Theo quan niệm lâu đời của người Việt Nam, ngày Rằm và mùng 1 các gia đình sẽ làm mâm cỗ cúng và thắp hương, cầu bình an, cầu tài lộc. Nhưng lễ cúng rằm tháng Chạp cũng thường được thực hiện long trọng hơn các ngày rằm trong năm.
Lễ cúng rằm tháng Chạp năm nay rơi vào thứ 5 ngày 25/1 Dương lịch.
Mâm cỗ cúng rằm tháng Chạp
Lễ vật cúng ngày Rằm cần đáp ứng 2 điều: Đúng và đủ! Không cần bày vẽ rườm rà đắt đỏ. Quan trọng nhất là lòng thành.
Lễ cúng rằm tháng Chạp có thể bao gồm cả mâm cỗ chay và mâm cỗ mặn, hoặc chỉ một trong 2 loại cỗ này, tùy theo tập tục của mỗi địa phương hay truyền thống của mỗi gia đình.
Mâm cỗ chay gồm: Nến hoặc đèn, hương, nước sạch, trầu cau, trái cây, hoa tươi.
Mâm cỗ mặn gồm: Gà luộc (chọn gà trống), xôi đậu hoặc xôi gấc, canh miến, giò hoặc chả, món xào (như thịt bò xào, lòng gà xào giá), rượu gạo. Có thể có thêm một số món khác.
Văn khấn Thần linh
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ chúng con là:
Ngụ tại:
Hôm này ngày Rằm tháng Chạp, tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau, lá trầu, hương hoa trà quả, nấu cơm gạo mới, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.
Trộm nghĩ rằng:
Cây cao bóng mát
Quả tốt hương bay
Công tài bồi xưa những ai gây
Của quý hóa nay con cháu hưởng
Trước nhờ ơn Trời Đất Phật Tiên, Chư vị Tôn thần
Sau nhờ ơn Tổ tiên gây dựng, kể công tân khổ biết là bao?
Đến nay con cháu dồi dào, hưởng miếng trân cam còn nhớ mãi.
Nay nhân mùa gặt hái
Gánh nếp tẻ đầu mùa
Nghĩ đến ơn xưa
Cày bừa vun xới
Sửa nồi cơm mới
Kính cẩn dâng lên
“Thường tiên”: nếm trước
Mong nhờ Tổ phước
Hòa cốc phong đăng
Thóc lúa thêm tăng
Hoa màu tươi mới
Làm ăn tiến tới
Con cháu được nhờ
Lễ tuy đơn sơ
Tỏ lòng thành kính
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ …………., cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Văn khấn gia tiên
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
Kính lạy: Hoàng thiên hậu thổ chư vị Tôn thần
Ngài Bản cảnh Thành hoàn, ngài Bản xứ Thổ địa, ngại Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển Tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ Tỷ)
Hôm nay là ngày… tháng… năm… âm lịch, tín chủ con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị tôn thần, nhớ đức cù lao tiên tổ, mỗi niệm không quên. Do đó chúng con sắm sanh lễ vật, sửa sang hương đăng, trần thiết trà quả dâng lên trước án.
Chúng con kính mời: Ngài Bản cảnh Hoàng thành Chư vị Đại Vương.
Ngài Bản xứ thần linh Thổ địa
Ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần.
Cúi xin giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, Chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại trong họ, cúi xin thương xót con cháu giáng về linh sang, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh, tiền chủ hậu chủ ở trong nhà này, đất này, đồng lâm án tiền, đồng lai mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.
Trải tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
* Thông tin mang tính tham khảo.