I. CƠ SỞ HÌNH THÀNH VĂN MINH ẤN ĐỘ CỔ TRUNG ĐẠI
1. Điều kiện tự nhiên và dân cư
Mục tiêu: SV nắm được những đặc điểm cơ bản về tự nhiên và dân cư Ấn Độ và ảnh hưởng của chúng đối với lịch sử và văn hóa Ấn Độ.
Phương pháp: Thuyết trình của GV kết hợp sử dụng bản đồ và đặt câu hỏi gợi mở cho SV (Yêu cầu SV đọc trước giáo trình và tài liệu liên quan)
– Vị trí địa lý:
+ Ấn Độ là một “tiểu lục địa” nằm ở miền Nam châu Á, hai mặt Đông Nam và Tây Nam giáp Ấn Độ Dương. Tây Bắc là vùng đồi núi thấp, giáp với Trung Á và Tây Nam Á.
Phía Bắc là dãy Himalaya hùng vĩ án ngữ theo một vòng cung dài 2.600 km, trong đó có tới 40 ngọn núi cao trên 7.000m so với mặt biển, biên giới tự nhiên giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Theo trí tưởng tưởng của người Ấn Độ cổ thì đây là những ‘trụ trời” đã nâng vòm trời lên cho nhân gian sinh sống.
Himalaya theo tiếng Sanxkrít, có nghĩa là “nơi cư trú của tuyết” hay “xứ sở của tuyết”. Trong trí tưởng tưởng của người Ấn Độ thì Himalaya là nơi tiếp giáp giữa cõi trời và trần gian, là nơi trú ngụ và đi về của các thần linh nên nơi đây thường là chốn tu hành khổ luyện của những đạo sĩ muốn tĩnh tâm thiền định, chiêm nghiệm về bản chất của vũ trụ và nhân sinh, tìm con đường giải thoát cho chúng sinh khỏi cảnh lầm than, khổ ải của cuộc đời.
+ Thời cổ trung đại, lãnh thổ của Ấn Độ rộng lớn hơn, bao gồm cả các nước Pakixtan, Bănglađét, Nêpan ngày nay.
+ Ấn Độ ngày nay là một nước có diện tích lớn vào hàng thứ 7 trên thế giới (3.280.483 km2) và có số dân đông thứ hai, sau Trung Quốc. Nhìn trên bản đồ, Ấn Độ gần như chiếm trọn cả vùng Nam Á.
– Điều kiện tự nhiên:
+ Địa hình Ấn Độ rất đa dạng: chia làm hai miền Nam và Bắc, lấy dãy núi Vinđya làm ranh giới.
Miền Bắc có hai con sông lớn là sông Ấn (Indus) và sông Hằng (Gange). Lưu vực sông Ấn là nơi phát nguyên của một trong những nền văn minh sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Hai con sông Ấn và Hằng đã tạo nên những đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu, rất thuận lợi cho trồng trọt, phát triển kinh tế nông nghiệp. (Lưu vực sông Ấn, sông Hằng là một trong những vựa lúa của thế giới hiện nay).
Miền cực Bắc Ấn Độ là tỉnh Casơmia. Phía Nam Casơmia là vùng Penjap, nghĩa là “vùng năm sông” (gồm sông Ấn và bốn nhánh sông chính là Ravi, Thelum, Chenar và Sutleji). Các sông lớn của Ấn Độ như sông Ấn, sông Hằng đều bắt nguồn từ dãy núi Himalaya, nhưng lại chảy theo hai hướng ngược nhau. Sông Ấn dài trên 1.500 km chảy theo hướng Tây Nam qua vùng Penjap Tây, đổ ra vịnh Ôman, tên Ấn của nó là Sindhu, có nghĩa là “sông”. Người Ba Tư khi vào đất Ấn đã đổi nó thành Hinđu và gọi tất cả miền Bắc Ấn Độ là Hindustan, nghĩa là “xứ sở các dòng sông”[1]. Chính nơi đây từ thiên niên kỷ thứ III TCN đã nảy sinh ra một nền văn minh nổi tiếng là Môhenjô Đarô và Harappa.
Sông Hằng được coi là con sông linh thiêng nhất của Ấn Độ. Nó bắt nguồn từ dãy Himalaya, choàng ngang cả phía Bắc Ấn. Trong huyền thoại Ấn Độ, sông Hằng là người con gái của Himalaya, không những vậy, theo người Ấn Độ, sông Hằng còn là con sông ở trên trời. Nó chảy tung bọt dưới chân thiên thần Visnu – thần Bảo tồn, nên nó có tên là Visnupadi. Khi vua Bhagiratha để tiếp tục ý nguyện của cha mình, đã bỏ ngai vàng lên Himalaya luyện phép mới mời được sông Hằng rời thiên giới quay dòng chảy xuống tưới mát cho trần gian. Nó chảy ngang qua Himalaya và tiếp tục chảy xuống âm phủ. Vì vậy sông Hằng có đến ba dòng chảy qua cả ba thế giới: trên trời nó là Ngân Hà, ở mặt đất nó là Hằng Hà, dưới âm phủ nó có tên là Patalaganga. Vì sông Hằng chảy qua cả ba thế giới nên nó còn được gọi là Tripathaga.
Đối với người Ấn Độ, nước sông Hằng có sức thanh tẩy rất màu nhiệm: người có tội đến tắm nước sông Hằng sẽ trở nên trong sạch. Đến với sông Hằng, gọi tên sông Hằng, người ta cảm thấy tĩnh tâm, thanh thản và như trút đi hết mọi cực khổ, lo âu của cuộc đời. Do vậy, sông Hằng được coi như sông Mẹ. Hình tượng của sông Hằng được nhân hoá như là một người đàn bà mang một bình đầy nước, đứng trên một con cá sấu.
Việc tắm nước sông Hằng đã trở thành một sinh hoạt tôn giáo thiêng liêng. Đó là lễ hội tắm Kumbh Mela. Hàng năm, hàng triệu tín đồ đạo Hinđu từ khắp miền đất nước đều hành hương về đây tắm dòng nước mát sông Hằng để được rửa sạch mọi lỗi lầm, để được tĩnh tâm, an ủi. Và khi chết, nếu được nhỏ vài giọt nước sông Hằng vào miệng thì đó là diễm phúc của cuộc đời. “Dòng sông Hằng…đã nắm giữ trái tim của Ấn Độ và thu hút hàng bao nhiêu triệu người đến đôi bờ của nó từ buổi bình minh của lịch sử. Câu chuyện dòng sông Hằng, từ ngọn nguồn của nó đến biển cả, từ thời xưa đến thời nay, là câu chuyện của nền văn minh và văn hoá Ấn Độ, của sự hưng suy của các triều đại, của những thành phố lớn, kiêu hãnh, của cuộc phiêu lưu của con người và sự tìm tòi của trí tuệ từng làm bận bịu các nhà tư tưởng Ấn Độ…” (Jawaharlal Nehru: Phát hiện Ấn Độ, NXB Văn học, Hà Nội, 1997, t1, tr 91)[2]
Miền Nam Ấn là cao nguyên Đêcan rộng lớn, có nhiều rừng rú và khoáng sản, nằm giữa hai dãy núi Đông Ghát và Tây Ghát, chạy dài dọc theo hai mặt Đông và Tây của bờ biển Ấn Độ Dương. Vùng cao nguyên Đêcan có rất nhiều sông ngòi chảy qua và đổ ra biển, song mực nước của các con sông này không ổn định nên không thuận lợi cho giao thông cũng như thuỷ lợi.
+ Cùng với sự đa dạng của địa hình, khí hậu của Ấn Độ cũng rất đa dạng và khắc nghiệt: ở miền Bắc Ấn – dãy Himalaya quanh năm tuyết phủ, gió lạnh thấu xương, bão tuyết thường xuyên xảy đến, mùa hè băng tuyết tan lại tạo thành những cơn thác lũ đổ xuống chân núi, có thể cuốn lấp đi cả một vùng làng mạc dân cư. Ở miền Nam, khí hậu khô, nóng, đất đai khô cằn.
→ Tóm lại, Ấn Độ là một đất nước có điều kiện tự nhiên, điều kiện địa lý hết sức đa dạng nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt. Đó là một tiểu lục địa mênh mông, vừa có những miền núi cao đầy băng giá và rừng rậm âm u, vừa có những miền đại dương chói chang ánh nắng, vùa có những con sông lớn với những đồng bằng trù phú lại vừa có những cao nguyên và sa mạc khô khan, nóng nực.
– Cư dân: Ấn Độ gồm rất nhiều tộc người, nhưng chủ yếu có hai thành phần chủng tộc: Đraviđa chủ yếu cư trú ở miền Nam và người Aryan từ vùng Caxpiên di cư xuống miền Bắc Ấn Độ và định cư ở đó.
Theo các tài liệu nghiên cứu về ngôn ngữ học, khảo cổ học và dân tộc học, ở Ấn Độ có đến 1500 ngôn ngữ khác nhau. Ngày nay, chính phủ Ấn Độ đã công nhận 15 ngôn ngữ chính thức, trong đó tiếng Hinđu được coi là ngôn ngữ dân tộc và tiếng Sanskrít là ngôn ngữ cổ dân tộc[3].
- Sơ lược lịch sử Ấn Độ cổ trung đại
a. Thời cổ đại
* Thời kỳ văn minh lưu vực sông Ấn (từ đầu thiên kỷ III đến giữa thiên kỷ II TCN): còn gọi là thời kỳ văn hoá Haráppa và Môhenjô Đarô (do việc phát hiện ra hai thành phố Haráppa và Môhenjô Đarô bị chôn vùi dưới đất ở vùng lưu vực sông Ấn). Chủ nhân của nền văn minh này là người Đraviđa, qua nghiên cứu các hiện vật tìm được và tìm hiểu cấu trúc của hai thành phố này cho thấy: đây là thời kỳ xã hội người Đraviđa đã có sự phân hoá giai cấp, nhà nước đã hình thành.
* Thời kỳ Vêđa (từ giữa thiên kỷ II đến giữa thiên kỷ I TCN)
Lịch sử Ấn Độ thời kỳ này được phản ánh trong bộ kinh Vêđa, bộ kinh Thánh của đạo Bàlamôn nên được gọi là thời kỳ Vêđa. Chủ nhân của thời kỳ Vêđa là người Aryan (nghĩa là “người cao quý”) mới di cư từ Trung Á vào Ấn Độ (vào khoảng năm 1500 TCN). Trước khi vào Ấn Độ, người Aryan còn đang ở trong thời kỳ tan rã của chế độ thị tộc, bộ lạc, sống cuộc sống du mục, chưa định cư, tức là ở trình độ văn minh thấp hơn so với người Đraviđa. Khi vào Ấn Độ, người Aryan học tập kỹ thuật làm nông nghiệp của người Đraviđa, bắt đầu sống định cư, dần dần xây dựng các quốc gia đầu tiên ở Ấn Độ. Trong quá trình đó, người Aryan đã xây dựng chế độ đẳng cấp, để bảo vệ chế độ đẳng cấp họ dùng luật pháp (luật Manu) và tôn giáo (đạo Bàlamôn). Do vậy, trong thời kỳ này ở Ấn Độ xuất hiện 2 vấn đề có ảnh hưởng rất quan trọng và lâu dài trong xã hội đó là chế độ đẳng cấp Vácna và đạo Bàlamôn.
* Ấn Độ từ thế kỷ VI TCN đến thế kỷ IV TCN: là thời kỳ hình thành các quốc gia sơ kỳ. Đây cũng là thời kỳ các vương quốc ở Ấn Độ tranh giành quyền bá chủ ở lưu vực sông Hằng, trong đó vương quốc Magađa là vương quốc lớn mạnh nhất ở vùng Bắc Ấn.
Năm 327 TCN, sau khi tiêu diệt Ba Tư, quân đội Makêđônia do Alêchxăngđrơ chỉ huy đã tấn công Ấn Độ, tuy nhiên họ đã không thành công.
* Ấn Độ từ thế kỷ IV đến thế kỷ II TCN: Vương triều Môrya (321 – 187 TCN) do Sanđra Gúpta, biệt hiệu là Môrya (chim công) lập nên sau khi đánh thắng quân Makêđônia, giải phóng đất nước. Đây là triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Ấn Độ cổ đại, đặc biệt giai đoạn cường thịnh là thời Asôca (273 – 236 TCN). Đạo Phật trở thành quốc giáo.
