Xin chào mẹ Ngọc Hà, cảm ơn mẹ đã gửi thắc mắc của mình về cho Nacurgo. Để giải đáp thắc mắc của Ngọc Hà cũng như nhiều bà mẹ khác, chúng ta hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Sinh mổ là gì?
Sinh mổ (mổ lấy thai), là một thủ thuật y khoa để đưa em bé ra ngoài bụng mẹ thông qua vết cắt ở thành bụng và tử cung của người mẹ.
Có rất nhiều lý do khiến mẹ không thể sinh thường, cần phải sinh mổ. Cụ thể, ta có thể kể đến 1 số lý do dưới đây:
- Thất bại trong khâu chuyển dạ, cổ tử cung mở không đủ để em bé di chuyển xuống âm đạo;
- Dây rốn của em bé bị chèn ép hoặc nhịp tim của bé cho thấy không đủ khả năng trải qua ca sinh thường;
- Mẹ bầu mang đa thai như sinh đôi hoặc sinh ba cần phải mổ bắt con;
- Nhau thai có vấn đề;
- Thai to khiến mẹ không thể sinh thường;
- Em bé nằm ngôi ngược, ngôi ngang…trong bụng mẹ;
- Mẹ mắc các bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm virus, suy giảm miễn dịch ở người hoặc herpes.
- Mẹ mắc các bệnh mãn tính (tim, gan, hoặc huyết áp cao).
Các giai đoạn lành thương của vết mổ đẻ
Trên thực tế, mỗi sản phụ đều có tình trạng sức khỏe khác nhau nên thời gian phục hồi sau sinh mổ cũng sẽ khác nhau.
Vì khi phẫu thuật lấy thai, các bác sĩ phải rạch rất nhiều lớp trên bụng mẹ (da, mỡ, cân cơ, phúc mạc, cơ tử cung), nên mẹ cũng cần 1 khoảng thời gian nhất định để hồi phục vùng da này. Mẹ có thể tham khảo các giai đoạn lành thương dưới đây:
- Liền da bên ngoài: thông thường, vết mổ đẻ của mẹ sẽ liền da bên ngoài trong khoảng từ 7-10 ngày sau mổ.
- Phục hồi các tổn thương da bên trong: các mẹ sẽ cần khoảng 6 tuần để các tổn thương dưới da được lành lại.
- Lành thương hoàn toàn: thông thường sẽ mất ít nhất từ 3-6 tháng để vết mổ của mẹ được lành hẳn. Tuy nhiên cũng có 1 số mẹ cần thời gian từ 1 đến 2 năm để các mô và dây thần kinh bên trong phục hồi hoàn toàn.
Thời gian lành vết mổ sau sinh của mẹ cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ngoài chế chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, cách chăm sóc vệ sinh vết mổ của các mẹ thì khoảng thời gian hồi phục cũng còn tùy thuộc vào việc mẹ bầu sinh con lần đầu hay lần 2, lần 3.
Với những thông tin chia sẻ từ Ngọc Hà, mẹ vừa sinh mổ được 19 ngày, vết mổ cũng đã khô bên ngoài. Điều này cũng có nghĩa là vết mổ của mẹ đã trải qua giai đoạn lành da bên ngoài, đang trong giai phục hồi các tổ chức dưới da. Thời gian này mẹ Hà vẫn nên chú ý nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng và kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý để vết mổ có thể lành hoàn toàn trong thời gian sớm nhất.
Vết mổ đẻ có cục cứng vì sao?
Với trường hợp của Ngọc Hà, vết mổ chỉ bị cứng mà không kèm triệu chứng khác nên mẹ không cần quá lo lắng. Hiện tượng này đa phần do chỉ chưa tiêu hết và không có gì đáng ngại. Mẹ hãy tiếp tục chăm sóc và vệ sinh khu vực vết mổ thật sạch sẽ.
Sau một khoảng thời gian, khi chỉ khâu đã tiêu hết thì vết mổ sẽ mềm như bình thường, có nhiều trường hợp vết mổ hình thành sẹo lồi, mặc dù nhìn mất thẩm mỹ nhưng điều này hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Vết mổ đẻ có cục cứng nguy hiểm khi nào?
Vết mổ đẻ có cục cứng chỉ thực sự nguy hiểm khi nó có dấu hiệu bị nhiễm trùng.
