Bài viết được viết bởi Dược sĩ Nguyễn Văn Mạnh: Chuyên gia tư vấn dinh dưỡng Nutricare và tham vấn chuyên môn bởi PGS.TS Phạm Văn Hoan.
Các món cháo bồi bổ cơ thể là lựa chọn phù hợp nhất giúp người bệnh dễ hấp thu và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Cùng Nutricare bỏ túi ngay X+ món cháo bồi bổ cơ thể ngon miệng mà vô cùng dễ làm sau đây nhé!
1. Món cháo cho người mới phẫu thuật
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cho người mới phẫu thuật có thể nhanh chóng hồi phục sức khỏe và lành các vết thương.Khi mới vừa mổ xong, nên bổ sung các chất dinh dưỡng sau:
- Chất xơ: có vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa táo bón. Táo bón không chỉ gây khó chịu cho người bệnh mà còn làm tăng cơn đau cho bệnh nhân.
- Chất đạm có tác dụng sửa chữa các mô bị hỏng, hình thành kháng thể chống nhiễm trùng, đồng thời tăng quá trình tổng hợp collagen giúp nhanh lành vết thương.
- Một số vitamin như vitamin C có tác dụng hình thành collagen trong xương, sụn cho khả năng chữa lành và phục hồi vết thương nhanh chóng hơn. Hay vitamin D giúp tăng cường hấp thu canxi, cho xương chắc khỏe,…
- Một số khoáng chất như đồng tốt cho sự hình thành collagen cũng như toàn vẹn xương, khớp. Hay kẽm giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục vết thương ở người mới phẫu thuật.
Thay vì dùng các thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ, chất đạm, người nhà có thể làm các món cháo dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh dễ dàng hấp thu hơn. Tham khảo và thực hiện ngay 2 món cháo dinh dưỡng dưới đây nhé!
1.1. Cháo đậu đỏ
Trong khoảng 200gr đậu đỏ nấu chín có chứa 16,8g chất xơ, giúp tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa, đồng thời tăng khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng khác. Bên cạnh đó, đậu đỏ cũng là loại thực phẩm cung cấp nhiều protein (17,3g), giúp tăng quá trình tổng hợp collagen và nhanh lành vết thương. Chính vì vậy, cháo đậu đỏ là món ăn dinh dưỡng rất phù hợp cho người mới phẫu thuật.
Nguyên liệu: 150g đậu đỏ, ½ bát gạo tẻ.
Cách thực hiện:
- Bước 1 – Sơ chế nguyên liệu: Gạo rửa sạch, ngâm 1 – 2 tiếng để gạo nở mềm. Đậu đỏ rửa sạch, ngâm 20 – 30 phút để đậu mềm và dễ nấu chín.
- Bước 2 – Nấu cháo đậu đỏ: Cho gạo, đậu cùng 1 lít nước vào hầm đến khi gạo và đậu cùng nở ra. Sau đó, bạn chỉ cần cho gia vị là hoàn thành.
1.2. Cháo cá hồi
Cá hồi là thức ăn được nhiều người lựa chọn vì hương vị thơm ngon, đồng thời cung cấp nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, nhất là những người có sức đề kháng kém, mới ốm dậy hay phẫu thuật. Do vậy cháo cá hồi là một món ăn tuyệt vời trong danh sách những món cháo bồi bổ cơ thể.
- Cá hồi rất giàu protein (trong 100g cá hồi có chứa 22g protein), omega 3, omega 6, vitamin B… có tác dụng cung cấp năng lượng, đẩy nhanh quá trình hồi phục của người bệnh.
- Cá hồi còn chứa nhiều chất chống oxy hóa như carotene, astaxanthin… giúp chống viêm, nhiễm trùng các vết thương vừa thực hiện phẫu thuật.
Nguyên liệu: 200g cá hồi, 1/2 bát gạo tẻ, 1 củ cà rốt, 100g cải bó xôi, hành khô.
