Bùng nổ tranh cãi
Kể từ khi vừa được công bố, dự án điện ảnh Em và Trịnh đã nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Bởi đây là bộ phim đầu tiên dũng cảm khai thác cuộc đời một tượng đài âm nhạc Việt Nam. Phim gây sốt khi công bố chi phí thực hiện lên đến 50 tỉ đồng, quy tụ dàn diễn viên hùng hậu nhiều thế hệ.
Phim Em và Trịnh đang nhận về những ý kiến khen chê lẫn lộn
đpcc
Trải qua 5 năm ấp ủ và thực hiện, Em và Trịnh đã được ra mắt khán giả. Sau 5 ngày chiếu sớm, bộ phim nhận về những ý kiến khen, chê trái chiều. Số đông khán giả dành lời khen có cánh cho phần hình ảnh duy mĩ và các ca khúc nhạc Trịnh được hòa âm, phối khí đầy cuốn hút. Tuy nhiên, không ít người xem bày tỏ sự thất vọng về tính chân thực của cốt truyện. Đặc biệt, nhiều khán giả có ý kiến rằng bộ phim đang mang đến góc nhìn sai lệch về nhạc sĩ Diễm xưa. Trên các fanpage review phim, diễn đàn điện ảnh, chủ đề này cũng được bàn tán sôi nổi.
Avin Lu vai Trịnh Công Sơn thời hoa niên và NSƯT Trần Lực trong vai Trịnh Công Sơn tuổi trung niên
đpcc
Một vài khán giả cho rằng Em và Trịnh khai thác chưa đủ sâu tính cách và chưa thực sự hiểu về con người Trịnh Công Sơn. Ở cả hai phiên bản trẻ và trung niên trong phim, họ chưa nhìn thấy được cốt cách ý nhị, tâm hồn sâu sắc hơn người mà cố nhạc sĩ sở hữu ngoài đời. Có khán giả bày tỏ quan điểm: “Em và Trịnh là một bộ phim coi được nếu ai dễ tính và chưa biết gì về Trịnh Công Sơn, coi để biết. Còn đây là một bộ phim khá dở nếu không muốn nói là hơi cẩu thả đối với những người đã biết một chút về nhạc sĩ họ Trịnh”.
Nhiều khán giả không hài lòng với cách bộ phim xây dựng hình tượng cố nhạc sĩ họ Trịnh
đpcc
Hóa thân thành cây đại thụ âm nhạc như Trịnh Công Sơn là thách thức lớn đối với bất kỳ diễn viên nào
đpcc
Ngoài ra, cách xây dựng câu chuyện của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các “bóng hồng” trong cuộc đời ông cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi. Người hâm mộ nhạc sĩ họ Trịnh không mấy hài lòng khi thấy hình tượng trên phim của ông được xây dựng theo hơi hướng đa tình. Số khác nhận định sự nông cạn của kịch bản đã bóp méo hình ảnh cao đẹp của ông.
“Cách khai thác của biên kịch và xử lý của đạo diễn cũng góp phần khiến nhân vật Trịnh Công Sơn trở thành một kẻ vô tính cách, hành động hời hợt. Cách cài cắm tình tiết bỗng nhiên hạ thấp hình ảnh Trịnh Công Sơn (cảnh bố của Dao Ánh trước chuyến tàu) trong mắt công chúng…”, một khán giả nhận xét gay gắt.
Trịnh Công Sơn của ai?
Với người dân Việt Nam, Trịnh Công Sơn là một tượng đài quá lớn, một huyền thoại âm nhạc. Mà đã là huyền thoại thì trong lòng mỗi người đều có những góc nhìn, sự ngưỡng vọng hay tưởng tượng khác nhau. Khi lên phim, khía cạnh tính cách này có thể là gần gũi, dung dị với người này, nhưng cũng dễ dàng trở nên tầm thường hoặc thậm chí kệch cỡm so với người khác.
Thật khó để đưa ra một hệ quy chiếu chính xác để khẳng định hình tượng nhân vật điện ảnh là đúng hay sai. Bởi ai, rồi cũng sở hữu cho mình một hình tượng Trịnh Công Sơn rất riêng trong tâm thức. Xây dựng hình tượng nhân vật sao cho vừa đúng, vừa đẹp, vừa hấp dẫn là thứ lắc léo và thử thách nhất đối với dòng phim tiểu sử. Điện ảnh thế giới cũng có vài trường hợp gây tranh cãi tương tự.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng danh ca Khánh Ly
ảnh tư liệu
Được nhào nặn bởi bàn tay của đạo diễn kỳ cựu Ridley Scott, bộ phim House of Gucci vẫn bị những hậu duệ của gia tộc Gucci chỉ trích không thương tiếc vì làm sai lệch hình ảnh tiền nhân. Trước đó, phim tiểu sử về huyền thoại nhạc rock Freddie Mercury Bohemian Rhapsody dù được đề cử hàng loạt giải thưởng điện ảnh vẫn bị công chúng phản ứng gay gắt. Lý do nhiều khán giả giận dữ với Bohemian Rhapsody chính là sự xuyên tạc lịch sử đầy trắng trợn, cũng như lạm dụng chủ đề đồng tính để vẽ nên bức tranh bi kịch của huyền thoại âm nhạc. Series Halston, làm về cuộc đời nhà thiết kế thời trang lẫy lừng Halston của Netflix cũng hứng chỉ trích vì lý do tương tự.