* Ấn Độ từ thế kỷ II TCN đến thế kỷ IV sau công nguyên:
Sau khi Asôca chết, vương triều Môrya suy sụp nhanh chóng, nước Magađa thống nhất dần dần tan rã, đến năm 28 TCN thì diệt vong. Ấn Độ rơi vào tình trạng chia cắt trầm trọng. Tộc Cusan từ Trung Á vào chiếm miền Tây Bắc Ấn Độ, thành lập nước Cusan. Dưới thời vua Canixca (78 – 123) – vốn là một người tôn sùng đạo Phật, nên Phật giáo thời kỳ này cũng rất hưng thịnh. Sau khi Canixca chết, nước Cusan ngày càng suy yếu, đến thế kỷ V thì bị diệt vong.
b. Thời trung đại
* Vương triều Gúp ta (từ thế kỷ IV đến thế kỷ VI): đây là thời kỳ xác lập chế độ phong kiến ở Ấn Độ. Giai đoạn này được xem là “Thời đại cổ điển” trong lịch sử Ấn Độ. Các phương diện chính trị – xã hội và nền văn hóa được định hình, trở thành bản sắc của Ấn Độ.
* Vương triều Hác sa (thế kỷ VII đến thế kỷ XII): là thời kỳ tồn tại chế độ phong kiến phân tán ở Ấn Độ. Trong thời kỳ này, có một giai đoạn dưới thời trị vì của Hác sa, Ấn Độ trở thành một vương quốc tương đối hùng mạnh ở miền Bắc Ấn Độ, đến năm 648, khi Hác sa chết, quốc gia do ông dựng lên cũng tan rã theo. Từ đó cho đến thế kỷ XII là thời kỳ Ấn Độ liên tiếp ngoại tộc xâm chiếm. Đến năm 1200, toàn bộ miền Bắc Ấn Độ bị nhập vào Ápganixtan.
* Vương triều Hồi giáo Đêli (1206 – 1526)
Đây là thời kỳ thống trị của người Hồi giáo. Năm 1206, viên tổng đốc của Ápganixtan ở miền Bắc Ấn Độ đã tách miền Bắc Ấn Độ thành một nước riêng tự mình làm vua (xuntan), đóng đô ở Đêli, gọi là nước Xuntan Đêli (hay vương triều Hồi giáo Đêli).
* Vương triều Môgôn (1526 – 1857): là thời kỳ Ấn Độ bị Mông Cổ xâm lược và thống trị. Từ giữa thế kỷ XVIII, thực dân Anh bắt đầu chinh phục Ấn Độ, đến năm 1849, Ấn Độ hoàn toàn bị biến thành thuộc địa của Anh, vương triều Môgôn tồn tại đến năm 1857 thì bị diệt vong.
II. NHỮNG THÀNH TỰU CHÍNH CỦA VĂN MINH ẤN ĐỘ
1. Chữ viết
– Chữ viết là một biểu hiện của văn minh. Chữ viết xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ từ nền văn minh sông Ấn. Tại các di chỉ thuộc nền văn minh sông Ấn, người ta đã phát hiện được hơn 3000 con dấu khắc chữ đồ hoạ, nhưng đáng tiếc cho đến ngày nay người ta vẫn chưa tìm ra cách giải mã loại chữ này.
→ Dân tộc Ấn là dân tộc có chữ viết vào loại sớm nhất thế giới.
– Vào thế kỷ VIII – VII TCN, ở Ấn Độ xuất hiện cùng một lúc nhiều loại chữ cổ: Brami (từng được vua Asôka khắc trên bia đá); Kharosthi, loại chữ này có lẽ bắt nguồn từ một loại chữ cổ vùng Tây Á; chữ Sanxkrít (chữ Phạn) do người Ấn tạo ra trên cơ sở kế thừa các mẫu tự của hai chữ trên; chữ Pali được xây dựng trên cơ sở vay mượn từ Phạn ngữ (viết kinh Phật)
Trong 4 thứ chữ này, chữ Phạn là thứ chữ được bổ sung dần cả về ngữ pháp và kiểu chữ. Người có công trong việc hoàn chỉnh hệ thống ngữ pháp của chữ Phạn, tu chỉnh kiểu chữ của nó là Panini (thế kỷ V TCN), từ đó chữ Phạn được sử dụng phổ biến ở Ấn Độ cho đến thế kỷ X.
Người ta thường chia chữ Phạn thành ba loại: chữ Phạn cổ xưa hay chữ Phạn thời Vêđa, chữ Phạn sử thi và chữ Phạn cổ điển. Chữ Phạn cổ xưa được sử dụng trong các kinh Vêđa trong khoảng thiên niên kỷ II TCN. Đó là một ngôn ngữ dựa trên một phương ngữ ở vùng Tây Bắc Ấn Độ, còn mang nhiều nét sơ khai. Từ thế kỉ IV TCN, các nhà ngữ pháp Ấn Độ, đặc biệt là Panini là người có công hoàn chỉnh chữ Phạn cả về kiểu chữ và ngữ pháp, biến nó thành một ngôn ngữ có cấu trúc chặt chẽ, lôgic, trở thành chữ Phạn cổ điển được dùng phổ biến trong thơ ca, kịch và truyện. Đến khoảng thế kỉ II SCN, nhà ngữ pháp Patanjali đã hoàn chỉnh và phát triển chữ Phạn thêm một bước. Còn chữ Phạn sử thi thì đã được dùng chủ yếu trong các bộ sử thi Mahabharata và Ramayana, tuy xuất hiện sau chữ Phạn thời Vêđa nhưng lại cổ hơn, bình dân hơn và sinh động hơn chữ Phạn cổ điển. Sau đó, chữ Phạn trở thành chữ viết chính thức của Ấn Độ từ thế kỉ V TCN đến thế kỷ X sau công nguyên.
– Từ thế kỷ X trở đi dần dần xuất hiện nhiều loại chữ viết khác nhau. Mỗi khu vực, mỗi vùng có một thứ chữ viết riêng. Trong đó, chữ Hinđi được xây dựng trên cơ sở chữ Phạn là thứ chữ phổ biến ở Ấn Độ cho đến nay.
– Ngày nay ở Ấn Độ có 15 thứ tiếng chính được dùng phổ biến, chia làm 2 hệ thống:
+ ngữ hệ Aryan (khoảng gần 3/4 dân số Ấn Độ thuộc ngữ hệ này, gồm 11 thứ tiếng)
+ ngữ hệ Đraviđa (4 thứ tiếng)
Ngoài ra, đặc biệt ở Bắc Ấn dùng phổ biến tiếng Anh. Ấn Độ chưa có ngôn ngữ thống nhất toàn quốc. Cư dân nói ngữ hệ Aryan sống ở miền Bắc, cư dân nói ngữ hệ Đraviđa sống ở miền Nam. Các ngôn ngữ khác ngữ hệ thì hoàn toàn khác nhau, thậm chí cùng ngữ hệ cũng rất khác nhau. Vì thế, tính tách biệt giữa các cộng đồng ngôn ngữ rất lớn. Ấn Độ là quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ, đa văn hoá. Phạn ngữ, chữ Hinđi như một cơ sở để thống nhất cộng đồng văn hoá Ấn Độ.
2. Văn học
Câu hỏi thảo luận: Hai bộ sử thi Mahabharata và Ramayana ra đời như thế nào, có điểm gì nổi bật về kết cấu và nội dung? Giá trị về mặt văn học – nghệ thuật và lịch sử của hai bộ sử thi này như thế nào?
Nền văn học Ấn Độ rất phong phú, rất đặc sắc, giàu tính sáng tạo, thấm đậm tinh thần nhân văn, tinh thần Hinđu giáo.
Một số tác phẩm tiêu biểu:
a. Kinh Vêđa: là bộ kinh cầu nguyện nhưng đồng thời nó cũng là một tác phẩm văn học cổ xưa nhất của Ấn Độ.
– Vêđa bắt nguồn từ chữ “Vid” trong tiếng Phạn, nghĩa là “hiểu biết”, “tri thức”, “sự thông thái”, “uyên bác”. Vêđa là “kho tri thức”.
– Người Ấn Độ cho rằng kinh Vêđa do thần thánh ban cho họ, thực tế nó là sáng tác tập thể của người Ấn Độ trong một giai đoạn lịch sử rất lâu dài.
– Kinh Vêđa được sáng tác vào khoảng từ 1500 – 1000 năm TCN, lúc đầu được truyền miệng, sau mới được ghi chép lại.
– Cấu tạo: Vêđa có 4 tập là Rig Vêđa, Yajur Vêđa, Sama Vêđa, Atharva Vêđa.
+ Rig Vêđa: (ca tụng): bộ kinh tập hợp những bài thơ, bài ca, những mẩu chuyện ca ngợi thần linh.
Rig Vêđa (viết đầy đủ là Rig Vêđa Samhita, Sam: cùng nhau, hita: sắp xếp, sưu tập) là tri thức về các thánh ca, ca tụng thần linh dưới dạng thi ca, vì “rig” có nghĩa là “tán ca”, Vêđa có nghĩa là tri thức.
+ Yajur Vêđa (Yajur Vêđa Samhita) (tế tự), Yajus nghĩa là “thần chú”: bộ kinh tập hợp những lễ nghi và cách thức khấn vái thần thánh.
+ Sama Vêđa (Sama Vêđa Samhita) (hát có vần điệu, “saman” có nghĩa là “từ điệu”): là bộ kinh về các giai điệu, ca chầu cầu nguyện thần linh trong lễ hiến tế.
+ Atharva Vêđa (thần chú, phép ma thuật) là bộ kinh tập hợp những lời khấn vái cầu xin có tính chất phù chú ma thuật, tương truyền do đạo sĩ Atharva truyền lại.
Trong 4 bộ, Rig Vêđa gồm 1028 bài thơ là bộ ra đời sớm nhất và có giá trị văn học lớn nhất, ngày nay chỉ còn lại khoảng 10%.
Về mặt văn học, Rig Vêđa là một pho thần thoại đồ sộ và rất sinh động của người Aryan cổ xưa. Họ tôn thờ nhiều hiện tượng tự nhiên: thần Surya (thần Mặt Trời), thần Usha (thần Rạng Đông), thần Sôma (thần Mặt Trăng), thần Inđra (thần Sấm Sét), thần Anhi (thần Lửa), thần Mêru (thần Núi), thần tình yêu Kama, thần Diêm Vương Yama, thần khổng lồ Purusa, thần Manu, thần Brahma, Vishnu, Siva (nhưng ba thần này chưa có vai vế như sau này), thờ các á thần Ganđarva, Apsara (nghĩa là lượn trong nước).
Đánh giá về kinh Vêđa, Jawaharlal Neru đã viết: “Những bài Thánh ca Vêđa này đã được Rabindranath Tagore miêu tả là một di chúc nên thơ về phản ứng tập thể của một dân tộc trước những điều kỳ diệu về nỗi kinh hoàng của cuộc sống. Một dân tộc với sức sáng tạo mạnh mẽ và chất phác ở ngay buổi bình minh của nền văn minh đã có được ý thức lý giải cái bí ẩn vô tận ẩn tàng trong cuộc sống. Lòng tin đơn giản của họ đã quy định tính thần thánh cho mọi nhân tố và sức mạnh của thiên nhiên, nhưng đó là niềm tin dũng cảm và đầy sung sướng, trong đó ý thức về sự huyền bí chỉ tạo cho cuộc sống say mê, chứ không làm cho nó trở nên nặng nề với những trở ngại lòng tin của một giống người không phải chịu gánh nặng của việc nghiền ngẫm tri thức về tính nhiều vẻ mâu thuẫn nhau của thế giới quan tuy lúc khác được soi sáng nhờ kinh nghiệm trực giác”[4]
– Kế tiếp 4 tập Vêđa và có liên quan tới Vêđa còn có các tác phẩm Bramana (Phạn thư), Upanisát (sách nghĩa sâu)…nhưng giá trị văn học không đáng kể, chủ yếu là những bài cầu nguyện, thần chú, những nghi thức cúng bái…
* Kinh Upanisad: là một trong những bộ kinh quan trọng nhất của thánh kinh Vêđa. Upanisad được hiểu là “áo nghĩa thư”, nghĩa là sách có ý nghĩa thâm sâu uyên áo, là những kinh bình chú, chú giải có tính chất triết học – tôn giáo giải thích ý nghĩa triết lý sâu xa của Vêđa. Upanisad được coi là tác phẩm hoàn chỉnh của triết học Ấn Độ, trong đó nêu lên nguyên lý vũ trụ, tinh thần sáng tạo vũ trụ, đấng tối cao Brahman, về bản chất và ý nghĩa của đời sống tâm linh con người.
Sự xuất hiện của Upanisad đánh dấu bước chuyển từ thế giới quan thần thoại tôn giáo sang tư duy triết học. Trong khi các kinh Vêđa thiên về con đường thờ phụng, cầu xin sự phù hộ và ban phước lành của các đấng thần linh, thì kinh Upanisad muốn khai phá con đường trí tuệ để lý giải những vấn đề về bản thể vũ trụ và bản chất đời sống tâm linh của con người. Upanisad được giải nghĩa là “thị toạ”, “cận toạ” vì “upa” là gần, “ni” là cung kính trang nghiêm, “shad” là “ngồi”. Theo nghĩa đó, Upanisad là lý giáo mà ông thầy truyền cho các môn sinh thân tín khi họ cung kính ngồi dưới chân thầy.
