Cảm giác hồi hộp lo lắng nhiều lúc làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc cũng như chất lượng cuộc sống của bạn. Không những vậy, nếu hồi hộp lo lắng thường xuyên xảy ra, bạn không nên chủ quan vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe đang gặp vấn đề. Tìm hiểu tình trạng hay hồi hộp lo lắng là bệnh gì, để biết được những triệu chứng và cách điều trị hiệu quả.
Hồi hộp lo lắng là bệnh gì?
Cảm giác hồi hộp lo lắng là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi gặp phải những tình huống gây căng thẳng, sợ hãi. Lúc này, tim đập nhanh, mạnh bất thường, huyết áp tăng, nhịp thở nhanh hơn. Thông thường, tình trạng hồi hộp lo lắng sẽ giảm dần khi bạn thoát khỏi tình huống gây căng thẳng, vấn đề quan trọng. Hoặc khi bạn dần thích ứng được với tình huống sẽ bớt hồi hộp lo lắng.
Ở mỗi người, cảm giác hồi hộp lo lắng sẽ có sự khác nhau. Nó có thể mơ hồ, chung chung hoặc lo lắng về một vấn đề cụ thể nào đó. Tuy nhiên, đối với những người bị rối loạn lo âu thì biểu hiện lo lắng một cách mơ hồ, hồi hộp sẽ xuất hiện với tần suất cao, mức độ nặng và kéo dài hơn. Mặt khác, hồi hộp có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý tim mạch nguy hiểm như rung nhĩ, cơn nhịp nhanh trên thất, suy tim… (1)
Nguyên nhân hồi hộp lo lắng kéo dài
Hồi hộp lo lắng kéo dài có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau, phổ biến nhất là các vấn đề về tâm lý và tim mạch.
1. Stress
Hầu như ai cũng đã từng bị căng thẳng, áp lực ít nhất một lần trong đời. Có thể là do công việc, vấn đề trong cuộc sống, tình cảm khiến bạn dễ bị kích động, rơi vào trạng thái lo âu, bồn chồn, khó chịu trong người. Khi bị stress, tuyến thượng thận sẽ giải phóng hormone cortisol, gây rối loạn quá trình sản xuất các hormone trong cơ thể.
Điều này dẫn đến những biểu hiện khác thường về cảm xúc, hành vi và thể chất. Phần lớn những người thường xuyên bị stress, cảm giác hồi hộp lo lắng sẽ luôn thường trực. Đi kèm với đó là biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, khó tập trung.
2. Bị rối loạn lo âu
Triệu chứng hồi hộp lo lắng kéo dài do mắc chứng rối loạn lo âu khá phổ biến hiện nay. Rối loạn lo âu gồm nhiều loại khác nhau như rối loạn lo âu lan tỏa, ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn hoảng loạn,…
Cho dù là loại rối loạn lo âu nào, người bệnh cũng có biểu hiện đặc trưng là hồi hộp, lo lắng quá mức về một vấn đề có thể rất đỗi bình thường. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng công việc, các mối quan hệ xã hội, tinh thần và sức khỏe. (2)
3. Trầm cảm
Hồi hộp lo lắng là bệnh gì? Nó cũng là một trong những biểu hiện của bệnh trầm cảm. Người bệnh luôn trong trạng thái u uất, chán chường, có suy nghĩ tiêu cực.
4. Do mắc các bệnh về tim mạch
Đa số những bệnh lý về tim mạch đều có biểu hiện là rối loạn nhịp tim, từ đó gây ra cảm giác lo lắng, hồi hộp ở người bệnh. Nếu có kèm theo triệu chứng đau ngực, khó thở, tim đập nhanh bất thường, chóng mặt,… khả năng rất cao tim mạch của bạn đang gặp vấn đề. Lúc này, bạn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán chính xác về tình trạng của tim mạch có đang gặp trục trặc nào không.
