Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, nhà chiến lược quân sự thiên tài, người Cha thân yêu của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Người gắn liền với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Người đã để lại cho nhân dân ta, dân tộc ta một kho tàng di sản tư tưởng vô giá, trong đó tư tưởng về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng. Tư tưởng đó của Người đã được thực tiễn lịch sử khẳng định, chứng minh và đang tiếp tục soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, sự nghiệp xây dựng quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

1. Nội dung cơ bản, cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin về xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng; kế thừa, phát triển truyền thống “dựng nước đi đôi với giữ nước”, kinh nghiệm đánh giặc và nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng đó được bao quát và thể hiện ở các nội dung cốt lõi sau đây:

Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tính tất yếu khách quan của nhiệm vụ xây dựng quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đây là luận điểm cách mạng, khoa học, xuyên suốt tư tưởng của Người về xây dựng quốc phòng toàn dân. Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ. Trong Bản Tuyên ngôn độc lập, ngày 2/9/1945, Người chỉ rõ: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”1. Và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Người luôn nhắc nhở: “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng”2. Ngay sau khi thành lập chính quyền cách mạng, trước tình thế “thù trong, giặc ngoài”, “ngàn cân treo sợi tóc”, Người đã bắt tay ngay vào việc chỉ đạo xây dựng đất nước, chuẩn bị kháng chiến, bảo vệ thành quả cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Người luôn căn dặn các lực lượng vũ trang và nhân dân không được lơ là, mất cảnh giác; vừa tập trung sản xuất, vừa đánh thắng kẻ thù xâm lược, vừa phải giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Người nhắc nhở đồng bào, chiến sĩ miền Bắc: “Miền Bắc vừa ra sức đẩy mạnh sản xuất xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, vừa phải luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu của kẻ địch”3. Người nêu rõ, mọi sự lơ là, mất cảnh giác đều dẫn đến hậu quả nguy hại cho cách mạng, sự tồn vong của Tổ quốc, Người viết: “… trong khi ra sức sản xuất, nhân dân ta phải luôn luôn sẵn sàng đập tan âm mưu địch phá hoại thành quả lao động của chúng ta. Quân đội, công an, dân quân cần tiếp tục phát huy truyền thống chiến đấu dũng cảm, củng cố quốc phòng, trật tự, an ninh”4.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, nền quốc phòng của ta là nền quốc phòng toàn dân, sự nghiệp củng cố quốc phòng là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Đây vừa là mục tiêu, vừa là phương châm xây dựng nền quốc phòng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Nắm vững quan điểm vũ trang toàn dân của chủ nghĩa Mác – Lênin, kế thừa truyền thống giữ nước của dân tộc “trăm họ đều là binh”, “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Người chỉ rõ, nền quốc phòng của nước ta mang bản chất của chế độ xã hội mới, chế độ xã hội chủ nghĩa, của Nhà nước dân chủ nhân dân, Nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Do vậy, phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nghĩa là mọi người dân đều có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia xây dựng và nền quốc phòng ấy là của dân, do dân, vì dân. Trong đó, Người nhấn mạnh, việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, bao gồm cả quân đội và công an, cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, thật sự là lực lượng nòng cốt để xây dựng quốc phòng. Người chỉ rõ: “Quân đội phải kiên quyết bảo vệ những thành quả của cách mạng, tích cực tham gia công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội”5. Theo Người, vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang không chỉ là lực lượng trực tiếp đối chọi và tiêu diệt quân đội đối phương, mà còn thể hiện ở việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân tham gia ngày càng tốt hơn vào sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng đất nước.

Tham Khảo Thêm:  10 loài động vật sống lâu nhất trên Trái đất

Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong bảo vệ Tổ quốc. Theo Hồ Chí Minh, quốc phòng không đơn thuần chỉ là để chống lại sự xâm lược của kẻ thù từ bên ngoài, an ninh không chỉ là vấn đề giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, chống các thế lực phản động bên trong, mà hai lĩnh vực này, tuy có nhiệm vụ cụ thể riêng, phương thức bảo vệ riêng nhưng quan hệ mật thiết lẫn nhau trong mục tiêu chung bảo vệ Tổ quốc; trong nhiệm vụ quốc phòng có cả an ninh, trong nhiệm vụ an ninh có cả quốc phòng. Vì vậy, phải kết hợp chặt chẽ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của cách mạng. Trong mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, Người xác định: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi”6. Điều này đã trở thành phương châm xuyên suốt, góp phần làm nên thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Theo Người, mỗi người dân phải là “một người lao động hăng hái”, đồng thời “là một chiến sĩ dũng cảm”; bộ đội phải tăng gia sản xuất, “thực túc, binh cường”, “chia phiên nhau, lớp đánh giặc, lớp làm ruộng, làm vườn, để tự cấp tự túc, không phiền đến dân”7.