Cách thực hiện:
- Bước 1 – Sơ chế nguyên liệu: Rửa sạch tất cả nguyên liệu. Gạo ngâm trong vòng 20 – 30 phút, cải bó xôi nhặt phần ngọn, cá hồi băm nhỏ.
- Bước 2 – Chế biến nguyên liệu: Cho gạo vào nấu nhừ. Trong thời gian đó, bạn xào săn thịt cá hồi và trần sơ qua cải bó xôi. Cà rốt luộc chín và nghiền nhuyễn.
- Bước 3 – Nấu cháo cá hồi: Khi cháo đã chín mềm, bạn cho toàn bộ nguyên liệu đã chế biến bao gồm cá hồi, rau cải bó xôi, cà rốt xay nhuyễn vào nồi cháo. Tiếp tục ninh trong vòng 5 phút để tất cả nguyên liệu được chín đều. Sau đó, bạn nêm gia vị vừa ăn và cho người bệnh ăn ngay lúc còn nóng.
Lưu ý: Khi chế biến cá hồi, bạn nên rửa sạch cá hồi bằng hỗn hợp chanh, muối, gừng để khử mùi tanh của cá, giúp món cháo cá hồi có hương vị thơm ngon hơn.
Ngoài các món cháo thì thức uống phục hồi sức khỏe rất dễ ăn cũng rất tốt đó nhé!
2. Món cháo cho người suy nhược cơ thể
Cháo cho người suy nhược cơ thể nên chứa các chất dinh dưỡng như chất xơ từ rau củ xanh, ngũ cốc, protein từ động vật, giàu các acid béo omega 3… có lợi cho sức khỏe. Những dưỡng chất này sẽ giúp cân bằng dinh dưỡng, cung cấp năng lượng và dần dần giúp người bệnh hồi phục sức khỏe.
Dưới đây, Nutricare sẽ giới thiệu tới bạn 6 món cháo dinh dưỡng, dễ làm cho người suy nhược cơ thể.
2.1. Cháo chim cút
Thịt chim cút là một trong những loại thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là người suy nhược cơ thể. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng, trong thịt chim cút có chứa tới 24% protein và chỉ có chứa 3% hàm lượng chất béo. Ngoài ra, chim cút còn có chứa nhiều acid amin, vitamin và các yếu tố vi lượng khác, tốt cho việc hồi phục sức khỏe, bồi bổ khí huyết cho người suy dinh dưỡng, suy nhược lâu ngày.
Nguyên liệu: 2 con chim cút, 200g gạo tẻ, hành lá, rau mùi.
Cách chế biến:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Rửa sạch tất cả các nguyên liệu. Hành và rau mùi cắt nhỏ vừa ăn. Dùng lửa khò cho da chim cút hơi vàng sau đó cắt chim cút làm 4 và cho ra đĩa.
- Bước 2: Nấu cháo chim cút: Cho gạo vào nồi cùng với 2 lít nước và ninh nhừ. Trong thời gian đợi cháo chín, bạn cho chim cút vào xào cùng với hành phi trong khoảng 5 phút cho thịt săn lại, nêm gia vị vừa ăn. Sau đó, cho chim cút vào cháo ninh cùng trong 30 phút. Cuối cùng, bạn nêm gia vị vừa ăn và cho người bệnh ăn khi còn nóng.
Lưu ý: Rửa chim cút bằng hỗn hợp rượu trắng và gừng giã nhuyễn để làm sạch và khử bớt mùi tanh của chim.