Phần lớn những phim tiểu sử thành công chỉ tập trung khai thác một khoảng hẹp nhất định trong cuộc đời nhân vật. Như phim Spencer (2021) về công nương Diana chỉ tập trung khắc họa giai đoạn “tức nước vỡ bờ” trong cuộc hôn nhân của bà và thái tử Charles. Nowhere Boy (2009) làm về John Lennon nhưng chỉ đi sâu vào thời niên thiếu của ông. Tick, tick Boom (2021) tập trung khủng hoảng tuổi 30 của huyền thoại broadway Jonathan Larson…
Hình dung về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn liệu có giống nhau ở mỗi người?
đpcc
Đứng trước một nhân vật lớn và có sự nghiệp âm nhạc đồ sộ như Trịnh Công Sơn, chọn khoảng nào trong cuộc đời và âm nhạc của ông để kể đã là một thách thức. Ở đây, đoàn phim Em và Trịnh dường như đã tự làm khó chính họ khi ôm đồm “kể tuốt” chuyện đời cố nhạc sĩ, trải dài qua ba thập niên, và thậm chí là có tận hai phiên bản Trịnh Công Sơn khác nhau. Và như đã lường trước hệ quả, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng chia sẻ anh đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhận “gạch đá” khi bắt tay thực hiện bộ phim này.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thuở sinh thời cùng em gái ông – ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh
NVCC
Dù nhận khen chê lẫn lộn nhưng không thể phủ nhận Em và Trịnh đang tạo được sức nóng nhất định cho thị trường phim Việt Nam. Tính đến 15 giờ ngày 17.6, Em và Trịnh đạt doanh thu hơn 41 tỉ đồng. Cuối tuần qua, bộ phim cũng đang trong tình trạng “cháy vé”. Theo thống kê của The Influencer Việt Nam, từ khóa Em và Trịnh cũng vào top 4 những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội trong tuần, từ 7-13.6.
Gia đình và những nghệ sĩ từng gắn bó với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói gì về Em và Trịnh?
– Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh: “Đây là phim điện ảnh, hư cấu chứ không phải phim tư liệu nên tôi nghĩ việc “phản ánh chân thực nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” cũng phải hiểu ở khía cạnh tinh thần, cảm xúc chứ không ở các tiểu tiết, như là diện mạo, cao hay thấp, giọng Huế có giống hay không, đó chỉ là hình thức bên ngoài. Tôi thấy có người thắc mắc sao trong phim, anh Sơn nhiều mối tình quá, sao không nói chuyện khác? Tôi nghĩ từ tên phim Em và Trịnh đã cho thấy đạo diễn chọn góc kể chuyện là đi từ tình yêu. Bộ phim trong vài tiếng kể câu chuyện cả đời người, hơn 20 năm trời, bất kỳ ai cũng phải có rung động nhiều hơn một lần chứ.
Anh Sơn được xem là huyền thoại âm nhạc Việt, thế nên mỗi người lại có một hình ảnh riêng về anh trong tưởng tượng của mình. Làm sao có thể tìm được một hình mẫu chân thực giống với hình dung của tất cả mọi người? Hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong phim, có thể giống, có thể khác với hình dung của mỗi người, nhưng đã được khắc họa bằng cả tâm huyết của đạo diễn và ê-kíp làm phim trong suốt 5 năm ròng rã. Chúng tôi biết rõ và rất trân trọng điều đó”.
– Danh ca Khánh Ly: “Tôi đã có một Trịnh Công Sơn thật ngoài đời, vậy cần gì phải xem thêm một hình tượng hư cấu. Tôi nghe nói phim quay đẹp, nhạc hay nhưng cũng có nhiều ý kiến chê. Mọi người xem một phim hư cấu thì phải chấp nhận thôi. Tôi khẳng định bộ phim chẳng ảnh hưởng gì đến hình ảnh ông Trịnh Công Sơn đâu. Khi mọi người đã yêu nhạc sĩ, không điều gì có thể thay đổi tình yêu ấy. Những người làm phim mong muốn tri ân nhạc sĩ, muốn ông sống mãi trong lòng mọi người. Nhưng mỗi người lại yêu Trịnh Công Sơn theo một cách khác nhau. Nếu năm nay Em và Trịnh chưa hay, năm tới ta lại làm Trịnh và em”.
– Ca sĩ Cẩm Vân: “Điểm sáng của bộ phim Em và Trịnh là phim đã truyền tải được giá trị văn học, vẻ đẹp của tình yêu của thời đại. Thời nay, rất hiếm tìm được tình yêu nhẹ nhàng, lãng mạn như vậy. Giá trị của những lời hay ý đẹp, văn từ, tinh thần lãng mạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng được thể hiện khá hay. Tôi nghĩ người trẻ nên xem để học hỏi được những điều đó. Còn về chuyện tranh cãi, tôi nghĩ bất cứ bộ phim nào cũng có ưu điểm, khuyết điểm. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu tồn tại tranh cãi thì cũng chỉ vì người ta quá thương anh Sơn, quá quý và trân trọng anh Sơn”.
– NSND Bạch Tuyết: “Với tài năng và phẩm giá của Trịnh Công Sơn, có lẽ đã và sẽ có nhiều hơn thế những bộ phim về anh. Nhưng, làm một bộ phim về một con người rất thật, với bao nhiêu giai điệu, ca từ đã quá quen thuộc, Sơn như một phần làm đẹp thêm, giàu hơn cho tiếng Việt, thanh âm Việt, văn hóa Việt nên gần như trong ai cũng có một hình dung Trịnh Công Sơn của riêng mình thì quả thật, đó lại là thách đố với nhà làm phim, với từng nhân vật đi qua đời Sơn, hiện diện hay vô ảnh mà hữu hình trong mọi khuôn nhạc của anh”.