– Thời gian xuất hiện: phần đông các học giả đều cho rằng từ thế kỷ VIII TCN đến thế kỷ VI công nguyên.
– Nội dung, mục đích căn bản của Upanisad là nhằm vạch ra nguyên lý tối cao tuyệt đối, bất diệt là bản thể của vũ trụ vạn vật, lý giải về thực chất bản tính con người và mối quan hệ giữa đời sống tinh thần con người với nguồn gốc bất diệt của vũ trụ, từ đó chỉ ra con đường, cách thức giải thoát con người ra khỏi sự ràng buộc của thế giới sự vật hiện tượng hữu hình, hữu hạn.
Trả lời cho câu hỏi “Cái gì là thực tại đầu tiên tối cao duy nhất, là căn nguyên của tất cả mà khi nhận thức được nó, người ta sẽ biết được tất cả vũ trụ”, và có thể giải thoát được linh hồn con người khỏi nỗi khổ cuộc đời?. Upanisad đã đưa ra lời giải đáp rằng, đó là “tinh thần vũ trụ tối cao” Brahman. Brahman cũng chính là átman (átman nghía là hơi thở, linh hồn). Brahman cũng chính là thực tại duy nhất, tuyệt đối, tối cao, vĩnh viễn, vô hình, vô danh, vô sắc, là bản chất của tất cả, xâm nhập và bao trùm tất cả, ở ngoài giới hạn của không gian và thời gian.
Kinh Upanisad viết “Đầu tiên, nguyên thuỷ chỉ có một thực tại duy nhất không hai. Một số cho rằng nguyên thuỷ, đầu tiên cái không tồn tại là duy nhất, chỉ duy nhất, không hai, và từ cái không tồn tại đó, tồn tại được sinh ra”. Đó chính là Brahman. Brahman có nghĩa là toàn tri toàn năng, là nguyên lý cấu tạo nên và chi phối vũ trụ, là nguyên nhân của hết thảy mọi sự sống. Nó là “cái do đó mọi vật sinh ra, cái nhờ đó mọi vật sinh trưởng, cái trong đó mọi vật nhập vào sau khi tiêu tan, cái đó chính là Brahman”.
“Brahman là nguồn sáng của mọi ánh sáng”, “Brahman là cái ở đằng trước, Brahman là cái ở đằng sau, Brahman là cái ở bên phải, Brahman là cái ở bên trái, Brahman ở chót vót trên cao và ở tận cùng đáy sâu. Brahman là cái vĩ đại nhất”. “Brahman không lớn, không nhỏ, không ngắn, không dài, không rực rỡ, không tối tăm, không mùi, không vị, không mắt, không tai, không tiếng nói, không hơi thở, không trong, không ngoài, không bị tiêu huỷ”. “Brahman là cái vô hình và không thể nắm bắt, không thể lấy gì tỷ nghĩ và không màu sắc, lại không mắt không tai, không chân nhưng hằng hữu như cái không có chỗ nào không thấu khắp cả và là cái không thể sờ đụng, cái không ở đâu không có nó…như tử cung sinh vạn vật”.
“Cái ấy, cái mà con người ta không thể dùng lời mà diễn tả được, nhưng nhờ đó mà có ngôn ngữ. Chính cái ấy là Brahman chứ không phải là Đấng mà con người thờ phụng ở cõi đời này. Cái ấy, cái mà con người ta không thể lấy phàm thức mà tưởng nghĩ được, nhưng nhờ đó mà có trí tuệ. Chính cái ấy là Brahman chứ không phải là Đấng mà con người thờ phụng ở cõi đời này.
Cái ấy, cái mà người ta không thể lấy mắt mà nhìn thấy được nhưng nhờ đó mà mắt thấy được tất cả. Chính cái ấy là Brahman chứ không phải là Đấng con người thờ phụng trên cõi đời này. Cái ấy, cái mà con người ta không thể lấy tai mà nghe được, nhưng nhờ nó mà tai nghe được mọi sự. Chính cái ấy là Brahman chứ không phải là Đấng con người thờ phụng trên cõi đời này. Cái ấy chẳng thở được bằng hơi thở nhưng nhờ đó mà đời sống biết hít thở sinh khí. Chính cái ấy là Brahman, chứ không phải là Đấng con người thờ phụng trên cõi đời này”.
Brahman xuất phát từ căn tự “brah”, có nghĩa là vươn lên, ý muốn nói tới một thực tại tuyệt đối tối cao vĩnh hằng và bất diệt.
“Tinh thần vũ trụ tối cao Brahman” biểu hiện trong con người và chúng sinh là linh hồn cá nhân bất diệt Átman. Cơ thể, nhục thể chỉ là nơi hiện thân của linh hồn bất tử. Nói một cách khác, linh hồn cá nhân bất diệt chỉ là một bộ phận của cái toàn bộ, tuyệt đối tối cao Brahman, như tia nắng của ánh mặt trời. Brahman là cái ngã vũ trụ đại đồng thì Átman là cái ngã cá nhân. Nhưng vì Átman chỉ là một bộ phận của Brahman trong sự vật, hiện tượng, cho nên về bản chất Brahman và Átman là một. Chúng chỉ khác nhau về hình thức thể hiện mà thôi. Brahman chỉ có một, còn Átman thì rất nhiều.
“Tinh thần vũ trụ tối cao” Brahman tựa như đại dương mênh mông, còn linh hồn cá nhân bất diệt hay tự thể Átman của con người và hết thảy chúng sinh tựa như những đợt sóng của biển cả. Những đợt sóng đó có hàng muôn triệu và mỗi con sóng tựa hồ như có một cá tính riêng của mình, nhưng thực chất đều là nước của đại dương mênh mông cả.
Do linh hồn bất tử được thể hiện trong thể xác con người nên người ta lầm tưởng rằng linh hồn cá biệt là cái khác với “linh hồn vũ trụ tối cao”, là cái của ta, do ta. Những tình cảm, ý chí, dục vọng, những hành động của thể xác nhằm thoả mãn mọi ham muốn của con người trong đời sống trần tục đã che lấp bản tính chân thật của mình, gây nên những hậu quả giam hãm, ràng buộc, linh hồn bất tử đầu thai vào hết thân xác này đến thân xác khác với các hình thức khác nhau, từ kiếp này sang kiếp khác gọi là luân hồi (samsara). Muốn giải thoát linh hồn bất tử khỏi vòng nghiệp báo luân hồi, đưa linh hồn cá biệt trở về đồng nhất với linh hồn tối cao, đưa cái “tiểu ngã” đồng nhất với cái “đại ngã”, con người phải toàn tâm toàn ý, dốc lòng tu luyện đạo đức và tu luyện trí tuệ, nhận ra chân bản tính của mình và thực tướng của vũ trụ vạn vật, đạt tới giác ngộ và giải thoát. Tu luyện đạo đức là hành động theo bổn phận tự nhiên, không tính toán vụ lợi, diệt mọi dục vọng, tu luyện trí tuệ là thiền định, suy tư chiêm nghiệm nội tâm.
b. Sử thi
Đồ sộ nhất là hai bộ sử thi Mahabharata và Ramayana, đều được truyền miệng, từ nửa đầu thiên kỷ I TCN, sau đó được chép lại bằng khẩu ngữ, đến các thế kỷ đầu công nguyên thì được dịch ra tiếng Sanxkrít.
– Mahabharata (Những chiến công vĩ đại của dòng họ Bharata) là bộ sử thi lớn nhất của người Ấn, cũng là bộ sử thi vĩ đại nhất của nhân loại còn lại đến ngày nay, phản ánh cuộc nội chiến giữa các vương quốc của người Aryan mới lập ra ở Ấn Độ vào nửa đầu thiên niên kỷ I TCN. Tuy nhiên, chủ đề chiến tranh chỉ chiếm khoảng 1/4 độ dài tác phẩm, 3/4 còn lại phản ánh mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, tư tưởng, tôn giáo Ấn Độ. Vì vậy, Mahabharata được coi là pho Bách khoa toàn thư về Ấn Độ. Người Ấn Độ thường tự hào cho rằng: “Cái gì không có trong Mahabharata thì cũng không có ở bất cứ nơi nào trên đất Ấn Độ”.
Theo các nhà nghiên cứu thì Mahabharata là một tác phẩm được ra đời do tập thể các tác giả dân gian Ấn Độ sáng tác và được bổ sung trong nhiều thế kỷ (từ thế kỷ V TCN đến thế kỷ V sau CN). Toàn bộ tác phẩm gồm 110.000 câu thơ đôi, chia làm 18 quyển, dài gấp 7 lần tổng số của cả hai bộ sử thi Iliát và Ôđixê của Hy Lạp cổ đại cộng lại.
Mahabharata có ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới, đặc biệt ở Đông Nam Á. Ở Inđônêxia, khoảng từ thế kỉ VII đến thế kỷ XIII, xuất hiện nhiều truyện được phóng tác từ cốt truyện Mahabharata như: “Trận đánh vĩ đại của con cháu Bharata” bằng tiếng Giava cổ, “Đám cưới của Acgiuna”. Ở Campuchia, vào thời kì Ăngko, nhiều cảnh trong Mahabharata được thể hiện bằng phù điêu trên mặt đền Ăngko và các đền đài khác.
Tóm tắt nội dung: như tên gọi của nó là “Những chiến công vĩ đại của dòng họ Bharata”, tác phẩm kể về cuộc chiến lịch sử giữa hai dòng họ Kôrava và Panđava, đều là dòng dõi Bharata. (Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cốt lõi lịch sử của Mahabharata là cuộc chiến tranh bộ tộc ở lưu vực sông Hằng trong khoảng giữa thiên niên kỷ II TCN, trong quá trình tạo dựng những nhà nước đầu tiên của người Aryan.
Họ Bharata có hai người con trai là Đritarastra bị mù từ bé và em là Panđu. Người anh có 100 người con trai được gọi chung là anh em Kôrava, người con cả là Đuriôđana. Trong khi đó, Panđu chỉ có 5 người con trai gọi chung là anh em Panđava. Năm anh em nhà Panđava đều là con cái các vị thần: Yuđisthiva (con thần Dharma), Arjuna (con Thần Inđra), Bhima (con Thần Vayu), Nakala và Sahađêva (hai người con sinh đôi của Thần Surya). Vua cha chỉ định cho Panđu trị vì đất nước. Thế rồi sau khi Panđu qua đời, ngôi báu lại được truyền cho vị vua mù Đritarastra.
Ghen tức trước tài nghệ của anh em Panđava, anh em Kôrava, đặc biệt là người anh cả Đuriôđana đã nhiều lần mưu giết hại những người anh em họ của mình như đánh thuốc độc, đốt nhà…Nhưng tất cả âm mưu của anh em nhà Kôrava đều thất bại. Anh em Panđava và bà mẹ Kunti đã theo một con đường hầm trốn vào rừng giả dạng là những ẩn sĩ. Một năm sau, tại hội kén chồng cho công chúa Đrôpađi ở xứ Pansala, Arjuna đã chiến thắng và nàng Đrôpađi xinh đẹp trở thành vợ chung của năm anh em Panđava.
Khi biết anh em Panđava còn sống và là đồng minh của Vương quốc Yađava hùng mạnh, ông vua mù cho mời họ về và chia cho họ nửa đất nước. Không hài lòng với việc chia đôi vương quốc, Đuriôđana thách Yuđisthiva đánh xúc xắc với người chú của mình là Sakuni – một kẻ chuyên cờ bạc bịp. Yuđisthiva đã bị thua phải lần lượt gán từ tài sản, vương quốc, anh em đến bản thân và ngay cả nàng Đrôpađi xinh đẹp. Trước sự phản đối của mọi người và sự can thiệp của ông vua mù, một thoả thuận đã được chấp nhận: năm anh em Panđava cùng vợ phải vào rừng sống 13 năm ẩn tích. Nếu để lộ tung tích họ sẽ phải bị đày tiếp thêm một thời hạn 13 năm nữa.
Hết thời hạn lưu đày, anh em Panđava đã nhiều lần thương thuyết với Kôrava để đòi lại nửa vương quốc của mình, nhưng Đuriôđana không chấp nhận. Không còn cách nào khác, anh em nhà Panđava phải chuẩn bị cho cuộc chiến. Do có nhiều bạn bè là các vua chúa, anh em Panđava đã tập hợp được một đạo quân đông đảo và hùng mạnh. Anh em Kôrava cũng ráo riết chuẩn bị cho cuộc chiến. Hầu như tất cả các vua chúa Ấn Độ đều đứng về bên này hoặc bên kia và họ cùng kéo quân tới cánh đồng Kurusêtra để giao chiến. Cuộc đại chiến vĩ đại kéo dài 18 ngày, cho tới khi tất cả các thủ lĩnh, trừ năm anh em Panđava và người bạn Krishna của họ là sống sót, còn tất cả đều thiệt mạng trên chiến trường. Sau cuộc chiến đẫm máu ở cánh đồng Kurusêtra, Yuđisthiva lên ngôi và cùng các em mình trị vì vương quốc. Sau nhiều năm cai trị đất nước trong hoà bình, Yuđisthiva nhường ngôi cho Parikshita, cháu của Arjuna. Năm anh em nhà Panđava cùng người vợ chung sau đó đi đến chân núi Himalaya, từ đó họ lên Thần Núi Mêru để nhập vào thế giới của các vị thần linh.
