Y tá – điều dưỡng luôn là ngành được nhiều bạn trẻ quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà cả nước ngoài vì cơ hội việc làm đảm bảo, thu nhập ổn định và ý nghĩa nhân văn cốt lõi của nghề. Bài viết đem đến kiến thức tổng quan về ngành y tá – điều dưỡng và cơ hội công việc khi đi du học, cùng Hotcourses Vietnam tìm hiểu nhé!
Điều dưỡng và y tá khác nhau như thế nào?
Tuy cùng thuộc ngành nghề và lĩnh vực hoạt động, điều dưỡng viên và y tá lại mang vai trò và trách nhiệm khác nhau. Ở Việt Nam, bạn có thể thấy sự khác biệt giữa hai chức vụ này như sau:
-
Y tá là người thực hiện công việc trước khi có sự xuất hiện của điều dưỡng. Cụ thể, họ sẽ là người chịu trách nhiệm chăm sóc người bệnh, thực hiện công việc theo y lệnh của bác sĩ. Y tá chỉ cần trải qua khóa đào tạo sơ cấp hoặc trung cấp là có khả năng được cấp chứng chỉ hành nghề.
-
Điều dưỡng viên là người thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ, theo dõi, kiểm tra, kê đơn thuốc, đồng thời phục vụ cho quá trình chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh cho đến giai đoạn hồi phục. Để trở thành điều dưỡng, sinh viên cần tốt nghiệp chương trình đào tạo điều dưỡng và có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Tại môi trường nước ngoài, hai chức danh này có thể dễ gây nhầm lẫn do tên gọi giống nhau (Nurse). Ngành y tá – điều dưỡng trong hệ thống giáo dục quốc tế cũng được phân theo cấp bậc, bạn cần phải nắm rõ khi tìm hiểu chọn du học ngành này để từ đó ra quyết định chọn trường và khóa học phù hợp với định hướng của bản thân.
Học ngành y tá – điều dưỡng ở đâu?
Ở Việt Nam có nhiều trường đại học uy tín đào tạo ngành y tá – điều dưỡng như Đại học Y Dược hay Đại học Y Phạm Ngọc Thạch. Nhưng nếu bạn có mong muốn du học ngành này thì có thể tham khảo một số trường đại học uy tín do Hotcourses Vietnam gợi ý bên dưới.
Úc:
-
Victoria University
-
Queensland University of Technology (QUT)
-
Torrens University Australia
-
La Trobe University
Anh:
-
University of Brighton
-
University College Birmingham
-
University of Plymouth
Canada:
-
MacEwan University
-
University of Northern British Columbia
-
St. Clair College
Mỹ:
-
University of Wisconsin-Milwaukee
-
MiraCosta College
-
Pace University
New Zealand
-
Victoria University of Wellington
-
Manukau Institute of Technology
-
Auckland University of Technology
Nếu bạn có mong muốn tìm hiểu sâu hơn về ngành y tá – điều dưỡng, các chuyên gia du học IDP giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Các chuyên ngành khi đi du học y tá – điều dưỡng:
-
Chăm sóc người lớn tuổi (Aged Care)
-
Sức khỏe trẻ em và gia đình (Child and Family Health)
-
Y tế cộng đồng (Community Health)
-
Chăm sóc quan trọng và cấp cứu (Critical Care and Emergency)
-
Khuyết tật phát triển (Development Disability)
-
Khuyết tật và phục hồi chức năng (Disability and Rehabilitation)
-
Y khoa (Medical)
-
Sức khỏe tâm thần (Mental Health)
-
Phẫu thuật (Surgical)
Với chương trình học Thạc sĩ ngành Y tá, các y tá được lựa chọn học chuyên sâu với kinh nghiệm làm việc lâm sàng trong nhiều lĩnh vực như:
-
Y tá X Quang (Radiology Nurse)
-
Y tá phòng thí nghiệm (Laboratory Nurse)
-
Y tá phòng mổ (Operating Room Nurse)
-
Y tá phòng cấp cứu (Emergency Room Nurse)
-
Y tá sức khỏe cộng đồng (Community Health Nurse)
-
Giảng viên Y tá (Nurse Educator)
-
Giám đốc Điều hành Điều dưỡng (Executive Director of Nursing
-
Quản lý Y tá (Nurse Unit Manager)
-
Giám đốc điều dưỡng (Nursing Director)
Những cấp bậc trong ngành y tá – điều dưỡng ở nước ngoài bạn cần biết
Trợ lý điều dưỡng (Certified Nurse Assistant)
Trợ lý điều dưỡng (CNA) không thực sự là y tá bởi họ có vai trò trợ lực cho y tá chính và cũng là một xuất phát điểm cho một y tá thực thụ. Trợ lý điều dưỡng đảm nhận những công việc khá đơn giản và được giám sát bởi các y tá chính quy như tắm cho bệnh nhân, giúp họ mặc quần áo, ăn uống, sử dụng phòng tắm và thực hiện các hoạt động di chuyển hàng ngày khác. Họ còn là những người chăm sóc chính trong các viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc nội trú. Phần lớn các nước phương Tây rất hiếm khi có người nhà trực tiếp chăm bệnh mà được giao cho bệnh viện, phòng khám. Vậy nên việc chăm lo cho sinh hoạt của bệnh nhân được phân chia cho đội ngũ y tế và cụ thể là trợ lý điều dưỡng.
