Da đầu bị gàu là tình trạng xảy ra rất thường xuyên ở nhiều người với nhiều vảy nhỏ có màu trắng. Gàu khiến cho nhiều người ngứa ngáy rất khó chịu. Ngoài ra gàu rơi vãi trên quần áo khiến nhiều chị em phụ nữ hay cả nam giới kém tự tin trong một số dịp đặc biệt. Vậy nguyên nhân gây ra gàu là do đâu? Tại sao một số người bị gàu, thậm chí là tình trạng gàu nặng trong khi số khác lại không?
1. Viêm da tiết bã
Viêm da tiết bã là một bệnh lý mạn tính khiến cho da bị viêm đỏ và bong những vảy nhỏ. Những người bị viêm da tiết bã thì da đầu của họ thường xuyên đổ gàu và gàu khá nhiều.
Bệnh xảy ra ở vùng có nhiều tuyến bã hoạt động như da đầu, mặt, sau tai, thân trên và các nếp gấp cơ thể nên có tên gọi viêm da tiết bã. Da khi bị viêm da tiết bã sẽ trở nên kích ứng, viêm đỏ và có nhiều vảy trắng trên bề mặt.
Nguyên nhân gây ra viêm da tiết bã được cho là có liên quan đến một loại nấm có tên Malassezia. Loại nấm này bình thường sống trên da đầu của chúng ta. Chúng ăn bã nhờn của tuyến bã rồi sau đó tiết ra các chất khiến da đầu bong tróc thành từng vảy nhỏ được gọi là gàu. Tuyến bã nhờn ở da đầu càng hoạt động nhiều thì càng tiết ra nhiều bã nhờn. Từ đó Malassezia ăn bã nhờn và kích thích da đầu tróc vảy tạo ra nhiều gàu.
2. Không chải tóc thường xuyên
Nếu chúng ta không chải tóc thường xuyên cũng khiến cho gàu dễ xuất hiện. Chải tóc là động tác giúp loại bỏ các tế bào chết trên da và giảm hình thành gàu. Tuy nhiên các bạn cần chú ý sử dụng lược thưa và chải tóc nhẹ nhàng để tránh bị rụng tóc.
3. Nấm men
Những người nhạy cảm với nấm men sẽ tăng nguy cơ khiến gàu xuất hiện. Tình trạng gàu thường nặng hơn vào mùa đông và cải thiện vào mùa hè. Có thể là do tia UVA trong ánh nắng mặt trời vào mùa hè hỗ trợ tiêu diệt các nấm men. Do đó mà gàu sẽ giảm hình thành hơn vào những ngày hè.
4. Da khô
Những người bị khô da thường xuyên, da đầu cũng dễ đổ gàu. Đặc biệt là vào mùa đông, thời tiết lạnh khiến cho da khô nhiều hơn và tình trạng gàu cũng nặng hơn. Khi đổ gàu do da khô thì những mảnh gàu nhỏ hơn và da đầu sẽ không nhờn rít như trong viêm da tiết bã.
5. Sản phẩm chăm sóc tóc
Các sản phẩm dầu gội hay chăm sóc tóc chứa khá nhiều hóa chất và hương liệu. Sử dụng thường xuyên hay lạm dụng dầu gội đầu khiến cho da đầu không sạch thêm mà trở nên bị kích ứng. Đặc biệt các sản phẩm keo xịt tạo mẫu tóc tác động mạnh mẽ đến da đầu. Chính các hóa chất này khiến cho da bị kích ứng, tróc vảy và gây ra gàu.
Ngược lại nếu không sử dụng dầu gội làm sạch da đầu định kỳ sẽ khiến tích tụ dầu nhờn, tế bào chết và bụi bẩn. Hỗn hợp này sẽ khiến cho da đầu đổ gàu, vì vậy chúng ta nên làm sạch da đầu thường xuyên. Lưu ý rằng không lạm dụng cũng như không làm biếng trong việc làm sạch da đầu. Điều này sẽ đảm bảo cho da đầu của chúng ta được sạch sẽ mà không bị kích ứng quá mức.