Sử thi Mahabharata không chỉ là tác phẩm văn học vĩ đại nhất của Ấn Độ và của nhân loại mà còn là một tác phẩm có giá trị như bộ Đại Bách khoa toàn thư về triết học, chính trị, đạo đức, đời sống, xã hội và văn hoá của đất nước Ấn Độ truyền thống. [5]
– Ramayana (kỳ tích của Hoàng tử Rama): bộ sử thi lớn thứ hai của Ấn Độ, sau Mahabharata (về dung lượng chỉ bằng 1/4 số trang của Mahabharata). Có truyền thuyết cho rằng, tác giả cả Ramayana là nhà hiền triết Valmiki sống vào khoảng thế kỷ VI – V TCN.
Nội dung ca ngợi chiến công của hoàng tử Rama trong việc tiêu diệt loài quỷ dữ Ravana để cứu vợ mình là nàng Sita, ca ngợi mối tình rất đẹp nhưng đầy trắc trở giữa Rama và Sita. Đồng thời tác phẩm cũng phản ánh quá trình chinh phục Ấn Độ của người Aryan. Tuy Ramayana có dung lượng ít hơn Mahabharata nhưng sự cuốn hút và sức ảnh hưởng của nó rất lớn lao, nó đã làm say mê biết bao thế hệ người Ấn Độ. Những nhân vật chủ yếu của bộ sử thi này là Rama và Sita đã trở thành những nhân vật kiểu mẫu mà người Ấn Độ mong muốn: một ông vua sáng suốt, một người phụ nữ xinh đẹp, chung thuỷ.
Ramayana có ảnh hưởng lớn cả ở Đông Nam Á, mỗi nước có một phiên bản Ramayana đã được bản địa hoá (Ramakiên ở Thái Lan, Ramayana ở Inđônêxia, kịch Rama ở Mianma, trường ca Riêm Kê ở Cămpuchia, trường ca Phạlắc Phạlam và Xỉnxay ở Lào, Ramayana của Chămpa, Dạ Thoa Vương của Việt Nam.
Tóm tắt nội dung:
Vua nước Kôsala là Đasaratha có 4 người con trai do 3 bà vợ sinh ra, những người con trai đó có tên là Rama, Bharata, Lacsmana và Satruyna. Cả 4 anh em cùng tới triều đình vua Janaka tham gia cuộc thi bắn cung kén chồng cho công chúa. Rama chiến thắng và giành được nàng Sita làm vợ. Rama cùng vợ là nàng Sita sống hạnh phúc trong hoàng cung của vua cha và được vua cha tuyên bố chọn làm Hoàng thái tử. Thế rồi, bà vợ hai Kailây sức nhớ tới lời hứa của chồng sẽ làm bất cứ điều gì bà muốn và buộc vua Đasaratha phải đày Rama vào rừng và đưa con trai của mình là Bharata lên làm Hoàng Thái tử. Vua Đasaratha và Bharata không muốn điều đó nhưng Rama tự nguyện đi lưu đày cùng vợ và em trai Lacsmana để Vua cha thực hiện được lời hứa của mình. Khi vua Đasaratha qua đời, Bharata lên ngôi nhưng chàng luôn coi mình chỉ là người trợ giúp cho Rama mà thôi. Trong khi đó, Rama, Sita và Lacsmana sống cuộc đời khổ hạnh trong khu rừng Đanđaca. Tại đây chàng đã giết nhiều quỷ dữ đến quấy phá cuộc sống của các nhà tu hành. Quỷ Ravana – vua xứ Lanka quyết định trả thù cho bầy tôi của mình đã bị Rama giết chết. Một hôm, khi Rama và Lacsmana đi săn, quỷ Ravana biến thành một nhà tu hành tới bắt Sita đem về Lanka. Hai anh em bổ đi tìm nàng Sita ở khắp nơi. Được sự giúp đỡ của chúa khỉ Sugriva và đặc biệt là viên tướng khỉ Hanuman, Rama đã biết được vợ mình bị ai bắt và hiện đang ở đâu. Đoàn quân khỉ khổng lồ giúp Rama bắc một chiếc cầu đá qua biển tới Lanka. Sau một trận chiến đẫm máu, Rama, Lacsmana cùng liên quân của mình đã chiến thắng Ravana và giải phóng được Sita.
Mặc dù trong suốt thời gian bị giam cầm, quỷ Ravana không cách nào mua chuộc hoặc đụng được đến nàng Sita, thế nhưng sau bao gian lao vất vả mới cứu được nàng Sita, Rama lại nghi ngờ lòng chung thuỷ của vợ. Để chứng minh cho sự trong trắng của mình, nàng Sita đã tự lên dàn hoả thiêu. Song Thần Lửa Agni không tiếp nhận nàng vì nàng vô tội. Sau thử thách đó, Rama mới yên tâm và cùng vợ trở về đô thành Agôđhia. Bharata trả lại ngôi báu cho anh mình và Rama lên ngôi vua trị vì đất nước.
Đoạn cuối kể tiếp về cuộc đời bất hạnh của nàng Sita sau khi trở về Agôđhia. Tuy đã chứng minh được sự trong trắng của mình, nàng Sita vẫn bị dân chúng nghi ngờ và ghét bỏ. Mặc dầu rất tin vợ, nhưng để được lòng dân, Rama buộc phải đuổi nàng Sita ra khỏi hoàng cung. Người vợ chung thuỷ đó tìm đến ở nhờ nhà một nhà đạo sĩ Vanmiki. Và tại đây, nàng sinh ra hai người con trai song sinh là Kusa và Lava. Năm tháng qua đi, trong một buổi tế ngựa, đạo sĩ Vanmiki đưa hai chàng thiếu niên tới trước mọi người đọc bản trường ca Ramayana do mình sáng tác. Rama nhận ra hai con trai của mình và cho người đi đón vợ về. Lúc này, tuy đã được minh oan, nhưng vì quá buồn phiền, nàng Sita kêu cầu mẹ mình là nữ Thần Đất đón nàng trở về lòng đất. Đất nứt ra và nàng Sita biến mất. Sau sự việc đó, Rama cũng trở về trời và hiện nguyên hình là thần Vishnu.[6]
c. Sơkuntơla (tác giả là Kaliđasa)
Kaliđasa là nhà thơ, nhà soạn kịch lớn nhất thời Gúpta (thế kỷ V). Vở kịch Sơkuntơla được coi là một kiệt tác của văn học Ấn Độ thời trung đại. Kaliđasa cũng được coi là một trong những nhà văn hoá lớn nhất của Ấn Độ, là niềm tự hào của văn học Ấn Độ.
Kaliđasa là nhà thơ vĩ đại nhất viết bằng tiếng Phạn của Ấn Độ. Song người ta lại biết quá ít về cuộc đời của con người vĩ đại này. Theo các truyền thuyết, ông vốn thuộc dòng dõi đẳng cấp Bàlamôn. Ông mồ côi cha mẹ và được một người chăn cừu nuôi. Lớn lên, ông ít được học và có phần hơi đần, nhưng lại rất đẹp trai. Một nàng công chúa mê Kaliđasa và xin vua cha cho lấy làm chồng. Vì yêu chồng, nàng công chúa cầu xin nữ thần Kali truyền cho chàng trí tuệ. Và thế là từ đó chàng trở nên thông minh và có tên là Kaliđasa (kẻ nô lệ của nữ thần Kali).
Tuy những tài liệu còn lại quá ít ỏi, nhưng các nhà nghiên cứu biết chắc là Kaliđasa sống và sáng tác vào giai đoạn trị vì của hai vị vua Sanđra Gupta II và Kumara Gúpta I (thế kỷ IV – V) – thời đại hoàng kim của văn hoá Ấn Độ cổ đại. Kaliđasa được coi là chiếc vương miện của làng thơ trong đội ngũ chín nhà văn hoá lớn hay thường gọi là chín viên ngọc quý của vua Sanđra Gúpta. Ông đã viết rất nhiều tác phẩm kịch và thơ, có những tác phẩm trở thành bất hủ như: ba vở kịch: “Malavika và Agnimita”, “Phần thưởng của lòng dũng cảm” và “Lại nhận ra được nàng Sakuntala” (gọi tắt là Sakuntala), các bài thơ: “Sự ra đời của Thần chiến tranh”, “Dòng dõi Ragu”, “Đám mây sứ giả”, “Thời gian của năm”. Các nhà nghiên cứu coi Kaliđasa là Shakespeare cảu Ấn Độ và xếp ông vào hàng ngũ các kịch gia vĩ đạo nhất của nhân loại. Vở kịch nổi tiếng nhất là Sakuntala.
Vở kịch mở đầu bằng cảnh đi săn của Vua Đusianta. Ngài đuổi theo con hươu và lạc đến am thất của ẩn sĩ Kanva. Lúc đó, vị ẩn sĩ không có nhà, vì thế đức Vua đã gặp và đem lòng yêu người con gái nuôi có sắc đẹp mê hồn của ẩn sĩ là nàng Sakuntala. Nhà vua và Sakuntala đã tỏ tình với nhau. Sau ít ngày chung sống trước khi về triều, nhà Vua tặng Sakuntala một chiếc nhẫn và hứa sẽ tìm lại nàng.
Vì vô ý phạm một thất thố với một vị đạo sĩ ghé qua nhà, nên Sakuntala đã bị ông ta trừng phạt bằng câu chú khiến nhà vua quên hẳn nàng. Lúc đã mang thai, Sakuntala lên kinh đô tìm gặp nhà Vua. Trên đường, nàng vô ý đánh rơi chiếc nhẫn xuống sông. Vì đã bị nguyền, nên khi gặp nhau, nhà Vua không nhận ra nàng và từ chối nàng. Thương Sakuntala, một tiên nữ đưa nàng về trời. Tại thiên giới nàng sinh hạ được một con trai và đặt tên cho con là Bharata (vị thuỷ tổ của các anh hùng trong sử thi Mahabharata). Một thời gian sau, một người đánh cá bắt được chiếc nhẫn của Sakuntala trong bụng một con cá và nộp lên cho nhà vua Đusianta. Nhìn thấy chiếc nhẫn, nhà Vua bỗng trở lại bình thường và nhớ lại tất cả. Lập tức, Ngài cho đi tìm Sakuntala nhưng không thấy. Thông cảm với vị Vua đau khổ, các thần đưa Ngài lên đỉnh núi Himalaya. Tại đây, nhà Vua đã gặp được con trai và lại được đoàn tụ cùng Sakuntala.
Đại thi hào Goeth đã ca tụng vở kịch này: “Hương thơm của mùa xuân, quả chín của mùa thu, tất cả những gì làm lòng người náo nức mê say và nuôi dưỡng con người và tất cả trời đất bao la đều đã thu tóm lại trong một tiếng duy nhất: Sakuntala”
Kaliđasa, một tài năng thi ca của đất nước Ấn Độ đã góp vào kho tàng của nhân loại những viên ngọc quý giá.
- Tôn giáo
Seminar:
Vấn đề 1:Quá trình ra đời và phát triển của đạo Bàlamôn – Hinđu. Giáo lý và đặc điểm cơ bản của tôn giáo này.
Vấn đề 2: Quá trình ra đời và phát triển của đạo Phật. Giáo lý, giáo luật của Phật giáo. Tìm hiểu ảnh hưởng của Phật giáo ở Đông Nam Á.
Ấn Độ là một đất nước của tôn giáo, là quê hương của hai trong số những tôn giáo lớn nhất thế giới như đạo Hinđu, đạo Phật, ngoài ra còn có các đạo Jain, đạo Xích. Từ mấy ngàn năm nay, tôn giáo vẫn giữ một vai trò lớn trong đời sống tâm linh của con người Ấn Độ.
a. Đạo Bà la môn – đạo Hinđu
* Đạo Bà la môn
– Thời gian xuất hiện: đạo Bàlamôn xuất hiện rất sớm ở Ấn Độ, có thể nói là sớm nhất, ngay từ đầu thiên niên kỷ I TCN, khi người Aryan đã làm chủ phần lớn bán đảo Ấn Độ và bắt đầu xây dựng những quốc gia đầu tiên. Đạo này hình thành trên cơ sở của đạo Vêđa. Đạo Bàlamôn là tôn giáo của xã hội có giai cấp và nhà nước đầu tiên do người Aryan lập ra ở Ấn Độ.