2.2. Cháo thịt gà cà rốt
Thịt gà là thực phẩm có chứa hàm lượng protein cao (trong 100g thịt gà ta có chứa 20,3g protein) nên rất tốt cho quá trình hồi phục sức khỏe. Các dưỡng chất có trong thịt gà như vitamin B6, B3, B2, khoáng chất canxi, phospho, selen, cùng các acid amin thiết yếu khác giúp bổ sung năng lượng, kích thích tốt vị giác giúp người bệnh ăn được nhiều hơn, nhờ đó nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Bên cạnh đó, cà rốt có chứa nhiều vitamin A, C, chất chống oxy hóa, carotene… giúp tăng cường dinh dưỡng, bổ huyết, dễ tiêu hóa. Do đó, sự kết hợp thịt gà với cà rốt sẽ thành một món cháo rất phù hợp với người bệnh suy nhược cơ thể.
Nguyên liệu: 200g gạo tẻ, 1 con gà, cà rốt, hành lá, rau mùi, gia vị.
Cách chế biến:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Gà làm sạch, gạo ngâm trong vòng 20 – 30 để gạo mềm và dễ nấu chín. Cà rốt rửa sạch và thái hạt lựu. Hành lá, rau mùi cắt bỏ gốc, rửa sạch và thái nhỏ.
- Bước 2: Cháo thịt gà cà rốt: Cho gà vào luộc chín. Sau đó, vớt gà ra và xé nhỏ. Cho gạo vào nước luộc gà và ninh nhừ. Sau đó cho gà đã được xé nhỏ, cà rốt vào ninh thêm cho đến khi tất cả mọi nguyên liệu đều chín mềm. Cuối cùng, cho thêm gia vị, hành lá, rau mùi là hoàn thành.
2.3. Cháo yến mạch
Yến mạch là loại ngũ cốc nguyên chất, cung cấp một lượng lớn vitamin, chất xơ và chất chống oxy hóa tốt cho cơ thể, giúp cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Theo thống kê, trong 100g yến mạch sẽ giúp cung cấp cho người bệnh 389 kcal năng lượng, 10,6g chất xơ hòa tan, 16,9g protein. Các chất xơ hòa tan Beta Glucan giúp dễ tiêu hóa, cho người bệnh dễ hấp thu dưỡng chất. Cháo yến mạch là bữa sáng dinh dưỡng phù hợp với người bệnh mới ốm dậy và suy nhược cơ thể lâu ngày.
Nguyên liệu: 100g yến mạch, 500ml sữa tươi.
Cách chế biến:
- Bước 1: Nấu cháo yến mạch: Bạn cho yến mạch và sữa tươi vào nồi đun sôi trong vòng 10 – 15 phút thì tắt bếp.
- Bước 2: Hoàn thành: Cho cháo yến mạch ra tô, đợi nguội bớt và cho người bệnh ăn. Người bệnh có thể ăn sáng bằng cháo yến mạch cùng một quả trứng gà.
2.4. Cháo tôm rau ngót
Thịt tôm có chứa nhiều dinh dưỡng như acid béo omega 3, canxi, selen, vitamin, acid amin, protein (trong 100g tôm có chứa 17,6g protein)… có tác dụng cung cấp năng lượng, đồng thời phục hồi hệ có bắp và thần kinh của cơ thể. Bên cạnh đó, rau ngót có chứa hàm lượng vitamin B, C, chất xơ giúp tăng cường sức đề kháng, bổ sung năng lượng mất đi trong suốt thời gian cơ thể ốm yếu, suy nhược.
Món cháo bồi bổ cơ thể với tôm rau ngót là món ăn dinh dưỡng có vị thơm ngọt giúp kích thích vị giác, cho người bệnh cảm giác ăn ngon miệng hơn.
Nguyên liệu: 100g tôm, 1/2 bát gạo, 1 mớ rau ngót, gia vị.
Cách chế biến:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Gạo rửa sạch và đem đi ninh thành cháo. Rau ngót làm sạch rồi thái nhỏ. Tôm bóc vỏ, bỏ chỉ đen, băm nhỏ và ướp gia vị trong 15 phút.
