Tổ chức các khu vực trong Bếp gọn gàng, hợp lý là cách để những Đầu bếp quản lý công việc của mình một cách nhanh chóng, khoa học và thuận tiện nhất. Nếu bạn có đam mê với nghề “lắc chảo”, hãy cùng Chefjob.vn tìm hiểu tên gọi cũng như chức năng của các khu vực Bếp để có cách sắp xếp chính xác nhất nhé.
Một căn Bếp đúng tiêu chuẩn ở nhà hàng sẽ có những khu vực riêng – Ảnh: Internet
Thông thường, một căn Bếp của nhà hàng sẽ được thiết kế theo đúng các khu vực để Đầu bếp và các nhân viên dễ dàng di chuyển, thực hiện công việc chế biến theo dây chuyền linh hoạt và hiệu quả. Việc sắp xếp không gian Bếp hợp lý, khoa học sẽ nâng cao chất lượng món ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần mang lại doanh thu cho nhà hàng.
Để hiệu suất hoạt động của căn Bếp được tốt nhất, tất cả nhân viên Bếp đều phải hiểu rõ về vị trí, tên gọi và chức năng riêng của từng khu vực. Nhìn chung, các khu vực Bếp được tổ chức theo đúng quy trình chế biến món ăn của người Đầu bếp.
Khu vực lưu trữ thực phẩm
Ở nhà hàng, thực phẩm luôn phải đầy đủ và tươi sạch để sẵn sàng được chế biến. Khu vực lưu trữ là nơi bảo quản toàn bộ thực phẩm phục vụ trong nhà hàng. Khu vực này cần được lau dọn, kiểm tra hàng ngày để đảm bảo nguyên vật liệu vẫn có thể sử dụng. Khu vực kho rộng rãi, được bố trí gọn gàng và hợp lý sẽ giúp Đầu bếp dễ dàng tìm thấy nguyên liệu mình cần.
Khu vực sơ chế
Tất cả các nguyên vật liệu sẽ được sơ chế tại khu vực này. Vì vậy, khu sơ chế cần được thiết kế các giá để và chậu rửa, bồn rửa vừa tầm với của nhân viên, sử dụng các giá nhiều ngăn để cất được nhiều vật dụng. Khu vực sơ chế sẽ bao gồm các thiết bị: Giá để đồ, chậu/bồn rửa, thiết bị thái rau củ quả, dao, thớt, máy cưa xương, thùng rác,…
Đây là khu vực trình bày, trang trí món ăn – Ảnh: Internet
Khu vực gia công
Sau khi sơ chế, thực phẩm được chuyển sang khu vực gia công để tiến hành băm, nhào, nặn, tẩm ướp gia vị,… theo đúng công thức chế biến món ăn, dưới sự chỉ đạo của Đầu bếp chính. Sau mỗi lần gia công, bạn nên vệ sinh ngay khu vực làm việc của mình, tránh tình trạng để lâu, một số loại vết bẩn sẽ khó lau chùi.
Khu vực bếp nấu
Đây là khu vực hoạt động của những Đầu bếp chính, cũng là quy trình quan trọng nhất khi chế biến món ăn. Tại đây, Đầu bếp sẽ trổ tài nấu nướng của mình với các loại bếp nấu, nhiều bình gas, ổ cắm, bếp điện,… Khu vực này thường xuyên có nhiệt độ cao và nhiều dầu mỡ, cần được vệ sinh thường xuyên và trang bị máy hút mùi, không để khói ảnh hưởng đến sự an toàn trong khu Bếp.
Khu vực trình bày, trang trí món ăn
Thường thì các Đầu bếp sẽ không trình bày món ăn trong khu bếp nấu, các nhà hàng luôn có khu vực trang trí riêng. Khu vực trình bày có các vật dụng đĩa, bát đầy đủ để Đầu bếp thuận tiện thể hiện món ăn của mình. Xe đẩy thức ăn hoặc nhân viên phục vụ sẽ có mặt tại khu vực này để đảm bảo món ăn được đưa ra khách hàng nhanh chóng.
Khu vực rửa bát và diệt khuẩn
Xoong nồi, chảo, bát đĩa,… đã qua sử dụng được tập hợp ở đây để nhân viên tiến hành lau rửa, diệt khuẩn. Các giá trên cao đảm bảo luôn rộng thoáng để có không gian sắp xếp dụng cụ sau quá trình tẩy rửa. Ngoài ra, tủ diệt khuẩn bát đĩa phải được bố trí theo quy trình khép kín, rộng rãi và logic.
Khu vực tẩy rửa và diệt khuẩn các dụng cụ, thiết bị Bếp – Ảnh: Internet
Khu vực Bếp tuy là “hậu trường” trong quy trình phục vụ thực khách, nhưng cũng chính là phần quan trọng nhất, đảm bảo chất lượng thực phẩm và chất lượng dịch vụ của nhà hàng. Các khu vực Bếp có chức năng khác nhau để mỗi bước trong quy trình chế biến món ăn được thực hiện thuận tiện và khoa học. Biết được tên gọi và ý nghĩa của từng khu vực trong Bếp sẽ giúp cho các bạn trẻ đam mê công việc “chơi với dao, đùa với lửa” dễ dàng bắt tay vào việc chế biến những món ăn ngon nhất phục vụ khách hàng.
Tin liên quan
Bảng Mô Tả Công Việc Bếp Trưởng Nhà Hàng Khách Sạn
Bản Mô Tả Công Việc Của Đầu Bếp Nóng