– Đạo Bàlamôn hình thành trên cơ sở hỗn hợp nhiều tín ngưỡng nguyên thuỷ, là một tôn giáo không có người sáng lập, không có tổ chức giáo hội chặt chẽ…Giáo lý căn bản của đạo Bàlamôn được trình bày trong bộ kinh Vêđa.
– Nội dung:
+ Đạo Bàlamôn là tôn giáo đa thần, trong đó tôn thờ thần Brahma là Đấng Tối cao, là đấng đã sáng tạo ra vũ trụ, vạn vật và loài người. Phò tá Brahma có thần Vishnu (thần Bảo vệ), thần Siva (thần phá hoại).
+ Đạo Bàlamôn tuyên truyền thuyết luân hồi và nghiệp báo. Đạo giải thích rằng linh hồn của mỗi người là một bộ phận của Brahma, mà Brahma thì tồn tại vĩnh hằng nên khi con người chết đi, linh hồn sẽ còn mãi và luân hồi trong nhiều kiếp sinh vật khác nhau. Cuộc sống con người ở kiếp sau phụ thuộc vào chính hành động, lời nói, suy nghĩ của họ ở kiếp trước. Nếu kiếp trước là người ngoan đạo, sùng kính các thần, thực hiện đúng các nguyên tắc của đạo Bàlamôn thì ở kiếp sau, thân phận sẽ được ở đẳng cấp cao hơn, ngược lại sẽ rơi xuống địa vị thấp kém hơn, thậm chí biến thành súc vật. Vì thế sống ở kiếp này, con người phải phấn đấu để được đầu thai ở kiếp sau tốt hơn. Giai cấp thống trị Ấn Độ đã lợi dụng điều này để ngăn chặn sự phản kháng của quần chúng nhân dân.
+ Đạo Bàlamôn cho rằng xã hội phân chia thành các đẳng cấp là do ý chí của thần thánh nên nó tồn tại vĩnh viễn. Do đó, đạo Bàlamôn trở thành công cụ bảo vệ chế độ đẳng cấp bất bình đẳng trong xã hội Ấn Độ.
Trước khi đạo Bàlamôn ra đời, chế độ đẳng cấp đã xuất hiện trong quá trình tan rã của chế độ công xã nguyên thủy của người Arya, toàn bộ cư dân chia thành 4 đẳng cấp:
Bàlamôn là đẳng cấp của những người làm nghề tôn giáo
Ksatơrya là đẳng cấp của các chiến binh
Vaisya là đẳng cấp của những người bình dân làm nghề chăn nuôi, làm ruộng, thủ công, buôn bán.
Suđra là đẳng cấp của những người cùng khổ, vốn là con cháu của các bộ lạc bại trận, không có tư liệu sản xuất.
Nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của chế độ đẳng cấp là do sự phân hoá giai cấp, sự phân công về nghề nghiệp, sự phân biệt về bộ tộc. Nhưng các tăng lữ Bàlamôn thì dùng uy lực của thần linh để giải thích hiện tượng xã hội ấy. Luật Manu chép: “Vì sự phồn vinh của cả thế giới, từ mồm, tay, đùi và bàn chân của mình, ngài (thần Brahma) đã tạo nên Braman, Ksatơrya, Vaisya và Suđra”
Trong 4 đẳng cấp ấy, đẳng cấp Bàlamôn có địa vị cao nhất. Luật Manu viết: “Do sinh ra từ bộ phận cao quý nhất của thân thể Brahma, do sinh ra sớm nhất, do hiểu biết Vêđa, Bàlamôn có quyền là chúa tể của tất cả các tạo vật ấy”
Ngoài Bàlamôn, chỉ có hai đẳng cấp Ksatơrya và Vaisya mới được trở thành tín đồ của đạo Bàlamôn và cả ba đẳng cấp trên được quan niệm là những người sinh hai lần, còn Suđra không được dự các buổi lễ tôn giáo và được quan niệm là những người sinh một lần.
+ Chú trọng tế lễ thần thánh rất xa xỉ. Mỗi cuộc tế lễ gọi là lễ hiến sinh, giết nhiều trâu bò, lễ lớn giết hàng trăm trâu bò. Lễ càng lớn thì càng được thần thánh phù hộ nhiều. Lúc đầu còn giết tù binh để tế lễ, về sau chỉ giết trâu bò.
– Đạo Bàlamôn đã đươc truyền bá rộng rãi ở Ấn Độ trong nhiều thế kỷ. Đến khoảng thế kỷ VI TCN, ở Ấn Độ xuất hiện một tôn giáo mới gọi là đạo Phật, đạo Bàlamôn bị suy thoái trong một thời gian dài.
– Sau này, đạo Bàlamôn cải biến tiếp thu một số tín điều của tôn giáo khác: bổ sung thêm một số kinh kệ, thần thánh, thay đổi một số lễ nghi, trở thành Ấn Độ giáo (Hinđu giáo)
* Hinđu giáo (Ấn Độ giáo)
Thế kỷ VII, đạo Phật suy sụp ở Ấn Độ, đạo Bàlamôn dần dần phục hưng, đến khoảng thế kỷ VIII, IX, đạo Bàlamôn đã bổ sung thêm nhiều yếu tố mới về đối tượng sùng bái, về kinh điển, về nghi thức tế lễ…từ đó, đạo Bàlamôn được gọi là đạo Hinđu (hay Ấn Độ giáo)
Đạo Hinđu theo nguyên nghĩa có nghĩa là “tôn giáo của người Ấn Độ”, khái niệm đó lần đầu tiên được nhà sử học Bácthơ đưa ra trong cuốn “Tôn giáo Ấn Độ”, xuất bản năm 1879 [7]. (Câu hỏi gợi mở cho SV: Tại sao lại gọi là Ấn Độ giáo?)
– Giáo lý đạo Hinđu về cơ bản không có gì khác so với giáo lý của đạo Bàlamôn. Những quan điểm cốt lõi về số phận của con người vẫn được giữ nguyên vẹn (luân hồi, nghiệp báo, giải thoát). Theo những quan niệm đó, số phận của con người ở kiếp này phụ thuộc vào chính hành động của con người ở kiếp trước. Con người có thể được giải thoát khi mà linh hồn của cá nhân người đó hoà nhập vào linh hồn của vũ trụ nhưng điều này rất khó xảy ra.
– Về thần linh: Hinđu giáo không chỉ tiếp nhận những vị thần linh của đạo Bàlamôn mà còn sáng tạo ra rất nhiều thần khác. Vì thế, Hinđu giáo là tôn giáo đa thần, trong đó có 3 thần được tôn thờ hơn cả: Brama, Visnu, Siva nhưng địa vị của Brama ngày càng mờ nhạt trong khi đó vai trò của Visnu và Siva ngày càng được đề cao, tạo thành những giáo phái riêng biệt. Đạo Hinđu chia thành hai phái là phái thờ thần Visnu và phái thờ thần Siva (trong thời kỳ này đạo Hinđu có điều kiện phát triển xuống miền Nam Ấn Độ, rồi từ đó lan rộng ra các vùng Đông Nam Á, đặc biệt là giáo phái Siva).
Mỗi buổi sáng, tín đồ phái Visnu dùng son vẽ lên trán, còn tín đồ phái Siva thì bôi lên lông mày một vạch ngang bằng than phân bò cái hoặc đeo ở tay, ở cổ cái linga. Tuy nhiên hai phái đó vẫn đoàn kết với nhau và có khi cùng cúng tế trong một ngôi đền.
– Kinh thánh của đạo Hinđu ngoài các tập Vêđa và Upanisad còn có Mahabharata, Bhagavad Gita, Ramayana và Purana.
– Về tục lệ, cũng như đạo Bàlamôn, đạo Hinđu cũng hết sức coi trọng sự phân chia đẳng cấp. Lúc này, chế độ đẳng cấp cũ Vácna đã chuyển biến sang Casta, xuất hiện nhiều đẳng cấp mới gọi là jati.
Hinđu giáo là tôn giáo chủ yếu ở Ấn Độ. Tôn giáo này còn truyền bá sang một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là Cămpuchia từ thời Ăngko trở về trước. Ngày nay, ở Ấn Độ có khoảng 84% tổng số cư dân theo đạo Hinđu. Ngoài Ấn Độ, đa số dân Nêpan và đảo Bali ở Inđônêxia, gần 20% dân số Bănglađét và Xri Lanca vẫn theo đạo Hinđu.
=> Một số điểm cần lưu ý:
– Đạo Hinđu là một tôn giáo trục của Ấn Độ, chiếm tới 83% dân số (theo số liệu thống kê năm 1971). Tuy nhiên mức độ lan toả sang các nước khác để trở thành tôn giáo thế giới lại không mạnh mẽ như đạo Phật hay đạo Islam.
– Đạo Hinđu không phải là một tôn giáo nguyên dạng thuần khiết mà là tổng hợp của những hệ thống tôn giáo – tín ngưỡng – triết học. Đó là một tôn giáo không có người sáng lập, không có giáo chủ, giáo điều và một tổ chức nhà thờ trung ương chặt chẽ. Mặt khác, đạo Hinđu ở một dạng thức uyển chuyển thường xuyên biến thái, tiếp thu và đồng hoá ảnh hưởng của những tôn giáo khác.
* Một số khái niệm cơ bản trong giáo lý của đạo Hinđu
– Átman – Brahman: là khái niệm gốc, cơ bản nhất của toàn bộ giáo lý đạo Hinđu.
Brahman là cái bản ngã của vũ trụ, cái tuyệt đối, dưới khía cạnh tôn giáo là yếu tố thần linh được bao chứa và thấm nhuần trong vạn vật. Còn Átman là cái bản ngã cá thể, cái đặc thù trong từng sự vật, con người, là một phần của Brahman, tồn tại một cách cụ thể và đồng nhất.
Các kinh sách Hindu đã đưa ra rất nhiều thí dụ và hình ảnh minh hoạ về cặp phạm trù cơ bản Átman, Brahman: hình ảnh một bầy ong có đến ngàn vạn con khác nhau, nhưng cùng tiết ra mật ngọt, hình ảnh trăm ngàn con sóng khác nhau nhưng cuối cùng đều đổ về biển cả. Kinh Upanisad kể lại sự đối đáp giữa hai thầy trò nói về một cây vả khổng lồ đã lớn lên từ một hạt vả nhỏ li ti. Đó chính là cách giải thích thô sơ và thần bí về tính thống nhất và đa dạng của vật chất.
– Dharma: đạo Hinđu cho rằng tất cả mọi sự sinh thành, biến hoá của vạn vật trong tự nhiên và xã hội đều bị chi phối bởi một nguyên lý, một trật tự, một quy luật khách quan ngoài ý muốn của con người. Trong thời kỳ Vêđa, đó là khái niệm rita (quy luật vận động) chủ yếu áp dụng trong thế giới tự nhiên, sau đó chuyển thành khái niệm dharma (đạo, pháp) mở rộng ra các lĩnh vực xã hội và tư tưởng. Đạo Hinđu kêu gọi con người ta trong cuộc sống phải hành động tuân theo dharma – tức là dựa trên bổn phận thiêng liêng không vụ lợi.
– Kácman và samsara (nghiệp báo, luân hồi). Nếu khái niệm Átman, Brahman làm nền tảng cho vũ trụ quan của đạo Hinđu thì học thuyết Kácman – samsara là nền tảng của nhân sinh quan đạo Hinđu và của một số tôn giáo khác như đạo Phật, đạo Jaina.
Theo học thuyết samsara, con người không thật sự chết đi mà chỉ chuyển hoá sang một kiếp sống khác, một sự tái sinh trong vòng luân hồi. Đời người là một chuỗi mắt xích dài vô tận mà mỗi kiếp sống hiện hữu chỉ là một mắt xích mà thôi.
Học thuyết Kácman (nghiệp báo) gắn liền với samsara. Theo đó bất cứ hành động nào của con người cũng đều được trả giá. Tất cả những niềm vui và nỗi khổ ở cõi đời này đều là kết quả của những hành động đã được thực hiện từ kiếp trước, cũng như bất kỳ mọi hành động nào được thực hiện ở kiếp này sẽ là những nguyên nhân của những niềm vui hoặc những nỗi khổ trong kiếp sau. Nghiệp báo là toàn năng, ngoài ý muốn của con người, theo đuổi con người như “con bê chạy theo để nhận ra mẹ nó trong hàng trăm ngàn con bò khác nhau”
– Moksa: Vậy thì con người liệu có thể tránh được luân hồi – nghiệp báo hay không? Đạo Hinđu chủ trương rằng, mặc dù điều đó rất khó tránh, nhưng mặt khác nếu con người biết dốc tâm gắng sức thì vẫn có thể đến được cõi giải thoát, nghĩa là cõi bất tử, bất tái sinh.
