Trong chế độ ăn dặm của trẻ, những món cháo giúp bé tăng cân chiếm một phần quan trọng không thể thiếu bởi chúng vừa dễ nấu với mẹ, vừa dễ ăn với con, đồng thời giúp trẻ bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng. Vậy, khi nấu các món cháo giúp bé tăng cân, mẹ cần lưu ý gì? Đâu là món cháo giúp bé tăng cân “vù vù” được nhiều mẹ bỉm lựa chọn? Hãy cùng Nutrihome khám phá ngay trong bài viết sau.
12 tháng tuổi là một cột mốc quan trọng đánh dấu nhiều bước phát triển “vĩ đại” của trẻ nhỏ, chẳng hạn như bé đã có thể tự bước đi mà không cần điểm tựa, tự cầm thìa xúc ăn, tự cầm cốc uống nước và thậm chí, bé đã có thể “bi bô” nói được vài từ đơn giản.
Để đáp ứng lại sự phát triển về thể chất nhanh vượt trội này, trẻ cũng cần tiêu thụ một khẩu phần ăn nhiều năng lượng hơn gấp đôi so với khẩu phần của trẻ 6 tháng tuổi. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, nếu trẻ 6 tháng tuổi cần trung bình hơn 700 calo / ngày thì trẻ 1 tuổi cần đến hơn 950 calo / ngày.
Tuy nhiên, với một hàm răng sữa còn đang trong giai đoạn hình thành, bé 1 tuổi vẫn chưa thể nhai được cơm nguyên hạt như người lớn. Vì thế, việc đưa những món cháo giúp bé tăng cân vào khẩu phần ăn của trẻ được xem là một sự lựa chọn thông minh, giúp bé đạt được đủ lượng calo cơ thể cần mà không cần phải nhai quá nhiều.
Lưu ý cần nhớ khi nấu các món cháo cho bé 1 tuổi tăng cân
Bé 1 tuổi có những đặc thù về thể chất rất khác biệt. Vì thế, khi nấu những món cháo giúp bé tăng cân, mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Chọn loại ngũ cốc phù hợp: Hãy chọn nguyên liệu nấu cháo làm từ các loại ngũ cốc nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa như gạo hoặc yến mạch. Tránh sử dụng các loại ngũ cốc có nhiều gluten, chẳng hạn như lúa mì hoặc lúa mạch vì có thể gây viêm hoặc kích thích đường ruột trẻ nhỏ.
- Hạn chế muối: Thận của trẻ 1 tuổi còn rất yếu, chỉ có thể dung nạp được tối đa 900 mg Natri (tương đương với 2.3g muối ăn / ngày). Tuy nhiên, trong sữa mẹ, thịt, cá, rau củ quả,…cũng đã có rất nhiều natri. Chính vì thế, mẹ nên hạn chế sử dụng thêm muối ăn hay nước tương, nước mắm trong việc nấu các món cháo cho bé 1 tuổi tăng cân.
- Hạn chế gia vị: Không sử dụng các loại gia vị nặng mùi tỏi, cà ri, ngũ vị hương và hạn chế sử dụng các gia vị nóng, cay khi nấu cháo dặm cho bé bởi chúng dễ kích thích niêm mạc dạ dày, ruột khiến bé khó tiêu hóa.
- Chú ý độ đặc của cháo: Trẻ 12 tháng tuổi không còn phải ăn cháo bột loãng như trẻ 6 hay 9 tháng tuổi. Mẹ có thể cân nhắc nấu 1 phần cháo với tỉ lệ 2 phần nước hay 3 phần nước tùy ý để tạo thành chất cháo sền sệt, hòa quyện, không quá lỏng bỏng nước cũng không quá đặc dính.
- Nấu cháo chín kỹ: Trẻ 1 tuổi chưa thể ăn được thịt còn tái hay trứng lòng đào. Vì thế, mẹ cần đảm bảo cháo được nấu đủ lâu để mọi thực phẩm chín kỹ, cháo mềm, dễ tiêu hóa.
- Đa dạng các loại thịt: Khác với trẻ mới ăn dặm thường chỉ ăn được thịt lợn băm và nạc cá lóc (cá quả), trẻ 1 tuổi đã có thể ăn được nhiều loại đạm động hơn hơn như bò, gà, hải sản, trứng nguyên lòng,… nên mẹ hãy chú ý sử dụng đa dạng các loại thịt khác nhau để trẻ nhận đủ vi chất cần thiết.