5. Bị rối loạn nội tiết tố
Khi nồng độ các hormone trong cơ thể bị mất cân bằng dẫn đến nhiều sự thay đổi trong cảm xúc, hành vi, nhận thức cũng như thể chất. Tình trạng rối loạn nội tiết tố có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, nữ giới là đối tượng thường xuyên bị hồi hộp lo lắng do rối loạn nội tiết tố hơn vì phải trải qua thời kỳ kinh nguyệt, mang thai, sinh con, mãn kinh,…
6. Do bệnh lý tuyến giáp
Cảm giác hồi hộp lo lắng trong một thời gian dài có thể là dấu hiệu của bệnh lý về tuyến giáp. Những rối loạn hormone do tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoặc quá ít làm gia tăng tình trạng căng thẳng, khiến người bệnh dễ lo âu, tim đập nhanh, hồi hộp, thường xuyên thấy bồn chồn,…
Phân biệt hồi hộp lo lắng
1. Cảm giác hồi hộp lo lắng bình thường
Cảm giác hồi hộp lo lắng bình thường xảy ra rất nhiều trong đời sống hằng ngày. Khi bạn gặp một vấn đề, sự kiện quan trọng hoặc đáng sợ, hồi hộp là biểu hiện ở hầu hết mọi người. Các vấn đề liên quan đến công việc, cuộc sống, sức khỏe, tiền bạc, tình cảm,… đều có thể khiến bạn hồi hộp lo lắng.
Tuy nhiên, cảm giác tim đập nhanh, hồi hộp sẽ dần biến mất khi sự kiện đó qua đi hoặc bạn dần quen với nó. Một số người hay bị hồi hộp lo lắng về sức khỏe của bản thân hoặc người nhà. Nhưng khi có được kết quả kiểm tra xác định không có vấn đề gì về sức khỏe thì tình trạng lo lắng cũng sẽ biến mất. (3)
2. Cảm giác hồi hộp lo lắng bệnh lý
Nếu bạn mắc các bệnh về tim mạch như rối loạn nhịp tim, suy tim, nhịp nhanh trên thất, rung nhĩ,… thì sẽ có biểu hiện hồi hộp lo lắng. Khi đó, tim đập nhanh và mạnh, có thể không đều nhịp, đau tức vùng ngực, hồi hộp kéo dài và không thuyên giảm mặc dù đã nghỉ ngơi.
>> Xem thêm: Hồi hộp khó thở là triệu chứng của bệnh gì? Nguyên nhân do đâu?
Chứng hồi hộp lo lắng ở những người bị suy nhược thần kinh thường có kèm theo các biểu hiện khác như: Tay chân bị lạnh, có cảm giác sợ hãi, ngộp thở, khó ngủ,… Nếu có liên quan đến bệnh cường giáp, ngoài hồi hộp lo lắng, người bệnh còn có dấu hiệu sụt cân nhanh, tim đập nhanh, phì đại tuyến giáp,…
3. Khác biệt giữa hồi hộp lo lắng thông thường và rối loạn lo âu
- Về tác nhân: Hồi hộp lo lắng thông thường chỉ xuất hiện khi bạn gặp một vấn đề đặc biệt quan trọng nào đó. Còn khi bị rối loạn lo âu, cảm giác này sẽ luôn tồn tại trong suy nghĩ của bạn.
- Mức độ và thời gian: Bạn chỉ căng thẳng một thời gian nhất định với mức độ vừa phải khi hồi hộp thông thường. Nhưng nếu là rối loạn lo âu thì cảm giác này trở nên thái quá và kéo dài hơn.
- Các triệu chứng đi kèm: Hồi hộp thông thường đơn thuần chỉ là một cảm giác nhất định. Trong khi đó, rối loạn lo âu sẽ kèm theo nhiều triệu chứng khác như: tim đập loạn nhịp, đánh trống ngực, đổ mồ hôi, hoảng loạn, dễ xúc động, cáu gắt, rối loạn giấc ngủ,….
>> Xem thêm: Hồi hộp đánh trống ngực: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Triệu chứng hồi hộp lo lắng do bệnh lý
Làm thế nào nhận biết triệu chứng hồi hộp lo lắng có liên quan một vấn đề bất thường nào đó trong cơ thể?
1. Hồi hộp lo lắng do bệnh tim mạch
Những bệnh lý liên quan đến tim mạch thường có biểu hiện hồi hộp lo lắng như: bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh về động mạch vành,… Những bệnh lý này còn có nhiều triệu chứng khác. Do đó, để xác định chính xác cảm giác hồi hộp lo lắng có phải là dấu hiệu của bệnh về tim mạch hay không, cần thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng như siêu âm tim, điện tâm đồ,…
Trường hợp bạn có tiền sử bệnh tim mạch hoặc hồi hộp lo lắng cùng các triệu chứng khác trở nên nghiêm trọng, nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay.
