Trong số các ngành và lĩnh vực thì tâm lý học là ngành được sự quan tâm rất nhiều bởi nó nghiên cứu tâm lí con ngừi trong cuộc sống và việc nghiên cứu này bổ trợ rất nhiều trong các lĩnh vực khác nhau. Theo đó có rất nhiều trường đại học đào tạo ngành tâm lý học.
Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
1. Tâm lý học là gì?
Trước khi trả lời câu hỏi “ngành Tâm lý học là gì?”, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về tâm lý. Tâm lý là tất cả hiện tượng của đời sống tinh thần, thế giới bên trong của con người, nó gắn liền và điều hành mọi hành vi, hoạt động của con người. Vậy Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu hành vi, tinh thần và tư tưởng của con người cụ thể đó là cảm xúc, là ý chí và hành động của mỗi người. Ngoài ra, tâm lý học cũng chú tâm đến sự ảnh hưởng của hoạt động thể chất, trạng thái tâm lý, và các yếu tố bên ngoài lên hành vi và tinh thần của con người.
Những người có chuyên môn ứng dụng hoặc nghiên cứu trong lĩnh vực này được gọi là nhà tâm lý học. Nhiệm vụ của nhà tâm lý đó là nghiên cứu bản chất của các hiện tượng tâm lý, nghiên cứu quan hệ giữa các hiện tượng tâm lý đó và vai trò, chức năng của tâm lý đối với hoạt động của con người.
Theo học ngành Tâm lý học, các bạn sẽ được đào tạo từ những kiến thức cơ sở tới nâng cao về lĩnh vực tâm lý như: tâm lý học giao tiếp, tâm lý học gia đình, tâm lý học lao động, tâm lý học giáo dục, liệu pháp nhận thức hành vi, tham vấn học đường, các chuyên đề về tệ nạn xã hội, chuyên đề về xử lý tình huống trong đời sống,…
Tâm lý học tiếng anh là ” Psychology”.
2. Các phân ngành chính và ý nghĩa của Psychology:
Cơ bản, tâm lý học có thể được chia thành hai mảng chính:
+ Nghiên cứu, nhằm gia tăng nền tảng kiến thức
+ Thực hành, qua đó kiến thức được áp dụng để giải quyết các vấn đề trong thực tế.
Do hành vi của con người rất đa dạng, số lượng các phân ngành trong tâm lý học không ngừng phát triển và mở rộng. Một số đã giành được chỗ đứng vững chắc, và nhiều trường đại học đã đưa ra các khóa học và chương trình đào tạo lấy bằng về các phân ngành này.
Tâm lý học dị thường (Abnormal Psychology)
Tâm lý học dị thường nghiên cứu về tâm bệnh học (psychopathology) và các hành vi bất thường. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần đánh giá, chẩn đoán và điều trị nhiều loại rối loạn tâm lý, bao gồm lo âu và trầm cảm. Các nhà tư vấn, nhà tâm lý học lâm sàng và trị liệu tâm lý thường trực tiếp làm việc trong lĩnh vực này.
Tâm lý học hành vi (Behavioral Psychology)
Tâm lý học hành vi, hay thuyết hành vi (behaviorism), là một lý thuyết về học tập, dựa trên ý tưởng rằng tất cả các hành vi được hình thành thông qua điều kiện hóa. Phân ngành này từng thống trị tâm lý học trong suốt giai đoạn đầu của thế kỷ 20, nhưng bắt đầu mất dần ảnh hưởng từ những năm 1950. Tuy vậy, các kỹ thuật hành vi vẫn đóng vai trò trụ cột trong trị liệu, giáo dục, và nhiều lĩnh vực khác.
Tâm lý học sinh học (Biopsychology)
Tâm lý học sinh học tập trung vào cách bộ não, tế bào thần kinh và hệ thần kinh ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi thế nào. Phân ngành này liên quan đến rất nhiều các lĩnh vực khác nhau, bao gồm tâm lý học cơ bản, tâm lý học thực nghiệm, sinh học, sinh lý học, tâm lý học nhận thức, và khoa học thần kinh.
Tâm lý học Lâm sàng (Clinical Psychology)
Tâm lý học lâm sàng quan tâm đến việc đánh giá và điều trị các bệnh tâm thần, hành vi dị thường và rối loạn tâm thần. Các nhà tâm lý học lâm sàng thường làm việc tại các cơ sở tư nhân, nhưng nhiều người cũng làm việc trong các Trung tâm cộng đồng hoặc trường đại học.
Tâm lý học nhận thức (Cognitive Psychology)
Tâm lý học nhận thức tập trung vào các trạng thái tinh thần bên trong. Kể từ khi xuất hiện vào những năm 1960, lĩnh vực này đã và đang tiếp tục phát triển, nghiên cứu một cách khoa học cách con người suy nghĩ, học tập và ghi nhớ.
Tâm lý học so sánh (Comparative Psychology)
Tâm lý học so sánh nghiên cứu hành vi của động vật. Việc này có thể dẫn đến sự hiểu biết sâu và rộng hơn về tâm lý con người. Bắt nguồn từ nghiên cứu của các nhà khoa học như Charles Darwin và George Romanes, lĩnh vực này đã phát triển thành một chủ đề rất đa ngành, với đóng góp không chỉ từ các nhà tâm lý học mà còn cả các nhà sinh học, nhân chủng học, sinh thái học, di truyền học và các lĩnh vực khác.
Tâm lý học tư vấn (Counseling Psychology)
Tâm lý học tư vấn là một trong những phân ngành rộng nhất của tâm lý học, tập trung điều trị những bệnh nhân đang trải qua phiền muộn (distress) tâm lý và nhiều triệu chứng tâm lý khác.