6. Vấn đề về da
Các bệnh lý mạn tính ở da cũng khiến cho da đầu bị kích ứng và gây ra gàu. Chẳng hạn những đối tượng bị vảy nến da đầu hay chàm sẽ bị tróc vảy thường xuyên hơn. Bên cạnh đó nhiễm nấm da đầu cũng khiến da đầu bị tróc vảy kèm theo tình trạng rụng tóc.
7. Bệnh lý
Các nghiên cứu cho thấy rằng những người mắc bệnh Parkison hay các bệnh thần kinh khác sẽ dễ bị viêm da tiết bã kèm theo và gây ra gàu. Một nghiên cứu khác được thực hiện và kết luận rằng 30 – 83 % người nhiễm HIV mắc bệnh viêm da tiết bã kèm theo và họ bị đổ gàu nhiều.
Các đối tượng mắc bệnh lý tim mạch hay vừa hồi phục sau một cơn nhồi máu cơ tim sẽ có hệ miễn dịch bị suy yếu. Điều này khiến cho da đầu của họ dễ bị đổ gàu hơn.
8. Chế độ ăn uống
Một số thực phẩm giúp đảm bảo cho da đầu, tóc và móng được khỏe mạnh. Bằng chứng là nếu bổ sung thiếu kẽm, vitamin B và một số chất béo có lợi sẽ khiến cho da đầu đổ gàu nhiều.
9. Căng thẳng thường xuyên
Luôn trong tình trạng căng thẳng sẽ tác động tiêu cực đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Khi đó hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm, da dẻ không còn được khỏe mạnh và khiến cho bạn dễ bị gàu.
10. Độ tuổi và giới tính
Tình trạng gàu thường xuất hiện ở độ tuổi thanh thiếu niên và ảnh hưởng trên nam giới nhiều hơn nữ giới. Vì nam giới trong độ tuổi dậy thì có sự thay đổi hormone khiến tuyến bã hoạt động quá mức. Tuyến bã hoạt động nhiều gây ra tình trạng mụn trứng cá và cả viêm da tiết bã.
Các loại dầu gội được sản xuất với công dụng làm sạch gàu thường chứa các thành phần sau đây:
- Selenium sulfide: Thành phần này giúp tiêu diệt nấm Malassezia, giảm ngứa và giảm ửng đỏ da đầu. Ngoài ra nó giúp hạn chế bong tróc da đầu từ đó giảm tình trạng gàu. Tuy nhiên một số tác dụng không mong muốn của selenium sulfide đó là tăng sắc tố, gây mùi khó chịu hay cảm giác nhờn rít trên tóc.
- Kẽm pyrithione: Thành phần này thường được sử dụng điều trị viêm da tiết bã. Công dụng của kẽm pyrithione là kháng khuẩn, kháng nấm, giảm viêm đỏ và giảm gàu.
- Ketoconazole: Thành phần này có công dụng kháng nấm, nó giúp ngăn chặn nấm phát triển. Không những vậy ketoconazole còn giúp giảm tình trạng viêm nhẹ và giảm hình thành gàu. Ketoconazole đã được chứng minh là lành tính và không gây kích ứng đối với người dùng.
- Salicylic acid: Tác dụng chính của salicylic là giảm vảy trên da đầu. Kết hợp sử dụng salicylic acid với các thành phần khác sẽ giúp giảm ngứa, giảm gàu đáng kể.
- Nhựa than (coal tar): Thành phần nhựa than có công dụng giúp làm giảm hoạt động của các tuyến bã. Ngoài ra nhựa than còn ức chế sự phát triển của nấm và giúp giảm tình trạng viêm.
Tuy nhiên, nhựa than có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn. Các biểu hiện ngộ độc khi sử dụng nhựa than đó là buồn nôn, nôi ói và nước tiểu có màu đen. Đặc biệt nhựa than còn làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư như ung thư da.
Sau khi tìm hiểu các nguyên nhân gây ra gàu thì các bạn hãy cùng thay đổi thói quen sinh hoạt và cách chăm sóc. Đồng thời lựa chọn cho mình một sản phẩm giúp trị gàu hiệu quả. Một mái tóc suôn mượt, không đổ gàu sẽ giúp chúng ta thêm tự tin trong giao tiếp hàng ngày. Nếu sau khi thử sử dụng sản phẩm mà không hiệu quả thì các bạn nên khám bác sỹ.