Bốn là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phương châm toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính trong sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trung thành và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”; kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Người khẳng định: Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong. Nhân dân là lực lượng to lớn, lực lượng vô địch của cách mạng để đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Người viết: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”8. Chính đường lối chính trị – quân sự đúng đắn đó đã huy động toàn bộ sức mạnh, nghị lực và tinh thần sáng tạo của nhân dân khi đi vào kháng chiến. Người nêu rõ, tính toàn dân phải gắn chặt với tính toàn diện, phải huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân đánh giặc trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, tư tưởng, văn hóa; phải xây dựng cả tiềm lực chính trị – tinh thần, tiềm lực kinh tế và khoa học, tiềm lực quân sự…, không được coi nhẹ một tiềm lực nào. Người chú trọng tư tưởng trường kỳ, dựa vào sức mình là chính. Người chỉ đạo:“Kháng chiến phải trường kỳ, vì đất ta hẹp, dân ta ít, nước ta nghèo, ta phải chuẩn bị lâu dài và phải có sự chuẩn bị về toàn diện của toàn dân”9. Trong tư tưởng của Người, kháng chiến trường kỳ để vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa bồi dưỡng, phát triển lực lượng của ta, càng đánh ta càng mạnh để đánh bại từng âm mưu chiến lược của địch, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Người cũng khẳng định rõ quan điểm, một dân tộc mà không biết tự lực cánh sinh, không biết dựa vào chính sức mình để giải phóng cho mình thì không xứng đáng được độc lập, tự do.

Tham Khảo Thêm:  Nhiệt phân 11,84 g Mg(NO3)2, phản ứng xảy ra theo sơ đồ sau

Năm là, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, vai trò của việc xây dựng hậu phương vững mạnh, làm cơ sở để xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Người luôn chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân trong mặt trận dân tộc thống nhất, động viên sức mạnh toàn dân vào công cuộc kháng chiến cứu nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong tư tưởng của Người, hậu phương không chỉ là sức mạnh vật chất mà còn là sức mạnh tinh thần, trong đó lòng dân là sức mạnh đặc biệt to lớn. Một nền quốc phòng toàn dân hùng mạnh với sự tham gia của tất cả các ngành, các giới… sẽ góp phần quyết định các cuộc kháng chiến của chúng ta, từ chống Pháp, đuổi Nhật đến chống Mỹ xâm lược. Nghệ thuật phát huy cao độ sức mạnh toàn dân đánh giặc, đánh giặc với các loại vũ khí và trí thông minh, sáng tạo của nhân dân, là một nết độc đáo của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh; dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống nổi. Thực hiện đúng quan điểm đó, để chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, Người đã tập trung xây dựng các căn cứ địa cách mạng. Với kháng chiến chống Pháp, Người nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng hậu phương để tạo tiềm lực cho cuộc kháng chiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Tư tưởng đó, tiếp tục được Người phát triển, bổ sung trong chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, thống nhất Tổ quốc về một mối, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong giai đoạn hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân là định hướng xuyên suốt cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định rõ “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”10. Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức. Trong nước thuận lợi là cơ bản song cũng còn nhiều khó khăn đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tình hình đó, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu, quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Trong đó, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, thường xuyên quán triệt, nâng cao chất lượng và hiệu quả vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vào sự nghiệp xây dựng quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang là những vấn đề lý luận cơ bản, toàn diện, xuyên suốt sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đó là cơ sở để Đảng ta nghiên cứu, hoạch định đường lối chính trị, đường lối quân sự trong từng giai đoạn cách mạng và tiếp tục vẹn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Vì vậy, chúng ta phải thường xuyên nghiên cứu, quán triệt, để nhận thức đầy đủ giá trị và các nội dung cốt lõi tư tưởng của Người; trên cơ sở đó vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào sự nghiệp tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Hai là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh. Tạo sự chuyển biến về tư tưởng và hành động của toàn dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh; đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho toàn dân, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Trong quá trình đó, cần kết hợp chặt chẽ với quán triệt và thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Tham Khảo Thêm:  Công thức so sánh gấp đôi trong tiếng anh

Ba là, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; trước mắt, phải nỗ lực và quyết tâm để thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh, rộng khắp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, phát huy vai trò đông đảo quần chúng nhân dân tham gia nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tập trung vào địa bàn chiến lược, trọng điểm: biên giới, biển, đảo, v.v.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Tạo bước chuyển biến cơ bản, toàn diện, có chiều sâu trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, từng bước tạo thế phòng thủ chung, thống nhất trên từng khu vực, địa bàn và cả nước. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cần quán triệt và triển khai thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa hai lực lượng, bảo đảm cho thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân đều được phát huy một cách đầy đủ nhất. Trong tình hình hiện nay, cần đặc biệt coi trọng xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở, tạo nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân.

Năm là, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Quân đội trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 05, Chỉ thị 87, Chỉ thị số 855, gắn kết với việc triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Theo đó, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp trong Quân đội cần tiếp tục có chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chỉ thị 05, Chỉ thị 87, Chỉ thị 855, gắn sát với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu chiến lược, chủ động ngăn ngừa các nguy cơ xung đột từ sớm, từ xa; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo; tuyên truyền, nhân rộng những mô hình mới, tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong cơ quan, đơn vị; tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ; càng trong khó khăn, gian khổ, phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” càng được phát huy và tỏa sáng, khích lệ, cổ vũ toàn quân vượt qua mọi khó khăn, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

Đại tá, PGS, TS. Võ Văn Hải

Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự

Bộ Quốc phòng

1. Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 131. 2. Sđd, Tập 9, tr.232. 3. Sđd, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 22. 4. Sđd, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 558. 5. Sđd, Tập 9, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 312. 6. Sđd, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 103. 7. Sđd, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 103. 8. Sđd, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 534. 9. Sđd, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 164. 10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, NxbCTQGST, H. 2021, Tr.156.

BluXanh

https://jun88.black/

789bet

sunwin

link vào hi88

Kênh Xoilac98.TV tructiepbongda full HD

OKVIP