- Bổ sung thêm các loại hạt và đậu: Để đảm bảo món cháo cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho trẻ đang lớn, bạn có thể thêm các nguyên liệu như rau củ quả nghiền, trứng, các sản phẩm từ sữa, các loại hạt và các loại đậu xay nhuyễn để món cháo vừa ngon mắt, vừa ngon miệng.
- GIữ an toàn vệ sinh thực phẩm: Hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu nên nhạy cảm hơn hệ tiêu hóa của người lớn nhiều lần. Vì thế, mẹ cần chú ý rửa sạch và giữ gìn vệ sinh các vật dụng làm bếp cũng như bát, thìa (muỗng) trước – trong và sau khi chế biến thức ăn cho trẻ.
10 sai lầm khi nấu cháo khiến bé chậm tăng cân
Khi nuôi con, mẹ thường nhận được “mê hồn trận” vô vàn lời khuyên từ bà ngoại, cô, dì, chú, bác hay các mẹ bỉm sữa trong các hội nhóm online về kinh nghiệm chăm sóc con cái.
Tuy nhiên, mẹ cũng cần chú ý, các kiến thức được truyền miệng trong dân gian thường thiếu căn cứ khoa học và không được chuyên gia dinh dưỡng ủng hộ. Dưới đây là 10 “sai lầm” phổ biến thường được các mẹ truyền tai nhau khi nấu những món cháo giúp bé tăng cân mà Nutrihome ghi nhận được:
1. Chỉ nấu cháo bằng nước hầm xương
Rất nhiều mẹ bỉm sữa truyền tai nhau về việc dùng nước hầm xương để nấu những món cháo giúp bé tăng cân bởi các mẹ tin rằng nước hầm xương thường chứa nhiều canxi, protein, chất béo, khoáng chất,…nên sẽ giúp món cháo giàu dinh dưỡng và thơm ngon đậm vị hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, dùng nước hầm xương để nấu cháo chỉ toàn “lợi bất cập hại” bởi:
- Trong 100ml nước hầm xương chỉ chứa khoảng 0.6g đạm và 33.5mg canxi. Trong khi đó, nhu cầu của trẻ 1 tuổi cần đến 20g đạm và 500mg canxi mỗi ngày. Điều đó cho thấy, nước hầm xương chỉ cung cấp chưa đến 3% nhu cầu về đạm và 7% nhu cầu về canxi của trẻ.
- Canxi chỉ được cơ thể hấp thụ khi tỉ lệ phốt pho đi cùng nằm ở mức tương đối. Trong nước hầm xương, tỉ lệ phốt pho quá thấp nên cơ thể rất khó hấp thụ được lượng canxi này.
- Liên tục cho con dùng nước hầm xương trong thời gian dài, cơ thể sẽ xảy ra hiện tượng “thẩm thấu ngược” – tự rút ngược phốt pho trong xương của bé ra để hấp thụ được canxi từ nước hầm, khiến bé tăng nguy cơ loãng xương, còi cọc, thấp lùn.
Vì thế, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, mẹ không nên chỉ dùng nước hầm xương để nấu những món cháo giúp bé tăng cân.
2. Nấu cháo quá nhuyễn hoặc quá đặc
Bước vào độ tuổi đang mọc răng, trẻ cần được ăn các loại cháo nấu sệt vừa phải để hình thành phản xạ nhai ở trẻ. Nấu cháo quá nhuyễn khiến trẻ lười nhai trong khi đó cháo quá đặc sẽ khiến bé bị dính miệng, nuốt không trôi, lâu dần có thể hình thành phản xạ biếng ăn ở trẻ
3. Dùng cháo dinh dưỡng vỉa hè
Các loại cháo dinh dưỡng vỉa hè thường dùng khá nhiều gia vị và phẩm màu không cần thiết. Ví dụ, cháo cà rốt thì người bán cố ý dùng phẩm màu cam đậm, cháo rau xanh thì cố ý dùng phẩm màu xanh đậm,…thay vì các màu rau củ quả tự nhiên. Việc làm này khiến mẹ có cảm giác món ăn bắt mắt hơn món nhà làm nên muốn mua nhiều cháo hơn chứ không đặt mục tiêu sức khỏe của bé lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, dùng cháo dinh dưỡng vỉa hè khiến mẹ khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc nguyên vật liệu nên cũng không đảm bảo được sức khỏe đường ruột cho trẻ. Tốt nhất, mẹ nên tự nấu những món cháo giúp bé tăng cân tại nhà để mang đến cho trẻ nguồn dinh dưỡng tốt nhất.