- Bước 2: Nấu cháo tôm rau ngót: Phi thơm hành khô rồi cho tôm đã ướp vào đảo đều cho đến khi thịt tôm chuyển sang màu hồng. Khi cháo đã chín nhừ, cho tôm và rau ngót vào ninh thêm trong khoảng 10 phút cho nguyên liệu chín mềm. Sau đó, nêm gia vị và rau thơm cho vừa khẩu vị của người bệnh.
Lưu ý: Để thịt tôm không bị dai và mất đi nhiều dinh dưỡng, bạn không nên xào tôm quá lâu nhé!
2.5. Cháo hến
Món cháo hến dinh dưỡng, thanh đạm sẽ rất phù hợp với người bệnh suy nhược cơ thể hay mới ốm dậy.
Thịt hến là nguồn cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng như: sắt, phospho, acid béo omega 3, magie, canxi… Cụ thể, trong 100g hến có chứa 1,6mg sắt, 86mg phospho, 144mg canxi…) Những dưỡng chất này tham gia trực tiếp vào quá trình trao đổi chất của tế bào, nhờ đó cung cấp năng lượng giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau thời gian dài suy nhược cơ thể. Bên cạnh đó, thịt hến còn có chứa 2 loại acid béo DHA (docosahexaenoic acid), EPA (eicosapentaenoic acid) có khả năng cải thiện năng lực của não bộ, giúp trí nhớ tốt hơn, minh mẫn, đồng thời còn có tác dụng giảm viêm nhiễm, rất tốt cho cơ thể.
Nguyên liệu: 1/2 bát gạo, 400g hến, rau thơm, gia vị.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Gạo rửa sạch và ngâm trong vòng 20 – 30 phút để gạo được mềm và dễ chín. Hến rửa sạch để loại bỏ hết bùn đất và hến đã chết. Rau thơm rửa sạch, cắt bỏ gốc và thái nhỏ vừa ăn.
- Bước 2: Nấu cháo hến: Hến đem luộc sôi, sau đó giữ lại thịt và nước luộc hến. Cho gạo vào nước luộc hến và ninh nhừ. Chuẩn bị 1 chảo mới, cho hành phi thơm và trút thịt hến vào xào thơm, đến khi thịt hến săn lại, cho gia vị và đảo đều tiếp trong 2 phút. Sau khi gạo đã nở thành cháo, cho hến vào nồi cháo và nấu thêm trong khoảng 10 phút. Cuối cùng, cho gia vị và rau thơm vào là hoàn thành.
2.6. Cháo trứng
Trứng là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, được khuyến khích dùng trong thực đơn của người bệnh sức khỏe suy giảm, mới ốm dậy. Theo thống kê, trong 100g trứng (tương đương 1 quả) có chứa tới 14,8 g protein, 166 kcal, 11,6 g chất béo cùng rất nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu khác có tác dụng cải thiện sức khỏe và tạo năng lượng cho người suy nhược cơ thể. Bên cạnh đó, trứng còn có chứa nhiều chất chống oxy hóa như lutein và zeaxanthin giúp bảo vệ sức khỏe đôi mắt, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch.
Món cháo trứng cà rốt có vị ngọt thanh, giúp kích thích vị giác, cho người bệnh suy nhược cơ thể cảm thấy ngon miệng và ăn được nhiều hơn, có khả năng bồi bổ cơ thể rất tốt và dễ làm.
Nguyên liệu: 1/2 bát gạo, 3 quả trứng gà, 1/2 củ cà rốt, rau thơm và gia vị.
Cách chế biến:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Rửa sạch tất cả nguyên liệu. Rau thơm bỏ gốc và thái nhỏ vừa ăn. Cà rốt gọt bỏ vỏ. Trứng gà lọc lấy lòng đỏ, cho vào bát và khuấy đều.