Để trở thành trợ lý điều dưỡng, bạn phải hoàn thành một chương trình giáo dục được chính phủ phê duyệt. Tùy vào nơi học tập mà các trường đào tạo trợ lý điều dưỡng sẽ yêu cầu học sinh đi thực tập một khoảng thời gian nhất định để có kinh nghiệm làm việc thực tế tại các bệnh viện/ trạm xá. Sau khi hoàn thành chương trình, bước cuối là vượt qua một kỳ thi để đạt được chứng chỉ trợ lý điều dưỡng và được phép hành nghề.
Y tá chính quy (Registered Nurse)
Y tá chính quy đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong việc chăm sóc bệnh nhân. Họ chịu trách nhiệm ghi lại bệnh sử của bệnh nhân, theo dõi các triệu chứng và thiết bị y tế, quản lý thuốc, thiết lập hoặc đóng góp vào kế hoạch chăm sóc, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán và cộng tác theo y lệnh của bác sĩ.
Một số y tá chính quy còn có trách nhiệm giám sát các trợ lý y tá – điều dưỡng và các nhân viên chăm sóc sức khỏe khác. Chức danh và nhiệm vụ công việc cụ thể sẽ khác nhau tùy thuộc vào nơi làm việc và nhóm bệnh nhân bạn chăm sóc. Trong nhiều trường hợp, y tá chính quy giới hạn công việc của họ trong các khoa chăm sóc đặc biệt, chẳng hạn như khoa cấp cứu, khoa thần kinh, khoa sản, khoa sức khỏe tâm thần, khoa tim mạch và khoa phẫu thuật. Ngoài ra, y tá chính quy còn có thể được chỉ định tham gia các hoạt động thúc đẩy sức khỏe cộng đồng, các cuộc kiểm tra sức khỏe hoặc truyền máu, trở thành cán bộ y tế trong trường học.
Tốt nghiệp một trong hai văn bằng này, bạn đã có thể trở thành y tá chính quy:
-
Cao đẳng về điều dưỡng (Associate Degree in Nursing)
-
Cử nhân Khoa học về Điều dưỡng (Bachelor of Science in Nursing)
Việc lựa chọn bằng cấp đào tạo là quan trọng và cần cân nhắc kỹ để có thể theo đuổi chương trình giáo dục bạn mong muốn. Một số cơ sở giáo dục, đặc biệt là bệnh viện thường ưu tiên y tá chính quy đã có bằng Cử nhân. Nhiều trường hợp y tá có bằng Cao đẳng chọn quay lại trường học để lấy bằng Cử nhân thông qua chương trình trực tuyến RN-to-BSN.
Điểm giống nhau giữa hai bằng cấp này là bạn đều phải trải qua các kỳ thi sát hạch chuyên môn quốc gia nếu bạn muốn bắt đầu làm việc với tư cách là một y tá chính quy.