4. Nấu nhiều cháo và đun lại nhiều lần cho bé ăn
Nhiều mẹ thường chọn cách nấu một phần cháo thật lớn, sau đó chia thành 3 – 5 bữa nhỏ cho bé dùng thành nhiều cữ trong ngày. Việc làm này giúp mẹ tiết kiệm thời gian trong việc nấu nướng nhưng vô hình trung lại khiến bé dễ ngán ngẩm vì phải ăn đi ăn lại một món nhiều lần, gây nên chứng biếng ăn tâm lý rất khó điều trị dứt điểm.
5. Nấu thường xuyên 1 món cháo cho bé ăn dặm
Bước vào giai đoạn 12 tháng tuổi, bé cũng đá bắt đầu hình thành riêng cho mình một vài sở thích ăn uống. Tuy nhiên, mẹ không nên nuông chiều theo sở thích ấy mà thường xuyên nấu một món ăn nhiều lần.
Nguyên nhân là bởi cứ ăn một món trong thời gian dài, bé sẽ hình thành phản xạ phụ thuộc. Sau này, nếu không có món ăn ưa thích, trẻ sẽ không chịu ăn nữa. Mặt khác, bé cũng cần ăn đa dạng thực phẩm để có đầy đủ chất dinh dưỡng. Tình trạng ăn thường xuyên 1 món có thể khiến bé bị thiếu vi chất nghiêm trọng.
6. Cho trẻ ăn quá nhiều đạm
Trẻ em 12 tháng tuổi cần tiêu thụ 20g đạm mỗi ngày. Trong đó, hàm lượng đạm đến từ lượng sữa mẹ mà trẻ 1 tuổi cần bú (600ml) là 7.8g. Như vậy, 12.2g protein còn lại mẹ có thể cung cấp thông qua các món cháo giúp bé tăng cân.
Nếu lượng đạm trong những món cháo giúp bé tăng cân nhiều hơn mức khuyến cáo, bé có thể bị sỏi thận, suy thận, biếng ăn, bỏ bú, thiếu vi chất, mất nước,… cần phải nhập viện gấp để điều trị.
Lưu ý: cần phân biệt lượng đạm và lượng thịt cá. 100g thịt cá có thể cung cấp từ 10-20g đạm
7. Cho bé ăn quá nhiều khoai tây, cà rốt và bí đỏ
Cà rốt và bí đỏ có chứa hàm lượng cao vitamin A nên khi ăn quá nhiều hai loại thực phẩm này, trẻ sẽ có nguy cơ cao bị tổn thương gan, vàng da, đau đầu, loãng xương, buồn nôn, đau khớp.
Trong khi đó, khoai tây chứa nhiều solanin. Ăn quá nhiều khoai tây liên tục trong nhiều ngày mà không được sơ chế kỹ có thể khiến trẻ bị ngộ độc solanin, gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt và khó thở.
8. Cho bé ăn quá mặn
Khi chế biến những món cháo giúp bé tăng cân trong giai đoạn 12 tháng tuổi, mẹ tuyệt đối không nên nêm nếm muối hay bất kỳ loại gia vị mặn nào khác như xì dầu, nước mắm, bột nêm,…vào khẩu phần ăn của bé.
Nguyên nhân là bởi thận của bé 1 tuổi còn rất yếu. Tiêu thụ quá 2.3 gam muối mỗi ngày có thể khiến trẻ bị tổn thương thận, cao huyết áp và thậm chí tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim.
Hơn nữa, chế độ ăn nhiều muối có thể khiến trẻ hình thành sở thích ăn mặn suốt đời, làm giảm chất lượng sống tổng thể của trẻ khi trưởng thành vì nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính do ăn mặn tăng cao.