2. Hồi hộp lo lắng do suy nhược thần kinh
Hiện nay, rất nhiều người trẻ tuổi có triệu chứng hồi hộp lo lắng do suy nhược thần kinh. Đây là một trong những bệnh lý về tinh thần nguy hiểm nếu kéo dài, không được điều trị đúng cách. Biểu hiện hồi hộp thường xuyên, cùng với đó là kiệt sức, tinh thần luôn bất an, có suy nghĩ tiêu cực. Nhiều người chủ quan trong việc điều trị dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng, khiến bệnh càng thêm trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bản thân, thậm chí có suy nghĩ sai lệch, làm hại người xung quanh.
Phương pháp điều trị khi hồi hộp lo lắng kéo dài
Làm sao để hết hồi hộp lo lắng kéo dài? Ngay khi triệu chứng này xuất hiện, bạn nên cố gắng trấn an bản thân, ngồi xuống nghỉ ngơi và hít thở nhẹ nhàng để giảm bớt hồi hộp. Tiếp theo đó, bạn cần đến bệnh viện để được kiểm tra kỹ hơn, giúp xác định đâu là nguyên nhân gây hồi hộp lo lắng kéo dài. Thông qua đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Những phương pháp giúp điều trị khi bị hồi hộp lo lắng kéo dài là:
- Dùng thuốc chống lo âu để giảm mức độ của các triệu chứng rối loạn lo âu;
- Thuốc chống trầm cảm;
- Thuốc chẹn beta;
- Trị liệu tâm lý;
- Thuốc điều trị bệnh lý khác liên quan.
Người bệnh cần tuân thủ việc uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc khác hoặc tăng, giảm liều lượng. Nếu nhận thấy có tác dụng phụ sau khi uống thuốc, cần báo với bác sĩ để được kiểm tra và điều chỉnh kịp thời.
Phòng ngừa tình trạng hồi hộp lo lắng kéo dài
Để phòng ngừa hồi hộp lo lắng kéo dài, bạn có thể lưu lại và áp dụng các biện pháp được gợi ý dưới đây:
- Chuẩn bị tốt cho những sự kiện có báo trước: Khi bạn có sự chuẩn bị thật tốt, tự tin vào việc mình sắp làm thì chắc chắn sẽ chẳng còn hồi hộp hay lo lắng nhiều nữa.
- Áp dụng các biện pháp thư giãn, giảm lo âu như: Ngồi thiền, tập yoga, hít thở sâu, tắm nước ấm,… Các hoạt động này sẽ giúp bạn cải thiện tâm trạng tốt hơn và nâng cao sức khỏe. Bạn nên duy trì tập luyện đều đặn để có được hiệu quả tốt về tinh thần lẫn thể chất. (4)
- Làm việc vừa phải, phù hợp với khả năng của bản thân. Không nên quá sức cố gắng hoặc làm quá nhiều công việc sẽ dễ gây áp lực, căng thẳng.
- Dành thời gian để nghỉ ngơi, làm những việc mình yêu thích hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa.
- Một giấc ngủ ngon, ngủ đủ giấc sẽ giúp tâm trạng bạn tốt hơn rất nhiều. Trung bình mỗi ngày bạn nên ngủ đủ 7 tiếng, không nên thức quá khuya. Như vậy, vào ngày mới, bạn sẽ dồi dào năng lượng và làm việc hiệu quả hơn đấy!
- Chế độ dinh dưỡng cũng có ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Rau xanh, cá, sữa chua, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,… là những thực phẩm tốt cho sức khỏe và cả tâm trạng của bạn.
- Chia sẻ, trò chuyện, tâm sự với người thân hoặc bạn bè để giải tỏa những nỗi lo lắng, bất an trong lòng.
- Không sử dụng hoặc hạn chế các thực phẩm hay nước uống chứa các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, caffeine,…
Nếu bạn nhận thấy biểu hiện hồi hộp lo lắng kéo dài, cùng với sự xuất hiện của một số triệu chứng khác thì nên đến bệnh viện để kiểm tra. Hiện nay, Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ được nhiều người lựa chọn khám và điều trị khi gặp các vấn đề về tim mạch. Để đặt lịch khám tại Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo các cách sau:
Như vậy, vấn đề hay hồi hộp lo lắng là bệnh gì đã được làm rõ. Nếu cảm giác này chỉ thỉnh thoảng xuất hiện khi bạn lo lắng cho một vấn đề nào đó thì có thể vô hại. Tuy nhiên, bạn đừng chủ quan khi hồi hộp lo lắng xuất hiện thường xuyên, có kèm theo một số triệu chứng khác thì nên đến bệnh viện kiểm tra tìm nguyên nhân và can thiệp kịp thời.