Tâm lý học đa văn hóa (Cross-Cultural Psychology)
Tâm lý học đa văn hóa xem xét cách các yếu tố về văn hóa tác động lên hành vi con người. Kể từ khi Hiệp hội Quốc tế về Tâm lý học Đa văn hóa (IACCP) được thành lập vào năm 1972, phân ngành này đã tiếp tục tục mở rộng và phát triển.
Tâm lý học phát triển (Developmental Psychology)
Tâm lý học phát triển tập trung nghiên cứu cách con người thay đổi và phát triển trong suốt cuộc đời. Nghiên cứu khoa học về sự phát triển của con người hướng đến việc tìm hiểu và lý giải cách thức và nguyên thân con người thay đổi theo thời gian. Các nhà tâm lý học phát triển thường nghiên cứu các chủ đề như tăng trưởng thể chất, phát triển trí tuệ, thay đổi cảm xúc, phát triển xã hội và thay đổi tri giác diễn ra qua các giai đoạn của cuộc đời.
Tâm lý giáo dục (Educational Psychology)
Tâm lý học giáo dục tập trung vào các trường học, tâm lý học giảng dạy, các vấn đề về giáo dục, quan tâm của học sinh. Các nhà tâm lý học giáo dục thường nghiên cứu cách học sinh học tập, hoặc trực tiếp làm việc với học sinh, phụ huynh, giáo viên và các nhà quản lý nhằm cải thiện kết quả học tập.
Tâm lý học thực nghiệm (Experimental Psychology)
Tâm lý học thực nghiệm sử dụng các phương pháp khoa học để nghiên cứu não bộ và hành vi. Nhiều phương pháp trong số đó cũng được ứng dụng trong các lĩnh vực khác của tâm lý học để nghiên cứu mọi chủ đề, từ sự phát triển thời thơ ấu đến các vấn đề xã hội.
Tâm lý học pháp y (Forensic Psychology)
Tâm lý học pháp y là một lĩnh vực chuyên môn, giải quyết các vấn đề liên quan đến tâm lý học và pháp luật. Những người làm việc trong lĩnh vực này áp dụng các nguyên tắc tâm lý học vào các vấn đề pháp lý. Điều này có thể bao gồm nghiên cứu hành vi tội phạm, chữa trị hoặc trực tiếp làm việc trong hệ thống tòa án.
Tâm lý sức khỏe (Health Psychology)
Tâm lý học sức khỏe là một lĩnh vực chuyên môn tập trung vào cách sinh học, tâm lý học, hành vi và các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe và bệnh tật. Các thuật ngữ khác đôi khi được sử dụng thay thế bao gồm tâm lý học y tế và y học hành vi. Phân ngành tập trung vào việc thúc đẩy sức khỏe cũng như phòng ngừa và điều trị bệnh tật.
Tâm lý học tổ chức-công nghiệp (Industry-Organizational Psychology)
Tâm lý học tổ chức-công nghiệp là một phân ngành áp dụng các nguyên tắc tâm lý học để nghiên cứu về các vấn đề tại nơi làm việc như năng suất và hành vi. Lĩnh vực này, thường được gọi là tâm lý học I/O (Industrial-Organizational – tổ chức-công nghiệp), hướng đến việc cải thiện năng suất và hiệu suất tại nơi làm việc, đồng thời tối đa hóa sự thỏa mãn (well-being) của nhân viên.
Tâm lý học nhân cách (Personality Psychology)
Tâm lý học nhân cách tập trung vào việc nghiên cứu những mẫu kiểu tư duy (thought patterns), cảm giác, và hành vi cấu thành nên sự độc đáo của mỗi cá nhân. Các lý thuyết cổ điển về nhân cách bao gồm lý thuyết phân tâm học của Freud về nhân cách và lý thuyết về sự phát triển tâm lý xã hội của Erikson.
Tâm lý học học đường (School Psychology)
Tâm lý học học đường là một lĩnh vực liên quan đến việc giúp trẻ em giải quyết các vấn đề học tập, cảm xúc và xã hội trong trường học. Các chuyên gia tâm lý học học đường cũng hợp tác với giáo viên, học sinh và phụ huynh để giúp tạo ra một môi trường học tập lành mạnh.
Tâm lý học xã hội (Social Psychology)
Tâm lý học xã hội tìm cách lý giải và hiểu về hành vi xã hội; xem xét các chủ đề đa dạng bao gồm hành vi nhóm, tương tác xã hội, lãnh đạo, giao tiếp phi ngôn ngữ và ảnh hưởng xã hội đến việc ra quyết định.
Phân ngành này tập trung vào việc nghiên cứu các chủ đề như hành vi nhóm, cảm tri (perception) xã hội, hành vi phi ngôn ngữ, tính thích ứng, gây hấn và định kiến. Mối quan tâm chính trong tâm lý học xã hội là ảnh hưởng của xã hội lên hành vi, nhưng các nhà tâm lý học xã hội cũng tập trung vào cách con người cảm tri và tương tác với những người khác.
Tâm lý học thể thao (Sports Psychology)
Tâm lý học thể thao nghiên cứu về cách tâm lý ảnh hưởng đến thể thao, thành tích và tập luyện thể thao, cũng như hoạt động thể chất. Một số nhà tâm lý học thể thao làm việc với các vận động viên và huấn luyện viên chuyên nghiệp để cải thiện thành tích và tăng động lực. Những người khác ứng dụng việc tập thể dục và thể thao để nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của con người xuyên suốt cuộc đời.