9. Nêm nếm “vừa ăn” theo khẩu vị của mẹ
Khẩu vị của người lớn khác hoàn toàn với khẩu vị của trẻ nhỏ. Thông thường, ở người trưởng thành, để cảm thấy “vừa ăn”, chúng ta thường phải “cắn thêm miếng ớt”, “cho thêm miếng tỏi”, “xịt thêm miếng tiêu”, “vắt thêm miếng chanh”,…Tất cả là do lưỡi của người trưởng thành cần huy động rất nhiều kích thích vị giác mới cảm thấy “ngon”.
Trong khi đó, thận, lưỡi và hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ hoàn toàn bị “quá tải” trước các kích thích đó. Theo ước tính, có hơn 20.000 đến 30.000 hợp chất hóa học khác nhau trong thực phẩm. Riêng một tép tỏi nhỏ đã chứa hơn 200 hợp chất khác nhau.
Vì thế, mẹ không nên dùng khẩu vị của mình để nêm nếm “vừa ăn” cho trẻ. Tốt nhất, khi nấu những món cháo giúp bé tăng cân, mẹ cần tuân thủ theo nguyên tắc không sử dụng cả muối, đường và các loại rau lá gia vị khác.
10. Kiêng dầu ăn
Nhu cầu về chất béo ở trẻ rất cao, lên đến 40% lượng calo đến từ khẩu phần ăn hàng ngày. Trung bình, trẻ em 1 tháng tuổi cần từ 31 – 33g chất béo mỗi ngày đến từ cả 2 loại chất béo là dầu thực vật và mỡ động vật.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ tuyệt đối không nên loại bỏ dầu ăn ra khỏi khẩu phần ăn của trẻ mà nên kết hợp theo tỉ lệ 70% mỡ động vật với 30% dầu thực vật, hoặc xen kẽ một bữa dùng dầu ăn và một bữa dùng mỡ để chế biến những món cháo giúp bé tăng cân, tạo điều kiện cho trẻ cơ hội phát triển toàn diện.
Cách nấu và bảo quản cháo giữ trọn vẹn dinh dưỡng
Để giữ trọn vẹn cả thanh, sắc, hương vị và hàm lượng dinh dưỡng sau khi chế biến những món cháo giúp bé tăng cân, mẹ cần:
- Chọn gạo nguyên cám: Khác với gạo tinh chế, gạo nguyên cám vẫn còn giữ nguyên được lớp bột cám bọc bên ngoài hạt gạo. Lớp cám này chứa rất nhiều chất xơ và vitamin B1, B2, B3, B6, B9,…giúp trẻ phát triển toàn diện hơn so với loại gạo trắng tinh chế (gạo công nghiệp).
- Không vo gạo quá lâu: Nhiều mẹ thường ngâm gạo trong nước hoặc vo gạo quá nhiều lần nên đã vô tình “đánh bay” đi lớp dưỡng chất bọc bên ngoài hạt gạo, khiến trẻ vô tình bị “thiệt thòi” về mặt dinh dưỡng.
- Kiểm soát nhiệt độ (lửa): Mẹ nên chủ động canh chuẩn nhiệt độ và mức lửa khi nấu cháo. Lửa quá to thường dễ khiến nồi cháo nhanh “sùi bọt”, nổi bong bóng, tràn ra thành nồi và kéo theo các dưỡng chất có trong cháo trôi ra ngoài một cách lãng phí.
- Hâm cháo đúng cách: Mẹ không nên nấu một nồi cháo to rồi hâm đi hâm lại nhiều lần trong ngày cho trẻ ăn bởi nhiệt độ biến thiên liên tục là nguyên nhân hàng đầu khiến thực phẩm biến chất, mất chất, vitamin nhanh chóng bị oxy hóa. Khi đó, trẻ giống như chỉ ăn “xác thô” của thực phẩm chứ không nhận được bất kỳ lợi ích sức khỏe nào. Tốt nhất, mẹ nên nấu cháo một lần rồi chia thành 3 – 5 phần nhỏ đựng trong các hộp kín. Khi bé ăn đến đâu, mẹ chỉ cần hâm lại 1 lần trong ngày là dùng được.
- Bảo quản đúng cách: Khi trữ cháo trong tủ lạnh, tốt nhất mẹ nên đựng trong hộp kín để ngăn sự lây nhiễm chéo vi khuẩn từ các loại thực phẩm khác trong ngăn mát sang hộp cháo của bé.
