1. Tác giả Nguyễn Minh Châu:
1.1. Tiểu sử:
Nguyễn Minh Châu tên khai sinh là Nguyễn Thí (1930-1989) quê ở làng Văn Thai, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Nguyễn Minh Châu đã tự nhận xét về mình: “Từ lúc còn nhỏ tôi đã là một thằng bé rụt rè và vô cùng nhút nhát. Tôi sợ từ con chuột nhắt cho đến ma quỷ. Sau này lớn lên, đến gần sáu chục tuổi, đến một nơi đông người tôi chỉ muốn lẻn vào một xó khuất và chỉ có như thế mới cảm thấy được yên ổn và bình tâm như con dế đã chui lọt vào lỗ”.
Năm 1945 ông tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Huế với bằng Thành chung, đến đầu năm 1950 ông gia nhập quân đội, theo học ở trường Sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn.
Từ năm 1952 đến năm 1958 ông công tác và chiến đấu tại các tiểu đoàn 722, 706 thuộc Sư đoàn 320. Năm 1962 ông về Phòng Văn nghệ quân đội công tác, sau đó chuyển sang tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Năm 1972, Nguyễn Minh Châu được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam.
Năm 1989, do bị bệnh ung thư máu Nguyễn Minh Châu qua đời tại Hà Nội. Năm 2000, ông được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
1.2. Sự nghiệp văn học:
Trước năm 1975, các tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu khá tiêu biểu cho thành tựu của nền văn học sử thi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Các tác phẩm chính của ông là: Sau một buổi tập (1960), Cửa sông (1966), Những vùng trời khác nhau (1970), Dấu chân người lính (1972), Miền cháy (1977), Lửa từ những ngôi nhà (1977),…
Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu, có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với văn học Việt Nam thời chống Mĩ. Ông được coi là “người mở đường tinh anh và tài năng” cho công cuộc đổi mới văn học từ sau năm 1975, là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.
Nguyễn Minh Châu quan niệm về mối quan hệ văn học và đời sống rằng: “Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”.
2. Khái quát tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa:
Xuất xứ
– Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” lúc đầu được in trong tập Bến quê (năm 1985), sau đó được nhà văn Nguyễn Minh Châu lấy làm tên chung cho một tuyển tập truyện ngắn cùng tên (năm 1987).
– “Chiếc thuyền ngoài xa” là truyện ngắn thuộc giai đoạn sáng tác thứ hai trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu – từ ngòi bút sử thi mang đậm tính chiến đấu, trữ tình chuyển sang cảm hứng thế sự, đạo đức triết lí nhân sinh.
Bố cục:
Được chia làm 3 đoạn chính:
Đoạn 1: Từ đầu đến “chiếc thuyền lưới vó đã biến mất”: Hai phát hiện nghệ sỹ nhiếp ảnh Phùng.
Đoạn 2: Tiếp theo đến “chống chọi với sóng gió giữa phá”: Câu chuyện về người đàn bà hàng chài.
Đoạn 3: Còn lại: Tấm ảnh được chọn trong bộ lịch năm ấy.
Giá trị nội dung
Mang đến cách nhìn nhận cuộc sống và con người – một cách nhìn đa diện, đa chiều. Khát vọng tìm kiếm, phát hiện ra bản chất thật qua vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.
Giá trị nghệ thuật
– Sự hoá thân của tác giả qua nhân vật Phùng tạo nên cách kể chuyện sinh động, chân thực, hấp dẫn, qua đó thể hiện tư tưởng của tác giả được gửi gắm vào nhân vật.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật, cốt truyện độc đáo, đặc sắc, phù hợp với đặc điểm tính cách của các nhân vật.
– Xây dựng tình huống truyện độc đáo với nhiều hình ảnh, hình tượng vừa chân thực vừa chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.
3. Hoàn cảnh sáng tác Chiếc thuyền ngoài xa:
Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu được sáng tác vào tháng 8/1983, lúc đầu được in trong tập “Bến quê”, sau đó đã được nhà văn dùng để đặt tên cho cả tập truyện ngắn cùng tên, in năm 1987. Năm 1983, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ và tay sai đã kết thúc thắng lợi, cả dân tộc đang bước vào giai đoạn đổi mới cho nên cuộc sống có nhiều sức hút đối với các nhà văn, nhà thơ trong đó có nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” thuộc giai đoạn sáng tác thứ hai trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Nhà văn đã bộc lộ sự chuyển biến quan trọng trong sự nghiệp sáng tác từ phong cách mang đậm tính chiến đấu sử thi hùng tráng, chuyển sang phong cách mang cảm hứng thế sự, nhân sinh. Ngòi bút của nhà văn hướng vào thể hiện con người trong hành trình nhọc nhằn tìm kiếm bình yên và hạnh phúc. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một tác phẩm mang đậm giá trị nhân đạo sâu sắc. Qua đó, giúp nhà văn gửi gắm được những thông điệp nghệ thuật quan trọng thông qua tác phẩm
4. Ý nghĩa nhan đề Chiếc thuyền ngoài xa:
Nhan đề “Chiếc thuyền ngoài xa” mang ý nghĩa biểu tượng, hé mở tình huống truyện qua đó thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa là biểu tượng của sự hoàn mĩ, hướng độc giả về một hình ảnh tuyệt đẹp, đó là hình ảnh con thuyền thu lưới trong biển sớm mờ sương như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Vẻ đẹp ấy khiến cho người nghệ sĩ xúc động, cảm thấy như vừa “khám phá thấy chân lí của cái toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nhưng phía sau vẻ đẹp tuyệt diệu ấy lại là bao đau khổ, ngang trái, phũ phàng của những người dân chài. Cuộc sống của họ bị giam cầm bởi cái đói nghèo tăm tối và bạo lực gia đình. Đây chính là sự đối lập giữa ngoại cảnh và hiện thực cuộc sống.
