậy thì (mutational falsetto), nghĩa là sự duy trì giọng nói trẻ em sau khi đã dậy thì đầy đủ và thanh quản đã phát triển hoàn toàn. Điều này khiến cho bạn nam mặc cảm và hạn chế giao tiếp trong xã hội do bị những lời chọc ghẹo của người xung quanh cho là pêđê và bị hiểu lầm giới tính.
Kích thước của thanh quản trẻ em chỉ bằng 1/3 thanh quản người lớn. Trước tuổi dậy thì, đã có sự khác nhau giữa giọng nói nam và nữ nhưng rất kín đáo, chủ yếu là khác ở cường độ và âm sắc. Ở nam dậy thì, có sự biến đổi đột ngột của giọng nói, dưới tác động của những yếu tố nội tiết testosterone. Ở trẻ vị thành niên nam, sự thay đổi giọng thường xuất hiện ở 12-14 tuổi, cùng lúc với sự phát triển nhanh của cơ thể và nhiều cơ quan khác như lông tóc, bộ phận sinh dục… Quá trình thay đổi giọng này kéo dài từ 6 tháng đến một năm. Kích thước thanh quản sẽ lớn lên và dây thanh dài thêm.
Sự thay đổi kích thước của thanh quản kéo theo sự thay đổi về giọng nói, âm sắc còn trở nên sâu hơn, trầm hơn. Đôi khi trong giai đoạn dậy thì, hai giọng cùng tồn tại và trẻ thành niên sẽ nói giọng lúc cao, lúc trầm, giai đoạn này chỉ kéo dài vài tháng.
Ảnh: Minh Thùy.
Rối loạn giọng là do khi đang nói giọng trẻ con mà chuyển đột ngột sang giọng đàn ông trầm ồ ồ làm cho các em cố “níu kéo” giọng cũ của mình nên làm mất khả năng chủ động chính xác về độ cao của giọng. Các em nam sống trong gia đình có nhiều chị em gái hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng, viêm nhiễm đường hô hấp… đến tuổi dậy thì cũng dễ bị rối loạn giọng.
Có người đến độ tuổi 30 mà vẫn bị rối loạn giọng, là do không được chia sẻ, không điều trị kịp thời lúc ở tuổi dậy thì, hoặc do dây thanh không kín, phát triển không đều. Rối loạn nội tiết sinh dục, thượng thận và tuyến yên cũng gây rối loạn phát âm.
Điều trị:
Khoa thanh học đã áp dụng phương pháp luyện giọng để giúp các em nam tìm lại giọng nói trầm của đàn ông.
1. Kỹ thuật để tạo ra giọng nói trầm gồm những phần sau:
– Ho và phát ra nguyên âm.
– Phát nguyên âm với thanh nôn đóng mạnh (glottal attack).
– Giảm sự căng thẳng của các cơ.
– Hạ thanh quản xuống khỏi vị trí cao bất thường.
– Tằng hắng giọng lên xuống.
– Dùng ngón tay ấn nhẹ vào sụn giáp khi bệnh nhân phát nguyên âm.
2. Phác đồ luyện giọng có những bước cơ bản như sau:
– Thư giãn.
– Tập thở bụng.
– Tằng hắng, phát âm.
– Tập thở và phát âm.
– Tập đọc: nhỏ lớn, thấp cao, kể chuyện.
– Tập động tác môi miệng.
– Tập phong cách.
– Tập hát và phát âm theo tiếng đàn.
Tỷ lệ thành công cao, ít tốn kém nhiều về tiền bạc, có thời gian để luyện giọng. Lứa tuổi tốt nhất để luyện giọng là nên trước 20 tuổi. Càng lớn, giọng nói đã ổn định và thành thói quen, việc điều chỉnh sẽ khó khăn. Bệnh nhân cũng nên phối hợp nam khoa để khám và điều trị thêm.
Em nên đến các cơ sở điều trị Tai Mũi Họng uy tín và hiện đại để gặp bác sĩ tư vấn và khám bệnh và điều trị tích cực cho em.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc MinhKhoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Quốc tế Thành Đô
- Bị trêu pê đê vì không có yết hầu ở cổ
- Tìm lại bản lĩnh đàn ông nhờ luyện giọng