- Ăn càng sớm càng tốt: Những món cháo giúp bé tăng cân có thể được trữ tối đa trong tủ lạnh từ 2 – 4 ngày. Mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ ăn cháo đã tồn đọng trong ngăn mát đến ngày thứ 5 bởi lúc này, trong cháo đã chứa rất nhiều vi khuẩn mà mắt thường không thể nhìn thấy được.
Những món cháo giúp bé tăng cân siêu dễ làm
Dưới đây là danh sách những món cháo giúp bé tăng cân cực kỳ bổ dưỡng cho trẻ mà mẹ nên tham khảo:
1. Cháo cá lóc cải bó xôi
Nguyên liệu: 40g gạo, cá lóc (cá quả), 20g cải bó xôi, 5g mỡ hoặc dầu ăn, 80-120g nước tùy ý.
Cách làm:
- Cá lóc luộc chín, gỡ hết xương, băm nhuyễn và lấy 30g nạc.
- Cải bó xôi chần 5 phút trong nước sôi, sau đó vớt ráo và xay nhuyễn.
- Cho hết gạo vào đun sôi với nước luộc cải bó xôi trong 25 phút.
- Khi cháo chín, cho hỗn hợp cá lóc, cải bó xôi xay nhuyễn và dầu ăn vào, khuấy đều theo 1 chiều và nấu (ninh) thêm 5 phút.
- Tắt bếp, múc ra bát, để nguội cho bé thưởng thức.
2. Cháo tôm bí đỏ
Nguyên liệu: 20g gạo, 20g bí đỏ, 15g tôm biển, 5g mỡ hoặc dầu ăn, 40 – 80g nước tùy ý.
Cách làm:
- Cho hết gạo vào nồi rồi đun sôi với nước trong 25 phút.
- Bí đỏ gọt vỏ, thái lát, hấp chín rồi nghiền mịn.
- Tôm cần bỏ vỏ, cắt phần đầu và chân, hấp chín rồi thái hạt lựu.
- Khi cháo chín, cho hết hỗn hợp bí đỏ, tôm và dầu ăn vào, khuấy đều và tiếp tục nấu (ninh) thêm 5 phút.
- Tắt bếp, múc ra bát, để nguội cho bé thưởng thức.
3. Cháo đậu xanh cải ngọt
Nguyên liệu: 20g gạo, 15g đậu xanh nguyên vỏ, 15g cải ngọt, 5g mỡ hoặc dầu ăn, 40-60g nước dùng để nấu cháo, 150g nước dùng để luộc rau.
Cách làm:
- Cho hết gạo vào nồi rồi đun sôi với nước trong 25 phút.
- Đậu xanh vo sạch, ngâm trong nước 30 phút rồi đem đi hấp chín.
- Cải ngọt rửa sạch, bỏ lá héo (dập), cắt thành từng khúc dài 2-3 cm rồi chần (luộc) với nước sôi trong 5 phút.
- Lấy 50ml nước luộc rau đem xay cùng đậu xanh đã hấp.
- Sau khi cháo chín, cho hỗn hợp vừa xay vào nồi cháo cùng 5g mỡ (dầu), khuấy 1 chiều và tiếp tục nấu (ninh) thêm 5 phút.
- Tắt bếp, múc ra bát, để nguội cho bé thưởng thức.
4. Cháo yến mạch cá hồi
Nguyên liệu: 20g phi lê cá hồi, 40g yến mạch cán vỡ, 5g mỡ hoặc dầu ăn, 80g sữa tươi không đường, 200g nước nấu cháo, 300g nước để hấp cá.
Cách làm:
- Yến mạch ngâm trong 100g nước trong 10 phút để nở hoàn toàn.
- Phi lê cá hồi ngâm nguyên miếng trong sữa tươi 5 phút để cá hết mùi tanh rồi rửa sạch, để ráo.
- Cá sau khi sơ chế, bắt xửng hấp cùng 300g nước trong 10 phút. Khi cá hồi chín, mẹ dùng tay xé nhuyễn cá để bé dễ ăn.
- Khi yến mạch đã nở, cho yến mạch vào nồi kèm 100g nước rồi nấu trong 10 phút.