Nhan đề “Chiếc thuyền ngoài xa” là một ẩn dụ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống mang đến cái nhìn đa diện, đa chiều về cuộc sống: cái đẹp ngoài xa kia cũng ẩn chứa nhiều ngang trái và nghịch lí. Nếu như không đến gần thì sẽ chẳng bao giờ có thể phát hiện ra. Cách nhìn nhận tiếp cận của người nghệ sĩ phải có cảm hứng, thấu hiểu, sẻ chia về số phận, hạnh phúc của con người thì tác phẩm nghệ thuật ấy mới có thể đạt được giá trị nghệ thuật cao nhất.
5. Tóm tắt tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa:
5.1. Tóm tắt tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa hay nhất:
Nhận nhiệm vụ từ trưởng phòng về thực hiện bộ lịch có cảnh biển chào đón năm mới, Phùng đã phải trở về miền Trung. Đây cũng là địa điểm mà khi xưa anh từng tham gia chiến đấu trong chống Mỹ. Sau một tuần tìm kiếm, anh cũng phát hiện ra một “cảnh đắt trời cho” đó là hình ảnh chiếc thuyền đánh cá trong một buổi sáng bình minh, Phùng quyết định chọn chủ đề đó cho bộ lịch của mình. Khi say mê sáng tạo nghệ thuật, Phùng quay về thì vô tình chứng kiến cảnh tượng một người đàn ông hàng chài to lớn đang đánh đập một người phụ nữ. Thấy vậy, đứa con tên Phác chạy ra can ngăn. Phùng quyết định chạy đến ngăn cản thì bị người đàn ông đánh cho bị thương. Ngay sau, bạn của Phùng – chánh án Đẩu mời người đàn bà hàng chài lên tòa án huyện để khuyên người đàn bà hàng chài li hôn người chồng. Người đàn bà từ chối thậm chí còn quỳ lạy để không phải bỏ chồng. Bà giải thích lý do và kể về người chồng của mình. Phùng và Đẩu hiểu ra rằng nhiều góc khuất của cuộc sống, mặc dù bị ngược đãi về thể xác nhưng người đàn bà và những đứa con cần một người đàn ông để gánh vác trách nhiệm và nuôi sống gia đình. Phùng nhận ra rằng cần nhìn nhận mọi việc đơn giản bằng vẻ ngoài không thôi thì chưa đủ phải có cái nhìn đa chiều, đa diện về cuộc sống.
5.2. Tóm tắt tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa ý nghĩa nhất:
Phùng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, theo nhiệm vụ của trưởng phòng, anh trở về một vùng biển miền Trung để tác nghiệp một bộ ảnh cho bộ lịch chào đón năm mới. Tại nơi đây, Phùng đã bắt gặp một hình ảnh “cảnh đắt trời cho”. Đó chính là hình ảnh con thuyền đánh cá ngoài xa trong làn sương mờ bình minh. Phùng đã bấm máy liên tục để có được một cảnh mà anh cho rằng “đắt giá”. Thế nhưng, khi chiếc thuyền đánh cá cập bến thì trước mặt Phùng lại là cảnh bạo lực gia đình, một người đàn ông to lớn đang đánh một người phụ nữ, một người con vì muốn bảo vệ mẹ của mình nên đã ra tay đánh trả lại cha của nó. Chứng kiến cảnh tượng như vậy, Phùng đã lao vào ngăn cản người đàn ông và bảo vệ người đàn bà đáng thương ấy nhưng Phùng bị người đàn ông đó đánh bị thương. Bạn của Phùng – chánh án Đẩu đã mời người đàn bà ấy đến chánh án huyện khuyên bỏ người chồng vũ phu nhưng người đàn bà hàng chài không nghe theo lời khuyên của Phùng và Đẩu mà vẫn muốn sống với chồng. Người đàn bà kể cho mọi người lý do và câu chuyện của chồng. Phùng rời đi, tuy rằng đã có một bộ ảnh chào đón năm mới ưng ý nhưng đâu đó trong bức ảnh anh luôn thấy hình ảnh là một người đàn bà hàng chài đang bị người chồng vũ phu đánh đập.