Y tá chính quy tay nghề cao (Advanced Practice Registered Nurse)
Y tá chính quy tay nghề cao (APRN) có khả năng làm việc độc lập cũng như cộng tác với các bác sĩ. Họ có thể thực hiện tất cả các nhiệm vụ của một y tá chính quy cũng như các nhiệm vụ rộng hơn như đánh giá kết quả xét nghiệm. Họ là người truyền tải thông tin giữa bệnh nhân và bác sĩ chuyên khoa, báo cáo chẩn đoán và điều trị bệnh. Bên cạnh đó, một số con đường nghề nghiệp đáng chú ý khác mà y tá cấp cao có thể theo đuổi ngoài các vai trò này như trở thành giảng viên ngành y tá và giúp đào tạo thế hệ y tá tiếp theo, hay có thể thăng tiến vào các vị trí lãnh đạo, như trở thành giám đốc điều dưỡng của một cơ sở y tế.
Để thăng tiến trong sự nghiệp, y tá thường chọn học lấy bằng Thạc sĩ Khoa học về Điều dưỡng (Master of Science in Nursing – MSN). Các chương trình MSN yêu cầu các ứng viên trước tiên là một y tá chính quy, với phần lớn ưu tiên dành cho bằng Cử nhân y tá (BSN) hơn là bằng Cao đẳng (ADN).
Khi được chấp nhận vào một chương trình MSN được công nhận, ngoài thời gian học lý thuyết bạn cần có kinh nghiệm lâm sàng và có những yêu cầu khác về chứng nhận để hoàn thành chương trình học.
Bước sau cùng là bạn có thể sẽ cần phải vượt qua kỳ thi chứng chỉ quốc gia trong lĩnh vực chuyên môn của bạn. Yêu cầu này khác nhau tùy theo đất nước/ tiểu bang bạn theo học nên hãy kiểm tra với trường để biết thông tin cụ thể trong khu vực của bạn. Một số chứng chỉ hành nghề nâng cao cũng sẽ cần được gia hạn sau một số năm nhất định để còn hiệu lực.
Có nên học ngành điều dưỡng – y tá không?
Nếu bạn thấy mình có thể rèn luyện để đạt được những kỹ năng cần thiết dưới đây thì hoàn toàn nên theo học ngành điều dưỡng.
Biết tiếng thôi chưa đủ, phải thật thành thạo ngoại ngữ tại quốc gia bạn làm việc
Để tham gia vào đội ngũ y tá – điều dưỡng ở nước ngoài, bạn cần trau dồi kiến thức ngoại ngữ của mình để có thể giao tiếp hiệu quả với người bệnh và đồng nghiệp. Yếu tố này gần như là bắt buộc, được cân nhắc, xem xét kỹ khi tuyển dụng y tá. Chẳng hạn như, nếu bạn muốn trở thành y tá ở Đức, khả năng tiếng Đức của bạn cần phải thành thạo ở cấp độ B2. Đặc biệt khi đi du học ở các nước Châu Âu, học ngành y tá – điều dưỡng luôn đi kèm theo những khóa học tiếng bản xứ, sinh viên cần lưu ý điểm này để chọn địa điểm du học phù hợp.
Khả năng phản ứng nhanh và bình tĩnh trong mọi tình huống
Bệnh viện – nơi mà hầu hết các y tá – điều dưỡng công tác – luôn trong tình thế sẽ có các tình huống nguy cấp trong việc chữa trị cho người bệnh 24/7. Vậy nên khi xác định với ngành này, bạn nên tích lũy kinh nghiệm thực tập, thực chiến và học hỏi từ môi trường làm việc ngay còn khi đi học. Ngoài ra, tự nhận định của bản thân về mặt tinh thần và đam mê đủ sẵn sàng đối mặt với những khó khăn của nghề này hay không.
Tính kiên nhẫn và tinh thần vì người khác
Y tá – điều dưỡng được đánh giá là nghề “làm dâu trăm họ”, mỗi bệnh nhân bạn chăm sóc đều có hoàn cảnh, tính cách, tâm trạng khác nhau. Trong những thời kỳ có dịch, y tá – điều dưỡng là một bộ phận thiết yếu ở tuyến đầu chống dịch. Do đó bạn cần có sự kiên nhẫn, lòng can đảm và tinh thần vì cộng đồng mới có thể trụ lâu với nghề.