- Sau 10 phút, cho phi lê cá hồi đã hấp chín vào nồi cháo cùng 5g dầu (mỡ) rồi đun thêm trong 10 phút đến khi hỗn hợp cháo sệt vừa phải. Chú ý khuấy thật nhẹ để tránh làm nát cá.
- Tắt bếp, múc ra bát, để nguội cho bé thưởng thức.
5. Cháo trứng cải thìa
Nguyên liệu: 1 quả trứng gà hoặc 4 quả trứng cút, 30g gạo, 5g mỡ hoặc dầu ăn, 25g cải thìa, 60-100g nước nấu cháo.
Cách làm:
- Cho hết gạo vào nồi rồi đun sôi với nước trong 20 phút.
- Trứng gà tách lòng trắng, chỉ dùng lòng đỏ.
- Cải thìa mẹ rửa sạch rồi thái thành từng đoạn dài 2-3cm.
- Khi cháo đã nấu được 20 phút, mẹ tiếp tục cho cải thìa vào, khuấy một chiều và nấu thêm 5 phút.
- Tiếp tục cho lòng đỏ trứng và 5g dầu (mỡ) vào nồi cháo, đánh tơi lên để lòng đỏ hòa cùng hỗn hợp cháo trong nồi.
- Đun thêm 5 phút thì mẹ tắt bếp, múc ra bát, để nguội cho bé thưởng thức.
6. Cháo gan lợn bí đỏ
Nguyên liệu: 40g gạo, 20g gan lợn, 5g mỡ hoặc dầu ăn, 15g bí đỏ, 80-120g nước nấu cháo, 100g nước để luộc bí đỏ, 100g sữa tươi không đường.
Cách làm:
- Ngâm gan heo trong sữa tươi không đường 30 phút để khử mùi tanh, sau đó rửa sạch gan rồi băm nhuyễn.
- Bí đỏ gọt vỏ, bỏ hạt, rửa sạch rồi đem nghiền mịn hoặc bào nhuyễn đều được.
- Cho bí đỏ vào nồi cùng 120g nước, đun khoảng 5 phút.
- Tiếp tục cho 40g gạo vào nồi bí đỏ, đun tiếp 5 phút rồi khuấy đều 1 chiều đến khi hỗn hợp cháo và bí đỏ hòa quyện vào nhau.
- Cho toàn bộ phần gan băm nhuyễn vào nồi cháo bí đỏ, đun tiếp 15 phút thì cho 5g dầu (mỡ) vào và khuấy đều.
- Tắt bếp, múc ra bát, để nguội cho bé thưởng thức.
7. Cháo ức gà hạt sen
Nguyên liệu: 40g gạo, 20g phi lê ức gà, 15g hạt sen tươi, 5g mỡ hoặc dầu ăn, 100-200g nước.
Cách làm:
- Hạt sen tươi mẹ bỏ hết tâm sen ngồi ngâm với nước từ 1-2 tiếng để hạt nở mềm.
- Ức gà mẹ rửa sạch, cho vào nồi luộc 15 phút với nước rồi vớt ức gà ra, để nguội, xé nhuyễn theo thớ sợi tự nhiên của thịt.
- Cho gạo và hạt sen vào nồi nước luộc gà, tiếp tục nấu cháo cùng hạt sen trong 20 phút.
- Cho dầu (mỡ) vào nồi cháo, khuấy nhẹ theo 1 chiều trong 5 phút.
- Tắt bếp, múc ra bát, để nguội cho bé thưởng thức.
8. Cháo thịt băm rau dền
Nguyên liệu: 40g bột gạo, 25g thịt nạc heo, 30g rau dền, 100-120g nước vừa đủ
Cách làm:
- Thịt heo mẹ rửa sạch, để ráo rồi băm thật nhuyễn hoặc cho vào cối xay.
- Rau dền mẹ nhặt sạch, rửa, để ráo rồi bằm nhuyễn.
- Luộc thịt heo cùng với 120g nước. Khi nước sôi, mẹ cho rau dền vào và khuấy đều trong 2 phút để thịt băm không bị vón cục.
- Tiếp tục cho bột gạo vào nồi và đun thêm từ 5-7 phút đến khi nồi cháo trở thành một hỗn hợp đồng nhất, sánh, mịn. Tắt bếp, múc ra bát, để nguội cho bé thưởng thức.
