Nang nước buồng trứng là một trong những dạng u nang buồng trứng thực thể cần được điều trị sớm kể từ khi phát hiện. Những khối nang nước có cấu tạo không quá phức tạp nhưng lại không ổn định. Nang nước dễ vỡ, từ đó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hại đến sức khỏe của người bệnh.
1. Những thông tin chung về u nang nước buồng trứng
Chị em có thể hình dung những nang nước buồng trứng như những túi chứa dịch lỏng. Khác với các loại nang bì, nang đặc,… u nang nước thường có cuống dài, chứa nhiều dịch bên trong và có vị trí ở dưới tai vòi trứng hoặc cạnh buồng trứng. Với những nang nước cạnh tai vòi, kích thước của chúng thường thay đổi, vì vậy thường bị nhầm lẫn với u buồng trứng.
Độ tuổi thường gặp nang nước tại buồng trứng là độ tuổi từ 30 đến 40 tuổi. Phụ nữ ở độ tuổi nhỏ hơn thường ít gặp những khối u này.
2. Nguyên nhân nào dẫn tới u nang nước tại buồng trứng
U nang nước là dạng u nang buồng trứng thực thể. Bởi vậy, có thể nhận thấy loại u này phát triển từ một vài nguyên nhân sau:
– Do yếu tố di truyền: Người nhà, người trong gia đình có tiền sử u nang buồng trứng.
– Do môi trường sống, thói quen sinh hoạt, ăn uống khiến cơ thể, sức khỏe người phụ nữ bị ảnh hưởng, dẫn đến một số thay đổi, rối loạn về nội tiết tố.
– Bị thừa cân, quá cân, béo phì, không thường xuyên vận động.
– Người mẹ có phôi thai phát triển bất thường. Khi hệ thống ống ở bào thai không phát triển và tiêu biến theo tự nhiên, những gì còn lại sẽ phát triển cạnh tai vòi trứng và buồng trứng, hình thành nên u nang nước.
3. Triệu chứng của bệnh nhân u nang nước buồng trứng như thế nào?
Kích thước của u nang nước tại buồng trứng có thể thay đổi nhưng tương đối nhỏ. Vì vậy, chúng thường không gây ra triệu chứng nào đặc biệt, chị em sẽ khó phát hiện ra. Tuy nhiên, với những trường hợp u nang nước đột nhiên phát triển lớn hơn, phát triển bất thường, triệu chứng có thể gặp phải là đau tức bụng, dẫn đến nặng bụng dưới.
Khối u phát triển làm ảnh hưởng vùng chậu, tác động khiến thận bị ứ nước, xuất huyết âm đạo bất thường và dẫn đến đau khi quan hệ tình dục hoặc khi đến kỳ kinh nguyệt.
4. Những biến chứng nguy hiểm của nang nước tại buồng trứng
Như đã chia sẻ, u nang nước có thể để lại rất nhiều biến chứng nguy hiểm nếu tiếp tục phát triển.
4.1. Nang nước buồng trứng bị xuất huyết
Nang nước phát triển lớn hoặc bị tác động có thể bị vỡ. Lúc này, nhiều mạch máu ở thành nang có thể bị vỡ và dẫn đến xuất huyết. Máu tràn vào ổ bụng và dẫn đến xuất huyết trong nội tạng. Đôi khi, biến chứng này còn có thể dẫn đến viêm, tổn thương buồng trứng, ổ bụng nghiêm trọng.
4.2. U nang bị xoắn
Không chỉ các dạng u đặc, u nang nước phát triển cạnh buồng trứng, tai vòi trứng cũng có bị xoắn. Do đặc điểm của u nang nước là có cuống dài, không phát triển ở một vị trí cố định mà có thể phát triển nhiều u nang, vậy nên cuống của chúng dễ xoắn vào nhau. Khi u nang bị xoắn, buồng trứng và tai vòi buồng trứng sẽ không được cung cấp máu, không thể ổn định chức năng, hoạt động, từ đó có nguy cơ hoại tử.
Xoắn u nang nước tại buồng trứng khiến cho người bệnh phải chịu đựng những cơn đau khó chịu, thường xuyên, thậm chí có thể kèm theo sốt, nôn. Việc u nang bị xoắn dễ gây vỡ nang, làm xuất huyết. Máu tràn vào khoang phúc mạc chậu, có thể gây nhiễm trùng nặng, mất máu cấp tính và thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng.
4.3. Làm vỡ, tổn thương tai vòi buồng trứng
Tai vòi buồng trứng có chức năng chính là cơ quan nối kết buồng trứng với tử cung, hỗ trơ quá trình di chuyển của trứng trong quá trình rụng trứng, từ đó hỗ trợ quá trình thụ thai thành công. Tai vòi vì vậy mà có cấu trúc mềm mại, dễ bị tổn thương.
Nếu u nang nước phát triển gần với tai vòi, khi vỡ, u có thể khiến tai vòi bị ảnh hưởng, vỡ, khiến cho máu không thể được vận chuyển đến tai vòi buồng trứng. Khi tai vòi bị vỡ hoặc hoại tử, phải cắt bỏ, khả năng sinh sản của người phụ nữ cũng không còn được đảm bảo.
