Trong 7 loại hình nghệ thuật: Văn học; Âm nhạc; Hội hoạ; Điêu khắc; Sân khấu; Kiến trúc và Điện ảnh. loại hình nào cũng có tính đặc trưng cơ bản tạo ra nét riêng biệt để định hình, nhưng chúng cũng đều có những nét chung nhất có thể nhận thấy một cách dễ dàng. Trong số những nét chung ấy, tiêu biểu là “Hình thức” và “Thể loại”. Âm nhạc cũng như các loại hình nghệ thuật khác, không nằm ngoài quy luật chung ấy, nhưng trên thực tế vẫn có không ít người thưởng thức, kể cả người sáng tác vẫn còn quan niệm lẫn lộn giữa “Hình thức” và “Thể loại”, gây hạn chế cho việc nhận xét, đánh giá và cảm thụ tác phẩm văn học nghệ thuật.
Ngày nay trong xu thế phát triển chung của xã hội, nhu cầu tìm hiểu và thưởng thức văn học nghệ thuật ngày càng đòi hỏi cao hơn. Nhu cầu đó không những chỉ đối với thanh niên, sinh viên, trí thức mà rộng hơn là cả cộng đồng xã hội, nó đã và đang trở thành một sinh hoạt văn hoá tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Với mong muốn cung cấp một cách nhìn khoa học để khái niệm chuẩn xác về “Hình thức” và “Thể loại”, tác giả bài viết xin đi sâu vào một loại hình âm nhạc, để từ đó giúp bạn đọc soi chiếu, liên hệ mối liên quan, tương hỗ giữa các loại hình và nắm được một cách chân xác về những đặc trưng cơ bản, về nét chung nhất của văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, giúp phân biệt chính xác, dễ dàng cảm nhận và đánh giá một tác phẩm văn học nghệ thuật.
Từ xa xưa, con người tiếp xúc một cách tự nhiên, vô thức với âm nhạc và âm nhạc khi ấy mới chỉ là những âm thanh, tiếng động tự nhiên. Qua một quá trình phát triển và sáng tạo dài lâu, con người đã tìm ra những âm thanh đặc trưng, nghĩa là những âm thanh đã được chọn lọc, tổ chức một cách chặt chẽ, bài bản, tạo thành những hệ thống có tính lôgic và trở thành âm nhạc. Như vậy, âm nhạc là một loại hình nghệ thuật đặc biệt thông qua âm thanh để nói lên tất cả những tâm tư, tình cảm của con người như: Niềm vui sướng, nỗi khổ đau, những tâm tư thầm kín, những khát vọng và ước mơ về hạnh phúc tương lai… Với nội hàm ấy, âm nhạc đòi hỏi phải có nhiều hình thức, nhiều thể loại để biểu đạt. Đời sống xã hội càng phong phú, đa dạng bao nhiêu thì đòi hỏi âm nhạc cũng phải liên tục phát triển đa dạng bấy nhiêu, nhất là: “Khi nào ngôn ngữ con người trở nên bất lực thì khi đó sẽ có ngôn ngữ khác huyền diệu hơn cất lên. Đó là âm nhạc”. (Traikopxki).
Theo nghĩa rộng, “Hình thức âm nhạc” là sự vang lên toàn bộ của một tác phẩm từ đầu tới cuối với tất cả những yếu tố như: Giai điệu, hoà âm, tiết tấu, nhịp điệu, âm sắc, tầm cữ, cường độ, cách cấu tạo… Theo nghĩa hẹp thì “Hình thức âm nhạc” là mối tương quan giữa các phần trong một tác phẩm. Thông qua đó ta thấy được những nét điển hình của cấu trúc và dàn ý sáng tác của tác giả. Hình thức có thể chia thành nhiều cách cấu trúc khác nhau như: Hình thức một đoạn đơn, hai đoạn đơn, ba đoạn đơn; Hình thức một đoạn phức, hai đoạn phức, ba đoạn phức, hoặc các hình thức khác như: Biến tấu, rôngđô, xônat… Như vậy, “Hình thức âm nhạc” cho ta biết về cấu trúc của một tác phẩm. Cấu trúc ấy có thể đa dạng hoặc ở các mức độ phức tạp khác nhau, nhưng chúng đều phải tuân thủ theo một số quy luật nhất định của âm học.
Còn “Thể loại âm nhạc” là những loại, những dạng tác phẩm mang một đặc trưng chung nhất định liên quan đến những phương pháp biểu hiện của tác phẩm. “Thể loại âm nhạc” giúp chúng ta nhận biết một cách dễ dàng một tác phẩm thuộc thể loại gì. (Ví như thể loại hát ru hay hành khúc…). Thông qua phương pháp biểu hiện của tác phẩm, người nghe cảm nhận được nhịp độ khoan thai, giai điệu du dương của hát ru, hoặc giai điệu khúc triết, tiết tấu chắc, khoẻ của thể loại hành khúc…
Ngoài thanh nhạc, khí nhạc cũng được chia thành nhiều phương pháp biểu hiện khác nhau như: Âm nhạc thính phòng (xônat, êtuyt, prêluyt, nôctuyêc…) được viết cho một hoặc vài nhạc cụ biểu diễn trong phòng hoà nhạc nhỏ. Âm nhạc giao hưởng (uvectuya, giao hưởng, thơ giao hưởng…) được viết cho dàn nhạc giao hưởng biểu diễn trong phòng hoà nhạc lớn, hoặc âm nhạc cho sân khấu mang tính tổng hợp như: ôpêra, balê…
Lịch sử nghệ thuật âm nhạc cho thấy: Thể loại âm nhạc luôn được bổ sung và được sinh ra trong những điều kiện lịch sử nhất định, liên quan đến sự tìm tòi, sáng tạo của các nhà soạn nhạc. Thể loại âm nhạc cũng không tồn tại riêng biệt, mà thường có mối liên quan tương hỗ lẫn nhau. Qua thời gian, thể loại âm nhạc ngày càng được hoàn thiện và bổ sung thêm thể loại mới, đáp ứng nhu cầu cuộc sống đa dạng của con người.
Như vậy, “Hình thức” và “Thể loại” trong âm nhạc là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng phải tuân thủ nghiêm ngặt về cấu trúc tác phẩm cũng như thể loại đã được định hình, nó không cho phép lẫn lộn các khái niệm về “Hình thức” cũng như “Thể loại” tác phẩm. Muốn hiểu được âm nhạc cũng như các loại hình nghệ thuật khác, người thưởng thức cần phải có vốn kiến thức nhất định, phải nắm vững những khái niệm cơ bản của chúng, nhất là khi văn học nghệ thuật đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội, bởi vì: “Cuộc sống phải có tiếng hát cũng như trái đất phải có ánh nắng mặt trời. Niềm vui và hy vọng không thể thiếu được đối với chúng ta”.(VI. Lê Nin)
Ngày nay âm nhạc cũng như các loại hình nghệ thuật khác đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, một hoạt động văn hoá tinh thần quan trọng, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết TW5 khoá VIII. Hơn bao giờ hết, những người hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật phải luôn quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khoá X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”. Có như thế, âm nhạc nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung mới ngày càng đi sâu vào thế giới nội tâm nhằm nuôi dưỡng trí tuệ, tâm hồn, bản sắc dân tộc … giúp con người luôn năng động, lạc quan để biến các ước mơ, hoài bão trở thành hiện thực trong cuộc sống.
Mai Văn Cách