Tác phẩm Bhagavad Ghita đã chỉ ra 3 con đường để con người có thể đạt đến cõi giải thoát:
+ con đường hành động (Kácman mácga) khuyên con người ta phải hăng hái làm tròn bổn phận ở đời (con đường phổ biến cho đại đa số quần chúng nhân dân)
+ con đường trí thức (jna-na mác ga): dành riêng cho một số ít người biết cách tu hành khổ hạnh, giũ bỏ được mọi cám dỗ vật chất để chuyên tâm vào việc rèn luyện tinh thần.
+ con đường sùng tín (bhăk-ti mácga) mở rộng cho tất cả mọi hạng người khác nhau không phân biệt trình độ học thức, giàu nghèo hay sang hèn. Theo đạo Hinđu, đó là con đường trực tiếp nhất để con người vươn đến cõi tự siêu thoát.
– Bhăk-ti (sùng tín): tập trung nhất trong cuốn Bhagavad Ghita: hạt nhân của khái niệm là lòng sùng tín, tin yêu hết lòng của tín đồ đối với một vị thần mà mình lựa chọn.
Phát triển thành một phong trào tôn giáo cải cách tiến bộ thời trung đại, được sự ủng hộ của các nhà văn hoá lớn Ấn Độ như Ramanuja (XI), Kabia (XV), Tulsi-Das (XVI)…
Cũng như tinh thần chung của các phong trào tôn giáo cải cách khác, khuynh hướng bhăk-ti muốn từ chối một tôn giáo-tăng lữ, thay vào đó là một tôn giáo-trái tim. Về lễ thức, phong trào bhăk-ti chủ trương đơn giản hoá tối đa các hình thức cúng tế. Chỉ cần một chiếc lá, một nhành hoa, trái cây hay một chén nước trong, không cần đến các lễ hiến tế, đền đài hay một ngẫu tượng nào, nhưng với lòng thành kính tuyệt đối, tín đồ cũng sẽ được phù hộ.
b. Đạo Phật
Quê hương của đạo Phật là đất nước Ấn Độ cổ đại, ra đời ở một miền đất nhỏ ở vùng biên giới đông bắc Ấn Độ, từ trên 2600 năm nay, đạo Phật đã truyền bá khắp đất nước này và đi tới hầu hết các nước vùng Đông Á và Đông Nam Á, thu hút hàng trăm triệu tín đồ, trở thành một trong những tôn giáo lớn nhất của loài người.
Tuy nhiên như một nghịch lý, trong khi đạo Phật có những ảnh hưởng rất sau rộng ở bên ngoài Ấn Độ, thì tại quê hương của mình, vị trí của đạo Phật ngày càng thu hẹp trước sự mở rộng của đạo Hinđu. Theo thống kê hiện nay, 83% dân số Ấn Độ theo đạo Hinđu còn theo đạo Phật thì chưa đầy 1% dân số [8]
* Sự ra đời của đạo Phật
– Vào thế kỷ VI TCN, đạo Phật – một trong những tôn giáo lớn nhất của nhân loại, đã ra đời ở Ấn Độ. Người sáng lập ra tôn giáo này là Sitđạtta Gôtama, hiệu là Sakia Muni (Thích Ca Mâuni) – Sakia: tên thị tộc, bộ lạc Phật xuất hiện, Muni: Thánh → Sakia Muni: Thánh của tộc Sakia.
Đạo Phật ra đời ở Đông Bắc Ấn Độ, ở chân núi Himalaya, (nay là Nêpan).
– Đạo Phật ra đời trong hoàn cảnh đạo Bàlamôn và chế độ đẳng cấp Vácna đang thịnh hành, những mâu thuẫn trong lòng xã hội rất sâu sắc, đó là mâu thuẫn giữa quảng đại quần chúng nhân dân với hai đẳng cấp trên và mâu thuẫn giữa quý tộc Ksatơrya với Bàlamôn. Vì lúc này, đẳng cấp Ksatơrya đã nắm chính quyền, có thế lực về kinh tế, chính trị, nhưng địa vị xã hội vẫn thấp hơn Bàlamôn nên họ đấu tranh chống lại đẳng cấp Bàlamôn.
– Niên đại của đạo Phật có nhiều ý kiến, trong đó có 3 ý kiến cơ bản:
563 – 483 TCN
560 – 480 TCN
624 – 544 TCN
Theo truyền thuyết, đức Phật Thích Ca là người sáng lập ra đạo Phật, tuy nhiên giáo lý nhà Phật cho rằng Thích Ca không phải là đức Phật duy nhất. Theo tiếng Phạn, Buddha có nghĩa là “Đấng giác ngộ”. Phật Thích Ca chỉ là một trong những đấng giác ngộ đó, nhưng là một đức Phật chí tôn có thực trong lịch sử. Cuộc đời của Phật Thích Ca chủ yếu được biết đến qua một số kinh truyện và Phật thoại, trong đó, bên ngoài cái nhân lõi lịch sử có thực là một vầng hào quang của những truyền thuyết và huyền thoại.
Phật Thích Ca tên thật là Sitđatta Gôtama, sinh năm 563 TCN, là hoàng tử của bộ tộc Xakya (Thích Ca), có thủ đô là thành Kapilavatstu (ngày nay ở biên giới giáp Nêpan, đông bắc Ấn Độ). Mẹ Sítđatta là hoàng hậu Maya xinh đẹp, hiền dịu và thông minh. Sítđạtta thuộc dòng dõi đẳng cấp vũ sĩ Ksatơrya.
Truyền thuyết cho rằng đức Phật đã có tới 547 tiền kiếp trước khi đầu thai làm con vua xứ Sakya. Kiếp gần nhất của đức Phật là một con voi trắng 6 ngà. Vẫn theo truyền thuyết, hoàng hậu Maya nằm mơ thấy con voi trắng đó đi vào mạn sườn phải của mình, rồi có thai, sinh ra hoàng tử cũng từ mạn sườn đó.
Từ nhỏ, Sítđạtta đã có một trí tuệ thiên bẩm phi thường với một lòng thương cảm sâu xa đối với chúng sinh. Lần đầu ra đồng dự lễ cày tịch điền của vua, nhìn thấy trên luống cày lật đất có nhiều sâu bọ bị giết hại, vị hoàng tử thiếu niên đó đã ngồi thiền định dưới một gốc cây, suy tư về nỗi khổ của muôn loài.
Để Sítđatta có thể quên đi nỗi u sầu nhân thế, vua cha đã kén nàng công chúa kiều diễm Yasôđara làm vợ hoàng tử, cho hoàng tử sống trong những cung điện lộng lẫy xa hoa, luôn có tiệc tùng múa hát. Dù thế, cuộc đời nhung lụa đó cũng không cám dỗ nổi chàng trai trẻ ưu tư, Sítđạtta vẫn không nguôi nghĩ về những nỗi bất hạnh của con người.
Vào một đêm tối trời, Sítđatta quyết định từ biệt cha mẹ, vợ con, lặng lẽ rời kinh đô trong bộ áo tu hành giản dị, lúc đó ông vừa tròn 29 tuổi.
Gôtama đã miệt mài đi khắp các nẻo đường tìm nơi tu luyện. Ngài đã gặp những đạo sĩ Bàlamôn, cùng họ tu hành ép xác trong suốt 6 năm trời ròng rã, thân thể khô hép gầy mòn, nhưng vẫn không tìm được chân lý cứu nhân độ thế. Gôtama bèn từ bỏ lối sống khổ hạnh, trở lại sinh hoạt ăn uống bình thường.
Một buổi trưa, sau khi uống một bát sữa do một thiếu nữ chăn bò dâng lên, Gôtama xuống sông tắm rửa rồi đến ngồi thiền định dưới một gốc bồ đề, tự hứa lần này vẫn không tìm thấy đạo thì quyết không đứng dậy nữa.
Theo truyền thuyết, ngay đêm đầu tiên ma quỷ đã kéo đến, khi thì hiện thành lửa khói mây mù để doạ nạt, khi thì hoá ra những cô gái đẹp lẳng lơ quyến rũ. Những âm mưu đó đều vô hiệu. Gôtama đã chiến thắng mọi thử thách và cuối cùng vào tảng sáng đã tìm ra được chân lý “tứ diệu đế”, thấy được nguyên nhân sâu xa và phương cách diệt trừ nỗi khổ trần thế, trở thành đức Phật. Lúc đó ngài vừa 35 tuổi.
Phật Thích Ca còn ngồi thiền định 48 ngày nữa, giác ngộ mọi lẽ uyên thâm về đạo, rồi đến ngoại ô thành Vanarasi giảng bài thuyết pháp đầu tiên cho 5 người bạn cũ của mình tại khu vườn Lộc Dã. Năm người này đã trở thành những đồ đệ đầu tiên của Phật Thích Ca.
Từ đó, số người quy theo đức Phật Thích Ca ngày càng nhiều, cùng đức Phật đi khắp nơi truyền đạo, gọi là các Tì Kheo họp thành đoàn thể Tăng Già, chẳng bao lâu đã lên tới 60 người. Trong đó, một số vua chúa và trưởng giả đã tự bỏ tiền ra cúng hiến hoặc xây những tu việc cho đức Phật giảng đạo, nổi tiếng nhất là hai tu viện Trúc Lâm và Kỳ Viên.
Ít lâu sau, đức Phật về thăm kinh đô quê hương và đã giác ngộ cho cha mẹ, vợ con, anh em trong gia đình trở thành những người sùng đạo.
Liên tục trong 45 năm, mỗi năm chỉ trừ ba tháng mùa mưa, Phật Thích Ca đã không quản ngại đường xa vất vả đi giảng đạo khắp mọi nơi. Đến năm 80 tuổi, biết mình tuổi cao sức yếu, đức Phật đã triệu tập các Tì Kheo quanh vùng để nghe lời Phật dạy trước lúc qua đời. Sau khi ăn bữa cơm cuối cùng ở gia đình một người thợ rèn, giác ngộ cho một tín đồ cuối cùng là một cụ già 120 tuổi, Phật đã nằm dưới bóng hai hàng cây mà tịch diệt. Các tín đồ đã tin rằng Phật đã nhập tịch vào cõi Niết Bàn. Câu nói cuối cùng của đức Phật là “Hỡi các Tì Kheo, hãy hiểu rằng tất cả những gì đang tồn tại đây rồi sẽ qua đi. Vậy các người càng nên không ngừng dốc tâm gắng sức!”
Các đồ đệ đã làm lễ hoả táng thi hài đức Phật và phân phát tro tàn (xá lợi) cho 8 nơi; tại đó người ta đã dựng nên những bảo tháp để lưu trữ tro tàn của Phật. Bốn nơi có liên quan đến cuộc đời của Phật, sau này đã trở thành những địa điểm hành hương, nổi tiếng là khu vườn nơi Phật sinh, gốc bồ đề nơi Phật đắc đạo, vườn Lộc Dã nơi Phật thuyết pháp lần đầu và vườn cây nơi Phật tịch diệt.[9]
* Một số nội dung chính của học thuyết Phật giáo
Tương truyền Phật có một câu nổi tiếng: “trước kia và ngày nay ta chỉ nêu ra và lý giải các chân lý về nỗi đau khổ và sự giải thoát nỗi đau khổ. Cũng như nước đại dương chỉ có một vị mặn, học thuyết của ta chỉ có một vị là cứu vớt” → hạt nhân tư tưởng là đề cao lòng yêu thương của con người với đồng loại, chúng sinh, là sự thiết tha mong muốn giải thoát con người khỏi nỗi khổ đau.
– Nội dung căn bản của đạo Phật là Tứ diệu đế: 4 chân lý mầu nhiệm.
+ Khổ đế: chân lý về nỗi khổ: cho rằng cuộc đời con người đầy rẫy những khổ ải, cuộc đời là bể khổ, khổ đau gần như một yếu tố tuyệt đối gắn với con người.
Có 8 nỗi khổ lớn: sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, oán hận hội khổ, ngũ thủ uẩn khổ, sở cầu bất đắc, thụ biệt ly khổ.
+ Tập đế: nguồn gốc của các nỗi khổ: cho rằng do những ham muốn dục vọng của con người không kiềm chế được gây nên những nỗi khổ đó. Chừng nào ham muốn còn tồn tại, còn tiếp tục thì vòng luân hồi vẫn bám lấy con người.
+ Diệt đế: cách giải thoát con người khỏi nỗi khổ: phải từ bỏ ham muốn, từ bỏ dục vọng, tham vọng, sự giận dữ, từ bỏ sự mê muội (từ bỏ tham – sân – si)
+ Đạo đế: nói về các con đường đúng đắn để đi đến sự giải thoát: 8 con đường (bát chính đạo)
• đạo 1: chính kiến – hiểu biết: nhận biết đúng đán, hiểu sự vật như vốn đang có, hiểu đúng là “thấu suốt”, hiểu sự vật ở bản chất của nó.