- Bước 2: Nấu cháo trứng cà rốt: Cho gạo vào nồi cùng với 750 ml nước và ninh nhừ. Cà rốt đem đi luộc chín và nghiền nhuyễn. Khi cháo đã chín nhừ, cho cà rốt và trứng vào đun cùng với lửa nhỏ trong khoảng 2 – 3 phút nữa. Sau đó, bạn nêm gia vị vừa ăn và cho rau thơm vào cùng.
Lưu ý: Để cháo được ngon hơn, bạn chú ý khuấy đều tay và thường xuyên, ít nhất 10 phút/ lần để cháo không bị cháy.
Xem thêm:
- 7+ loại hoa quả bồi bổ cơ thể hiệu quả cho gia đình!
- Người mới ốm dậy nên ăn quả gì? [Top 9 loại trái cây giúp phục hồi sức khỏe]
3. Món cháo cho người đầy bụng, chậm tiêu
Đầy bụng, chậm tiêu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: bệnh lý về dạ dày, ăn uống không đúng cách, sử dụng nhiều chất kích thích, nước uống có gas… Do đó, để giảm các triệu chứng khó chịu này, bạn nên thay đổi lối sống, ăn uống khoa học, bổ sung nhiều chất xơ như trái cây, rau củ, các loại ngũ cốc. Đồng thời, nên chế biến các thực phẩm trên dưới dạng lỏng, mềm để cho việc tiêu hóa và hấp thụ dễ dàng hơn.
Cháo gạo tẻ củ cải sẽ là món ăn dinh dưỡng, dễ tiêu hóa mà Nutricare muốn giới thiệu cho bạn khi bị đầy bụng, chậm tiêu. Củ cải trắng có chứa nhiều dưỡng chất, được ví như “nhân sâm mùa đông” có tác dụng tăng cường sức khỏe hiệu quả. Theo thống kê, trong 100g củ cải trắng có chứa khoảng 1,4g protid, 3,7 g glucid, 1,5g xenlulozo, 40mg canxi cùng nhiều dưỡng chất khác. Trong đó, hàm lượng chất xơ cao trong củ cải có tác dụng kích thích nhu động ruột, dạ dày và nhanh chóng đào thải chất độc ra khỏi cơ thể.
Nguyên liệu: 100g củ cải, 100g gạo tẻ, 50g thịt xay, rau thơm và gia vị.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Rửa sạch tất cả nguyên liệu. Ngâm gạo tẻ trong khoảng 20 – 30 phút để gạo mềm và dễ nấu chín. Củ cải gọt vỏ và thái hạt lựu. Rau thơm cắt bỏ gốc và thái nhỏ vừa ăn.
- Bước 2: Nấu cháo củ cải: Cho gạo vào nồi cùng với 1 lít nước và ninh nhừ thành cháo. Trong thời gian đợi cháo chín, bạn chuẩn bị 1 cái chảo, phi hành thơm và cho thịt xay vào xào chín, hơi săn lại và nêm gia vị. Sau đó, khi cháo đã chín nhừ, cho củ cải và thịt đã chế biến vào khuấy đều. Đợi thêm 10 phút rồi tắt bếp. Cuối cùng, bạn cho gia vị và rau thơm vào là hoàn thành.
4. Món cháo cho người ăn – ngủ kém
Chứng mất ngủ thường xuyên kèm theo ăn uống kém có thể dẫn tới suy nhược cơ thể nhanh chóng, tăng tốc độ lão hóa, suy giảm hệ miễn dịch… Qua đó, làm tăng nguy cơ mắc phải nhiều bệnh lý do cơ thể suy yếu. Vì vậy, cần tăng cường bổ sung dưỡng chất như vitamin nhóm B, các beta- glucan, acid amin và các khoáng chất thiết yếu, giúp cung cấp năng lượng, kích thích tiêu hóa, và tăng cường sức đề kháng.
Cháo là món ăn dinh dưỡng, dễ hấp thụ, giúp kích thích vị giác cho người bệnh ngon miệng hơn. Dưới đây, Nutricare sẽ gợi ý tới bạn 2 món cháo dành cho người bệnh ăn ngủ dễ dàng hơn.