Sau mổ đẻ, mẹ nên thường xuyên theo dõi vết mổ của mình, mẹ cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu vết mổ bị cứng, đỏ kèm theo những biểu hiện dưới đây:
- Đau bụng dữ dội,
- Có nước chảy ra từ vết mổ,
- Sốt cao hơn 38 độ C
- Âm đạo chảy máu nhiều, có cục máu đông lớn.
Khi những triệu chứng trên xuất hiện thì rất có thể vết mổ đẻ của mẹ đã bị nhiễm trùng, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời có thể dẫn đến biến chứng hoại tử, nhiễm trùng máu, bục vết mổ hay tổn thương đến các bộ phận lân cận.
Làm gì để vết mổ đẻ hết cục cứng và nhanh lành?
Theo những gì Ngọc Hà chia sẻ, vết mổ của mẹ có cục cứng vì nguyên nhân chỉ khâu chưa tiêu hết. Việc mẹ cần làm đơn giản là nghỉ ngơi, ăn uống và chăm sóc vết mổ hợp lý để vết mổ nhanh lành, khi chỉ khâu tiêu hết, vết mổ của mẹ sẽ tự mềm trở lại mà không cần can thiệp gì hết.
Trong thời gian này, mẹ vẫn nên chú ý bảo vệ vết mổ, tránh nguy cơ nhiễm trùng, hạn chế để lại sẹo xấu. Nacurgo xin gợi ý cho mẹ 1 số cách dưới đây để giúp vết mổ của mẹ nhanh lành hơn.
Chăm sóc vết mổ đẻ, phòng ngừa nhiễm trùng
Để tránh bị nhiễm trùng vết mổ và giúp thúc đẩy nhanh quá trình lành thương, khi chăm sóc vết mổ tại nhà, các mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Tuân thủ theo những hướng dẫn của bác sĩ về việc chăm sóc vết mổ;
- Không ăn quá no, gây áp lực lên vết mổ;
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để tránh việc cọ xát, kích thích đến vết mổ;
- Không mang vác vật nặng, không làm việc nặng vì có thể tác động xấu đến vị trí vết mổ;
- Tắm nhanh bằng nước ấm, không chà xát vết mổ. Tuyệt đối không ngâm mình trong bồn tắm, việc này sẽ làm nước ngấm vào vết mổ, gia tăng nguy cơ nhiễm trùng;
- Khi tắm xong nên dùng khăn mềm, thấm khô nhẹ nhàng khu vực vết mổ;
- Không dùng tay chạm trực tiếp vào khu vực vết mổ.
- Mẹ có thể dùng dung dịch rửa vết thương chuyên dụng để vệ sinh vết mổ, không cần băng kín.
- Mẹ chỉ nên bôi thuốc nếu có chỉ định từ bác sĩ, tuyệt đối không dùng bất kỳ loại thuốc bôi nào khi vết mổ chưa lành hẳn.
Việc chăm sóc vết mổ không đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây khó chịu, đau đớn… Điều này ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tâm lý của các mẹ sau sinh.
Bổ sung dinh dưỡng sau sinh mổ
Chế độ ăn hằng ngày của mẹ cũng đóng góp 1 phần vào việc thúc đẩy quá trình lành thương, giúp mẹ nâng cao sức khỏe và hạn chế nhiễm trùng. Mẹ cần lưu ý 1 số điều dưới đây:
- Mẹ cần lựa chọn những thực phẩm lành tính, mềm và dễ tiêu hóa
- Mẹ nên tuân thủ nguyên tắc “Ăn chín – Uống sôi”, không ăn những thực phẩm như gỏi, rau sống…
- Tăng cường thêm nhiều Vitamin và khoáng chất như: Vitamin A, C, Kẽm, Sắt…
- Mẹ nên chú ý uống đủ nước (tốt nhất là nước ấm) để tăng khả năng tiết sữa, đảm bảo đủ sữa cho bé bú.
- Hạn chế thức ăn cay nóng và nhiều dầu mỡ.
- Tránh ăn những thực phẩm có tác động không tốt đến vết mổ như: thịt bò, rau muống, thịt gà, thịt chó, đồ nếp…
- Không sử dụng đồ uống có cồn và có tính kích thích như: rượu, bia, cà phê…
Ngọc Hà thân mến, với những thông tin Nacurgo cung cấp trên đây, hy vọng mẹ sẽ bớt lo lắng hơn về tình trạng vết mổ của mình. Chúc 2 mẹ con Ngọc Hà có thật nhiều sức khỏe và niềm vui.
Dương Tuyết Mai