• đạo 2: chính tư duy – nghĩ đúng, phải từ bỏ những ý muốn, ham muốn vị kỷ, ác ý, tàn bạo tham lam, phải luôn hướng ý nghĩ của mình, gắn ý nghĩ của mình với lòng thương yêu, không có thái độ bạo lực với sinh linh.
• đạo 3: chính ngữ – nói đúng: là không nói dối, không nói xấu, không vu khống, không nói lời thô bạo, không nói ba hoa, phải nói sự thật, phải dùng những từ ngữ thân thiện, dễ chịu, nói vào nơi thích hợp, không thì im lặng.
• đạo 4: chính nghiệp – hành động đúng: hành động phù hợp với chuẩn mực đạo đức, không được có hành động phá huỷ sự sống, không ăn cắp, không buôn bán bất lương, không quan hệ tình dục không chính đáng, phải giúp người khác sống một cuộc đời yên lành.
• đạo 5: chính mệnh – phương tiện kiếm sống đúng: không kiếm sống theo một nghề có hại cho người khác. Không bán vũ khí, rượu, phải sống bằng một nghề đáng trọng
• đạo 6: chính tịnh tiến – nỗ lực đúng: phải có ý chí, kiên quyết để ngăn cản sự xuất hiện của những trạng thái tinh thần xấu xa, nhơ bẩn, phải từ bỏ những trạng thái tệ hại đã có ở con người, xuất hiện những trạng thái tinh thần tốt và lành mạnh.
• đạo 7: chính niệm – chú tâm đúng: phải có một sự chú tâm tỉnh táo, phải có ý thức cẩn thận để kiểm soát được các hoạt động của thân thể cũng như những hoạt động của tinh thần.
• đạo 8: chính định – tập trung đúng: tập trung tâm và thần vào đạo lý một cách đúng đắn nhất để loại bỏ cả những ý nghĩ không lành mạnh, những ham muốn đam mê, những suy nghĩ có ý phiền muộn, loại bỏ cả những trạng thái tinh thần hạnh phúc hay đau buồn để giữ lại sự vắng lặng thanh thản của con người.
- 8 con đường này còn gọi là “lối đi”, “lối giữa” (trung đạo), giúp con người tránh được hai cực, một cực là theo đuổi hạnh phúc trong sự lệ thuộc vào các lạc thú giác quan, cực thứ hai là tìm kiếm giải thoát trong sự hành xác khổ ải.
- 8 con đường này phải được thực hiện đồng thời vì nó có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nó nhằm thực hiện 3 yếu tố là trí năng – hành vi đạo đức – kỷ luật tinh thần. Làm tốt 8 điều này con người sẽ từ bỏ được dục vọng, từ bỏ nguồn gốc gây ra nỗi khổ, có thể đạt tới sự giác ngộ, đạt tới cõi Niết Bàn (Nivarna) – xứ sở không có dục vọng.
Như vậy, đạo Phật đã xuất phát từ thế giới thực tại, từ cuộc sống thực của con người, một cuộc sống đầy rẫy đau khổ để chỉ ra rằng con người phải nội luyện bằng sự tu dưỡng rất nghiêm ngặt của mình để thoát ra khỏi thế giới thực, thoát khỏi hàng rào thời gian và không gian ràng buộc để đi tới một thế giới khác không có khổ đau, phiền muộn, không sinh, không diệt.
– Về thế giới quan: đạo Phật nêu ra thuyết “duyên khởi”: mọi sự vật hiện tượng đều do nhân duyên, có 12 nhân duyên, quan hệ theo kiểu quan hệ nhân – quả. Vật này có – vật kia có, cái này không – cái kia không, vật này sinh – vật kia sinh, cái này diệt – cái kia diệt.
Từ thuyết “duyên khởi”, đạo Phật nêu ra 3 quan điểm:
+ vô tạo giả: không có vị thần linh tối cao nào tạo ra vũ trụ (phủ nhận quan điểm của đạo Bàlamôn và các đạo khác về sáng thế)
+ vô ngã: không có linh hồn bất tử (khác với đạo Bàlamôn, chống lại đạo Bàlamôn)
+ vô thường: mọi sự vật hiện tượng luôn biến đổi và có thể mất đi trong chốc lát
Như vậy, đạo Phật chủ trương vô thần nhưng lại duy tâm chủ quan vì Phật lý giải nhân duyên do tâm – yếu tố tinh thần – mà ra.
– Về xã hội: đạo Phật không thừa nhận chế độ đẳng cấp: “không thể có đẳng cấp trong những dòng máu con người cùng đỏ như nhau, không thể có đẳng cấp trong những giọt nước mắt con người cùng mặn như nhau”. Đạo Phật ra đời là sự phủ nhận chế độ đẳng cấp.
* Đánh giá:
– Tích cực:
+ Đạo Phật chủ trương giải thoát con người khỏi mọi nỗi khổ đau, chủ trương thực hiện bình đẳng chúng sinh, không thừa nhận đẳng cấp, khuyên con người làm điều thiện, phản đối dùng bạo lực → chứa đựng tư tưởng nhân đạo, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, góp phần làm “loãng” đi rất nhiều những quan niệm khắt khe của đạo Bàlamôn.
+ Đạo Phật đã đưa ra được một lý thuyết giải thoát về tinh thần cho quần chúng bị áp bức, nhân dân tìm thấy ở đạo Phật một đức tin mới, một niềm hy vọng, một sự an ủi cho cuộc sống của họ.
+ Nghi lễ của đạo Phật đơn giản, không tốn kém, rườm rà, phù hợp với cuộc sống của quần chúng nhân dân
+ Trong lịch sử, đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của lịch sử Ấn Độ cổ đại
Về mặt chính trị: ảnh hưởng tích cực đến đường lối cai trị của một số ông vua đồng thời là tín đồ Phật giáo (ví dụ vua Asôka)
Về mặt văn hoá: ảnh hưởng đậm nét trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, ngôn ngữ, văn chương, giáo dục…
– Tiêu cực: Con đường giải thoát của Phật liệu có thể đưa quần chúng nhân dân thoát khỏi bể khổ trong thực tế hay không?, có làm thay đổi được tình hình xã hội hay không?
Về thực chất, những tư tưởng căn bản của Phật học đã mang tính chất nhị nguyên, vừa có tư tưởng duy vật vừa có tư tưởng duy tâm, nhập thế và yếm thế, chứa đựng cả sự kêu gọi giác ngộ, giải thoát về tư tưởng và sự cam chịu, an phận trong cuộc sống. Vì vậy, về sau các giai cấp thống trị đã khai thác đạo Phật ở những khía cạnh bi quan, bảo thủ và tiêu cực.
* Sự phát triển và truyền bá đạo Phật
– Ngay sau khi ra đời, Phật giáo đã được đông đảo quần chúng hưởng ứng, số tín đồ tăng nhanh, lôi kéo thị dân và một bộ phận quý tộc tham gia. Vua Ấn Độ đầu tiên theo Phật giáo là Bimbisara (vương quốc Magađa – thế kỷ VI TCN).
– Vào thế kỷ III TCN, dưới thời vua Asôka, Phật giáo trở thành quốc giáo ở Ấn Độ. Đại hội Phật giáo lần thứ ba (253 TCN) đã hoàn chỉnh kinh Phật.
– Sau khi đức Thích Ca qua đời, giáo lý đạo Phật dần dần được ghi chép lại thành kinh Phật qua bốn hội nghị kết tập Phật giáo.
+ Hội nghị kết tập lần I (sau khi Phật diệt độ): 500 đại biểu tăng ni đã họp lại trong 7 tháng để cùng nhau tụng đọc lại tất cả những lời dạy bảo của Phật lúc sinh thời, chia thành Kinh (giáo lý nhà Phật) và Luật (kỷ luật tu hành)
+ Hội nghị lần II, lần III sau định thêm bộ Luận (giải thích, phát triển giáo lý). Cả ba bộ Kinh, Luật, Luận được ghi lại bằng tiếng Phạn, gọi chung là Tam Tạng.
+ Hội nghị lần IV (cuối I đầu II sau công nguyên) được nhà vua Kaniska bảo trợ, người ta đã chỉnh lý lại một lần nữa tất cả các văn bản của kinh Tam Tạng gồm khoảng 300.000 bài và cho khắc vào những tầm bảng đồng trong 12 năm ròng, sau đó đem tàng trữ trong các bảo tháp.
– Vào những thế kỷ tiếp giáp công nguyên, Phật giáo được truyền bá mạnh mẽ sang bên ngoài Trung Quốc, Nhật Bản, đặc biệt là vào Đông Nam Á, vượt ra khỏi biên giới Ấn Độ trở thành một tôn giáo lớn của nhân loại. Đồng thời, trong nội bộ Phật giáo có sự phân hoá thành hai tông phái: Tiểu Thừa và Đại Thừa.
Giống nhau: đều thừa nhận vai trò của Phật Thích Ca, công nhận quan điểm cơ bản giáo lý của đức Phật, lấy Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) làm kim chỉ nam cho học thuyết của mình.
Khác nhau:
+ Tiểu Thừa (cỗ xe nhỏ) chủ trương tu luyện và giải thoát theo quy mô nhỏ, ở từng cá nhân
Đại Thừa (cỗ xe lớn) chủ trương một sự giải thoát đông đảo cho nhiều người trong quần chúng.
+ Đại Thừa có nhiều ảnh hưởng ở Đông Á, Đông Bắc Á. Tiểu Thừa có nhiều ảnh hưởng ở Nam Á, Đông Nam Á. Ở Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của hai phái: Tiểu Thừa ở phần đất phía Nam và Đại Thừa ở quốc gia Đại Việt.
– Trong những thế kỷ tiếp theo, phạm vi ảnh hưởng của Phật giáo ở Ấn Độ đã ngày càng bị thu hẹp trước sự phát triển của đạo Hinđu và sau đó là của đạo Hồi.
3. Nghệ thuật
GV nêu những nét chính về nghệ thuật kiến trúc của Ấn Độ:
– Ấn Độ được coi như một bảo tàng của kiến trúc tôn giáo, ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật kiến trúc tôn giáo Đông Nam Á.
– Kiến trúc Ấn Độ phong phú, đa dạng, vừa có tính bản địa (kiến trúc Phật giáo, Hinđu giáo) vừa chịu ảnh hưởng từ bên ngoài (Kiến trúc Hồi giáo – Ba Tư)
GV chọn giới thiệu một thành tựu đặc sắc của kiến trúc Ấn Độ
a. Kiến trúc Phật giáo: chủ yếu là cột đá, tháp mộ và chùa hang
– Cột đá: Nhà vua Asôka triều đại Môrya đã cho dựng nhiều cột đá nguyên phiến đứng riêng lẻ ở nhiều nơi, có trang trí và khắc chạm những lời huấn dụ của vị hoàng đế. Những cột đá đó vừa là những tượng đài kỷ niệm vừa là những vật biểu tượng uy quyền nhà vua. Trong số khoảng 30 cột đá còn lại, nổi tiếng nhất là chiếc cột ở Sác-nát.
Cột đá Sác-nát được dựng ngay ở vườn Lộc Dã, để ghi nhớ nơi xưa đức Phật Thích Ca đã thuyết pháp bài giảng đầu tiên của mình là bài Chuyển pháp luân, nói về Tứ diệu đế. Cột làm bằng một phiến đá sa thạch, nguyên khối, cao khoảng 15m, trong đó phần đỉnh cột cao 2,45m. Chung quanh cột có rào chắn. Thân cột tròn, nhẵn, lên cao hơi thon dần.
Phần đỉnh cột gồm ba bộ phận. Một trụ hình đoá hoa sen lộn ngược, đỡ một bệ đá tròn, chung quanh có khắc hình bốn bánh xe (tượng trưng cho pháp luân nhà Phật) xen kễ hình bốn con thú (bò rừng, ngựa, sư tử, voi). Trên cùng là tượng bốn con sư tử ngồi, dáng vẻ dũng mãnh và oai vệ, quay lưng vào nhau, há miệng, mắt nhìn ra bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Có thể coi đây là những bức phù điêu và tượng súc vật đẹp nhất trong lịch sử thế giới cổ đại. Sau này, hình bốn con sư tử trên đỉnh cột Sácnát được dùng làm biểu tượng cho quốc huy của nước cộng hoà Ấn Độ.
– Tháp mộ (stupa): là nơi bảo tồn các di vật của Phật. Điển hình nhất là tháp Xansi (Sanchi) ở Trung Ấn, xây từ thế kỷ III TCN. Tháp được xây bằng gạch, hình nửa quả cầu, cao hơn 16m, xung quanh có lan can có 4 cửa lớn. Lan can và cửa đều làm bằng đá, chạm trổ rất đẹp.