4.1. Cháo hạt súng
Hạt súng (khiếm thực) là một loại thảo dược quý, có chứa nhiều dưỡng chất như protein, xenluloza, acid nicotinic, caroten, khoáng chất thiết yếu sắt, canxi, photpho… có tác dụng bồi dưỡng và nâng cao sức khỏe. Cháo hạt súng sẽ là món ăn dinh dưỡng giúp kích thích vị giác, cho người bệnh ăn ngon miệng và ngủ sâu hơn.
Nguyên liệu: 150g gạo tẻ, bột hạt súng 60g, rau thơm và gia vị.
Cách chế biến:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Gạo vò sạch và ngâm trong khoảng 20 – 30 phút để gạo mềm hơn, dễ nấu chín.
- Bước 2: Nấu cháo hạt súng: Cho gạo cùng với 1 lít nước vào nồi và ninh nhừ thành cháo. Sau khi cháo đã chín, cho bột hạt súng vào nấu tiếp thêm khoảng 10 phút. Cuối cùng, thêm gia vị và rau thơm vừa ăn là hoàn thành.
4.2. Cháo hạt sen
Hạt sen là thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Cụ thể, theo thống kê, trong 100g hạt sen có chứa tới 162 calo, 30g glucid, 9,5g protein và một số vitamin nhóm A, C có tác dụng kích thích vị giác, giúp người bệnh ăn ngon hơn. Bên cạnh đó, hạt sen còn có chứa nhiều chất kiềm và glucozit – có khả năng kích thích tuyến tụy tiết ra insulin, giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn. Cháo hạt sen là món ăn dinh dưỡng rất phù hợp với người bệnh kém ăn ngủ, suy nhược cơ thể.
Nguyên liệu: 240g gạo tẻ, 200g thịt xay, 250g hạt sen tươi, 1 củ cà rốt, 4 quả trứng, rau thơm và gia vị.
Cách chế biến:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Rửa sạch tất cả nguyên liệu. Hạt sen tươi tách vỏ và loại bỏ tim sen. Cà rốt gọt vỏ và thái hạt lựu. Gạo đem đi vo sạch và ngâm trong khoảng 20 – 30 phút để gạo mềm, khi nấu mau nở và thấm gia vị.
- Bước 2: Chế biến nguyên liệu: Luộc hạt sen trong khoảng 5 phút. Trứng luộc chín. Ướp thịt bằm cùng với gia vị trong khoảng 15 phút để thịt được thấm đều.
- Bước 3: Nấu cháo hạt sen: Cho gạo cùng với 2,5 lít nước vào nấu nhừ thành cháo. Sau đó, cho hạt sen, cà rốt cùng với thịt bằm đã ướp gia vị vào nồi cháo đảo đều, nấu tiếp trong khoảng 10 phút rồi tắt bếp. Cuối cùng, nêm gia vị vừa ăn là hoàn thành, có thể trang trí thêm trứng cho đẹp mắt.
Lưu ý: Nếu không mua được hạt sen tươi, bạn có thể mua hạt sen khô và ngâm trong khoảng 5 tiếng trước khi nấu để hạt sen được nở đều, mềm và không bị cứng.
Bài viết trên là những thông tin về các món cháo bổ cơ thể mà Nutricare muốn gửi đến bạn. Mong rằng qua bài viết bạn sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích trong bổ suy dinh dưỡng và cải thiện thực đơn ăn uống hàng ngày cho người mới ốm dậy, suy nhược cơ thể.
Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề bổ sung dinh dưỡng cho người suy nhược cơ thể, người mới ốm dậy, hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 18006011 hoặc truy cập fanpage Nutricare để được dược sĩ Nutricare giải đáp chi tiết, tận tình nhé!
**Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.