4.4. Làm rối loạn vòng kinh, chu kỳ kinh nguyệt
Do nang nước tại buồng trứng có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng của buồng trứng nếu tiếp tục phát triển và biến chất. Bởi vậy, quá trình sản xuất và điều tiết nội tiết tố nữ cũng không được ổn định. Lúc này, chu kỳ kinh nguyệt không đều. Nếu kèm theo hiện tượng xuất huyết trong do nang vỡ, nang xoắn, người bệnh còn có thể bị rong kinh kéo dài, gây mất máu và thiếu máu, thiếu sắt nghiêm trọng.
4.5. Nang nước buồng trứng là tiền đề của vô sinh, hiếm muộn
Nang nước phát triển và có thể chèn ép lên các cơ quan khác tại buồng trứng như các nang nhân đặc, nang bì. Chính vì vậy, ống dẫn trứng cũng có thể bị chèn ép và ảnh hưởng đến quá trình lưu chuyển trứng tới thụ tinh với tinh trùng, làm tổ tại tử cung. Từ đó, quá trình thụ tinh khó xảy ra, nguy cơ vô sinh, hiếm muộn cao.
4.6. U nang chuyển biến xấu đi, ung thư hóa, ác tính hóa
Khi những khối u nang nước xuất hiện một vài nhú nhỏ, rất có thể chúng sẽ phát triển thêm hoặc chuyển thành ác tính, bị ung thư hóa. Với trường hợp này, người bệnh cần được chẩn đoán chuyên sâu hơn và tiến hành điều trị càng sớm càng tốt để tránh nguy hiểm khi tế bào ung thư lan rộng.
5. Những xét nghiệm nào cần thực hiện để chẩn đoán nang nước tại buồng trứng?
U nang nước tại buồng trứng thường không có triệu chứng đặc biệt, vậy nên việc phát hiện bệnh thông qua những triệu chứng lâm sàng là rất khó.
Dưới đây là một số xét nghiệm có thể được chỉ định để chẩn đoán nang nước tại buồng trứng:
– Siêu âm:
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, phụ nữ nên thường xuyên khám phụ khoa định kỳ để được tư vấn cũng như thực hiện những phương pháp chẩn đoán cho kết quả nhanh, nắm bắt kịp thời những bất thường tại các cơ quan sinh dục, sinh sản. Trong đó, phương pháp siêu âm là một trong số những phương pháp được ứng dụng nhiều nhất, có thể chẩn đoán rõ nhất, nhanh nhất bất thường tại buồng trứng.
Để phát hiện dấu hiệu của u nang buồng trứng, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm, thu thập hình ảnh sơ bộ về vùng chậu, buồng trứng của người bệnh. Nếu tình trạng u dễ phát hiện, dễ nắm bắt, u nằm ở vị trí dễ phát giác, người bệnh có thể chỉ cần thực hiện siêu âm thành bụng. Nếu u phức tạp hơn, nằm ở những vị trí khó quan sát hơn, bệnh nhân có thể phải thực hiện siêu âm đầu dò để cho kết quả chính xác nhất.
– Chụp MRI vùng chậu:
Để nhận định khối u có đang phát triển nhanh, có khả năng biến đổi thành ác tính hay ung thư hóa hay không, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện chụp MRI nhằm phát hiện các dấu hiệu bất thường. Đồng thời, đây cũng là phương pháp hiệu quả nhất để theo dõi khối u phát triển kích thước ra sao.
– Xét nghiệm máu:
Đây cũng là một trong những xét nghiệm được chỉ định để xác định tính chất của khối u nang nước. Bên cạnh đó, trong quá trình lên kế hoạch điều trị, chẩn đoán triển khai điều trị, người bệnh cũng cần thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra trạng thái sức khỏe, tình trạng hiện tại có đủ điều kiện thực hiện điều trị hay không.
6. Có những cách nào để điều trị, khắc phục u nang nước tại buồng trứng
U nang nước có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Với dạng u nang buồng trứng thực thể như vậy, để điều trị bằng thuốc sẽ không có hiệu quả cao, không ngăn ngừa được những biến chứng nguy hiểm.
Với phương án phẫu thuật, người bệnh có thể được mổ mở hoặc mổ nội soi. Đối với bệnh nhân mổ mở, bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện rạch một đường trên thành bụng và tiến hành bóc tách u một cách cẩn thận. Những trường hợp cần mổ mở thường là u phát triển lớn, u có nguy cơ biến chứng cao, bị xoắn, vỡ, chảy máu, làm ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận.
Đối với bệnh nhân mổ nội soi, bác sĩ chuyên khoa sử dụng dụng cụ chuyên dụng và camera đưa vào khoang ổ bụng để cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên áp dụng với những khối u chưa có chuyển biến xấu, hoặc có kích thước vừa phải, chưa làm ảnh hưởng nhiều tới hoạt động, chức năng của các cơ quan khác.
Qua những thông tin trên đây, có thể kết luận, nang nước buồng trứng thường đi kèm với những biến chứng phức tạp, khó xử lý, có thể gây ra nhiều vấn đề với sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, chị em nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ, chú ý đến những thay đổi bất thường và nên nhanh chóng có quyết định điều trị ngay khi phát hiện u nang, đặc biệt là những khối u đang lớn dần và có thể bị ung thư hóa.