9. Cháo lươn cà rốt
Nguyên liệu: 40g gạo, 30g lươn, 30g cà rốt, 5g dầu olive, 2 lát hành tím, 80-120g nước.
Cách làm:
- Cho hết gạo vào nồi rồi đun sôi với nước trong 20 phút.
- Cà rốt mẹ rửa sạch, cắt hạt lựu thật nhỏ hoặc băm nhuyễn.
- Lươn mẹ làm sạch, lọc bỏ xương rồi đem đi hấp chín.
- Cho hành tím lên chảo phi thơm với dầu oliu. Hành vừa chuyển vàng thì mẹ cho lươn vào xào 5-7 phút đến khi lươn săn lại.
- Cho lươn vừa xào và cà rốt vào nồi cháo rồi tiếp tục đun thêm 5 phút.
- Tắt bếp, múc ra bát hoặc cho hỗn hợp cháo lươn vào máy xay để thịt lươn nhuyễn mịn hơn (tùy ý của mẹ).
- Cuối cùng, mẹ nhớ để nguội cho bé thưởng thức.
10. Cháo bò bông cải xanh
Nguyên liệu: 40g gạo, 20g thịt bò, 20g bông cải xanh (2 bông), 5g dầu mè, 80-120g nước.
Cách làm:
- Bông cải mẹ rửa sạch, cắt thành từng hạt lựu nhỏ.
- Thịt bò mẹ rửa sạch, băm nhỏ.
- Bắt nồi lên, cho gạo và nước vào đun sôi trong 20 phút.
- Khi cháo đã gần nhừ, cho nhanh thịt bò, bông cải xanh và dầu mè vào, tiếp tục đun 5-7 phút đến khi thịt bò chín kỹ thì tắt bếp (tránh đun quá lâu sẽ làm thịt bò bị dai).
- Múc ra bát, để nguội cho bé thưởng thức.
Những lưu ý quan trọng giúp bé tăng cân
Nếu được chăm sóc đúng cách, bé 1 tuổi có thể tăng đều đặn tối thiểu 200g mỗi tháng đến khi bé tròn 2 tuổi. Tuy nhiên, để bé tăng cân “ù ù” một cách nhịp nhàng như kỳ vọng, mẹ cần lưu ý:
- Duy trì bú mẹ: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ 1 tuổi. Giai đoạn này, bé cần bú tối thiểu 240ml sữa mẹ / cữ với tối thiểu 3 cữ bú / ngày, liên tục đến khi bé đạt 24 tháng tuổi để trẻ phát triển toàn diện. Tuyệt đối không nên cho trẻ ngừng bú sớm trừ khi mẹ gặp các bệnh lý tuyến sữa cần điều trị.
- Đa dạng thực phẩm: Một bữa ăn của trẻ không những phải đủ về lượng (calo) mà còn cần phải đủ về chất. Vì thế, mẹ nên thường xuyên thay đổi thực đơn, đa dạng hóa các nguồn thực phẩm khi chế biến để trẻ không bị thiếu vi chất, ăn mau chóng lớn.
- Phân chia bữa chính – phụ: Với trẻ 1 tháng tuổi, mẹ nên chia chế độ dinh dưỡng của trẻ thành 6 cữ, trong đó có 3 cữ bú chính và 3 cữ ăn dặm với những món cháo giúp bé tăng cân mà Nutrihome vừa gợi ý bên trên.
Cuối cùng, mẹ nên cho bé khám sức khỏe định kỳ từ 3 đến 6 tháng một lần tại các cơ sở y tế uy tín để theo dõi được nhịp phát triển của bé, sớm nhận biết khi trẻ chậm lớn, sụt cân hay ngừng tăng trưởng.
Trên đây là gợi ý về các món cháo cho bé 1 tuổi tăng cân mà mẹ có thể nấu ngay tại nhà. Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ và chế biến những món cháo giúp bé tăng cân nhanh, nếu mẹ có gặp bất kỳ khó khăn nào, hãy nhanh chóng gọi điện đến số hotline 1900 633 599 hoặc đến cơ sở Nutrihome chi nhánh gần nhất để được hỗ trợ kịp thời. Chúc mẹ nấu ăn ngày càng ngon còn bé thì ăn mau chóng lớn, tăng cân khỏe mạnh!