Cùng với cột đá, kể từ triều đại Môrya và những triều đại kế tiếp, người ta đã cho xây dựng ở Ấn Độ rất nhiều những tháp Phật, có kích thước và hình dáng khác nhau, người ta cho rằng lúc đầu các tháp này chính là một thứ một táng, chứa các di cốt sau khi hoả thiêu của đức Phật, các vị bồ tát, cao tăng và các vua chúa sùng đạo Phật. Tất nhiên, không phải mọi tháp Phật đều chứa đựng hài cốt, mà đôi khi chỉ chứa những di vật kỷ niệm như áo cà sa, đồ dùng, sách kinh…
Trong khu vực San-chi ngày nay vẫn còn ba tháp Phật, lần lượt được gọi là Stupa I, Stupa II và Stupa III, nổi tiếng và lâu đời nhất là Stupa I (còn gọi là Đại Stupa). Đó là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp nhuần nhuyễn với nghệ thuật điêu khắc ở trình độ cao.
Tháp Sanchi I được xây dựng từ thời vua Asôka triều Môrya, lúc đầu bằng gạch, sau đó được xây ốp đá thêm. Hiện nay tháp Sanchi I cao 15m, đường kính là 353m. Nó bao gồm ba bộ phận chính: một bán cầu tượng trưng cho “quả trứng vũ trụ”, trên có một vọng lâu và một hàng rào chung quanh.
Bán cầu là một khối đặc khổng lồ bằng gạch đá, hình nửa quả cam úp sấp. Chỏm hơi dẹt, dựa trên một nền và có một hành lang viền quanh. Trên chỏm, có xây một vọng lâu đáy hình vuông, được cho là để hài cốt Phật. Trên cùng nóc là một cột có gắn ba phiến đá lớn hình đĩa, tạo thành một chiếc dù nhiều tầng mà người ta cho là một biểu tượng tôn nghiêm hoặc cũng có thể chỉ là để che mưa nắng. Chung quanh bán cầu, có một hàng rào đá bao bọc gồm 120 thanh cột chống, mở ra bốn chiếc cổng ở bốn phía Nam, Bắc, Đông, Tây.
Trong toàn cảnh kỳ vĩ của chiếc tháp, người ta đặc biệt chú ý đến bốn chiếc cổng. Nó bao gồm hai cột đá đứng thẳng, đỡ ba xà ngang hơi cong bắc ngang mà người ta cho là biểu tượng của tam thế (quá khứ, hiện tại, tương lai) trong đạo Phật. Các thanh và cột của chiếc cổng đó đã được chạm trổ rất tinh vi, là những tuyệt phẩm của nghệ thuật điêu khắc trên đá. Trên bức phù điêu đó, người ta thấy chi chít những hình ảnh có liên quan đến đạo Phật và tín ngưỡng dân gian: các bánh xe pháp luân, cây bồ đề, muông thú như chim thần ga-ru-đa, rắn thần na-ga, chim trĩ, voi, khỉ, sư tử.
Đặc biệt ở cổng phía tây, có gắn những tượng nhỏ các thần linh trấn giữ bụng phệ, hình ảnh rất sinh động, và ở cổng phía đông có gắn các tượng đắp nổi của những tiên nữ, toát lên vẻ đẹp trong sáng và say đắm (hình ảnh phụ nữ khoả thân, mình thon, ngực và hông nở, dáng đứng uyển chuyển như muốn bay lên).
– Chùa hang: tiêu biểu là công trình chùa hang Ajanta được kiến tạo từ thế kỷ II TCN đến thế kỷ VIII sau công nguyên, chùa được khoét sâu vào vách núi đá, có nhiều cột chống và được trang trí bằng nhiều bức chạm trổ tinh vi và những tranh bích hoạ rất đẹp.
Chùa hang Ajanta gồm tất cả 29 gian dùng để làm nơi thờ Phật, nơi giảng kinh và nơi ở của các nhà sư.
Ngay từ những thế kỷ trước công nguyên, ở Ấn Độ, đã xuất hiện một loại hình đền chùa – hang động đặc biệt. Các đền chùa này được khoét sâu vào lòng núi hoặc vách đá với một sự kiên nhẫn và tài nghệ kiến trúc – điêu khắc trên đá đáng ngạc nhiên. Loại đền chùa này được duy trì và phát triển qua nhiều thế kỷ đầu công nguyên, kéo dài đến tận khoảng thế kỷ thứ IX – X mới chấm dứt. Ban đầu các đền chùa này chủ yếu là những kiến trúc Phật giáo, về sau có cả những đền chùa – hang động của đạo Hinđu và đạo Jaina.
Có hai loại đền chùa – hang động chính ở Ấn Độ. Một số ít là điện thờ gồm một căn phòng hình chữ nhật, phía sau uốn cong hình chữ U, có một cổng vòm hình móng ngựa thông ra bên ngoài. Số lớn còn lại là những tịnh xá hay tu viện. Ở Ấn Độ cổ đại, các nhà sư gọi là “tì kheo” hầu như quanh năm đi giảng đạo và khất thực, chỉ đến mùa mưa mới trở về cùng nhau đàm đạo trong các tịnh xá này. Tịnh xá gồm một phòng hình vuông dùng để hội họp, ba mặt của phòng này thông vào các buồng nhỏ làm nơi ở của các nhà sư, mặt trước giáp với một hành lang lớn.
Phức hợp chùa hang Ajanta ở bang Maharastra miền Trung Ấn là một di tích Phật giáo nổi tiếng toàn thế giới. Người ta cho rằng các chùa hang này có cái đã được xây dựng từ thế kỷ II TCN, và sau đó còn được tiếp tục xây dựng cho đến tận khoảng thế kỷ IX. Sau đó, khi Phật giáo suy vong, những chùa hang này không được ai lui tới và bị lãng quên gần mười thế kỷ trong rừng núi hoang vu. Đến tận năm 1819, một đoàn người vào rừng đi săn, mới vô tình phát hiện ra những hang động này, từ đó chùa hang Ajanta lừng danh khắp thế giới.
Người ta đánh số các hang động ở Ajanta theo thứ tự, trong đó các hang động số 9, 10, 19, 26 và 29 là những điện thờ, còn lại là các tịnh xá. Các hang động đẹp là các hang số 1, 2, 19, 26. Hang động số 6 là một tịnh xá có hai tầng. Trong các hang động có nhiều cột đá, dáng thấp và to, được chạm khắc phong phú.
Các tượng và phù điêu mang tính chất Phật giáo có khá nhiều ở Ajanta. Người ta thấy ở đây có các hình tượng Phật, Bồ tát và các thú vật minh hoạ cho các Phật thoại. Tuy nhiên, điều hấp dẫn nhất là những bức bích hoạ màu tuyệt diệu trên các vách đá và trần nhà. Những bích hoạ này đã đạt đến một trình độ nghệ thuật điêu luyện hiếm có.
b. Kiến trúc Hinđu giáo
+ đền Kailasa thờ thần Siva
+ khu đền Khajurahô
c. Kiến trúc Islam giáo: thời Xuntan Đêli và thời Môgôn, đạo Islam trở thành quốc giáo nên xuất hiện nhiều công trình kiến trúc mang phong cách Trung Á, Tây Á: nhà thờ Islam giáo, cung điện, lăng mộ. Đặc điểm chung của loại kiến trúc Islam giáo là mái tròn, cửa vòm, có tháp nhọn.
Tiêu biểu nhất là lăng Taj Mahal được xây dựng vào thế kỷ XVII – một kỳ quan trắng của thế giới Islam giáo.
Taj-Mahal là một công trình kiến trúc vĩ đại của nhân loại, do nhà vua Sát Ja-han cho xây dựng. Lăng được xây dựng năm 1632 do 24.000 thợ lao động trong suốt 22 năm ròng rã, tiêu tốn một số tiền khổng lồ là 40 triệu rupi. Nhà vua đã trưng tập nhiều thợ giỏi và các nhà kiến trúc có tài ở Ấn Độ, Ba Tư, Ả Rậpvà cả Italia để thiết kế và xây dựng lâu đài – lăng tẩm này.
Khu lăng được xây dựng trên một khu đất hình chữ nhật rộng, có các chiều là 580m và 304m, xung quanh là một cảnh quan xinh đẹp, hài hoà. Kiến trúc chính của khu lăng là một toà lâu đài đáy hình bát giác, xây bằng đá cẩm thạch trắng và sa thạch đỏ trên một nền rất cao. Sừng sững in trên nền trời xanh là một vòm tròn cẩm thạch trắng cao 75m, dáng đồ sộ uy nhi, chung quanh còn có 4 vòm tròn nhỏ hơn tô điểm cho vòm tròn lớn. Ở bốn góc lại có 4 tháp nhọn, cao tới 40m, tựa những cây bút chọc trời.
Trong lăng, có rất nhiều riềm chạm khắc bằng 12 thứ đá quý, trang trí theo phong cách Ấn Độ truyền thống.
Taj-Mahal là một trong những kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc nhân loại, là sự kết tinh của lao động, là tài năng và trí tưởng tượng bay bổng của con người, là sự phối hợp của những đường nét nghệ thuật trong sáng, hài hoà và táo bạo. Người ta đã gắn cho lăng này những mỹ từ như “viên ngọc trân châu của những đền đài Ấn Độ” hoặc “giấc mơ tiên hiện thành đá trắng” [10]
+ tháp Cutb Mina xây dựng đầu thế kỷ XIII, cao 73m, bằng đá.
Điêu khắc: nhiều tượng thần đạo Hinđu như tượng thần Visnu, thần Siva, tạc tượng Phật…
→ Tóm lại, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của Ấn Độ chủ yếu phản ánh nội dung tôn giáo, phục vụ đời sống tâm linh của nhân dân Ấn Độ. Tuy nhiên, nó cũng phản ánh phần nào cuộc sống trần thế, tính hiện thực, thể hiện sự phong phú trong đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Ấn Độ.
- Khoa học tự nhiên
a. Thiên văn học
– Người Ấn Độ đã biết chia một năm làm 12 tháng từ rất sớm, mỗi tháng 30 ngày, mỗi ngày 30 giờ, 5 năm thì thêm một tháng nhuận.
– Các nhà thiên văn học Ấn Độ cổ đại đã biết được quả đất và mặt trăng đều hình cầu, biết được quỹ đạo của mặt trăng và tính được các kỳ trăng tròn, trăng khuyết, phân biệt được 5 hành tinh Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ.
b. Toán học:
– Sáng tạo ra hệ 10 chữ số ngày nay được dùng rộng rãi trên thế giới (do người Ả Rậphọc của người Ấn Độ rồi truyền sang châu Âu nên người ta thường tưởng lầm là chữ số Ả rập).
Về phát minh này, nhà toán học người Pháp Laplace đã nói : “Người Ấn Độ dạy cho chúng ta cái phép tính toán tài tình ấy, chỉ dùng có mười dấu hiệu mà biểu hiện được mọi số lượng. Mỗi một chữ số nói lên một trị số nhất định ở một vị trí nhất định. Đó là một phát minh thần diệu cực kì quan trọng. Chẳng qua ngày nay vì chúng ta dùng nó mãi quen đi, trông nó đơn giản quá rồi không thấy cái chân giá trị nó nữa. Nhưng chính vì cái tính chất rất đơn giản đó của các chữ số mà môn toán học ngày nay có thể xếp vào hàng đầu trong các phát minh có lợi nhất cho loài người…Thành tựu vẻ vang đó của người Ấn Độ thời cổ đáng được mọi người khâm phục và biết ơn” [11]
– Tính được số π = 3,1416, phát minh ra đại số học.
– Hình học: biết tính diện tích hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác và hình đa giác, biết được quan hệ giữa các cạnh của tam giác vuông.
c. Vật lý học:
– Các nhà khoa học kiêm triết học Ấn Độ đã nêu ra thuyết nguyên tử, cho rằng vạn vật do các nguyên tử tạo nên. Người Ấn Độ cổ đại cũng đã biết được sức hút của quả đất
d. Y dược học
Ấn Độ cổ đại có những thành tựu rất lớn và sớm hơn nhiều so với các nước khác. Từ thế kỷ VI, V TCN, người Ấn Độ đã biết cách chắp xương sọ, cắt màng mắt, mổ bụng lấy thai, lấy sỏi thận…Người Ấn Độ biết chế thuốc tê cho bệnh nhân uống để giảm đau khi mổ.
Những thầy thuốc nổi tiếng trong thời cổ đại là Xusruta, Saraca.
Xusruta sống vào thế kỷ V TCN, viết quyển sách bằng tiếng Sanscrít về phương pháp khám bệnh và chữa bệnh, trong đó mô tả rất kỷ về các môn giải phẫu, sản khoa, cách nuôi trẻ…
Saraca sống vào thế kỷ II, viết tác phẩm Samhita, được dịch ra tiếng Ả rập, sau đó dịch ra nhiều thứ tiếng khác trên thế giới, đến nay vẫn còn giá trị tham khảo.