Một người rụng 50 – 100 sợi tóc mỗi ngày là rất bình thường vì tóc mới mọc cùng thời gian với tóc rụng. Thế nhưng khi số lượng tóc mới không đủ để thay thế cho lượng tóc đã rụng sẽ dễ dẫn đến tình trạng hói đầu. Bài viết dưới đây chia sẻ về 4 cách trị hói đầu hiệu quả an toàn. Và phương pháp trị hói đầu có ưu và nhược điểm gì?
Hói đầu là gì?
Hói đầu là là tình trạng tóc rụng nhiều, số lượng tóc mọc ra không cân đối so với tóc rụng đi. Điều này khiến cho nhiều mảng da đầu bị trống, da đầu trơn, không nhìn thấy lỗ chân lông. Nam và nữ đều có thể bị hói đầu, tuy nhiên tỷ lệ nam giới bị hói đầu nhiều hơn phụ nữ. Hói đầu thường liên quan đến di truyền và quá trình lão hóa tự nhiên, tuy nhiên hói đầu cũng có thể do bệnh tiềm ẩn. (1)
Chu kỳ phát triển của tóc thường bao gồm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn Anagen (giai đoạn mọc): kéo dài khoảng 2 – 4 năm. Khoảng 90% tóc trên da đầu đang trong giai đoạn này.
- Giai đoạn Catagen (giai đoạn chuyển tiếp): trong giai đoạn này các nang tóc co lại trong 2 – 3 tuần.
- Giai đoạn Telogen (giai đoạn nghỉ ngơi): giai đoạn này thì tóc sẽ rụng sau 3 – 4 tháng.
Khi tóc rụng vào cuối giai đoạn telogen, tóc mới sẽ mọc ra. Nhưng khi lượng tóc rụng nhiều hơn lượng tóc mọc thì hiện tượng hói đầu sẽ xuất hiện. Các triệu chứng điển hình gồm tóc mỏng dần trên đỉnh đầu, nam giới có đường chân tóc dần lùi về phía sau đầu, còn tóc nữ giới thưa dần từ đường rẽ ngôi.
Hói đầu có 2 dạng:
- Rụng tóc vĩnh viễn: phát sinh từ những bất thường trong cơ thể hoặc phá hủy nang tóc, là căn nguyên gây ra chứng hói đầu ở nam giới (rụng tóc do nội tiết tố androgen), xảy ra với khoảng 40% nam giới.
- Rụng tóc tạm thời: phát sinh từ tổn thương tạm thời đối với nang tóc. (2)
Nguyên nhân gây hói đầu?
Rụng tóc thường liên quan đến một hoặc nhiều yếu tố sau: (3)
- Tiền sử gia đình (yếu tố di truyền): nguyên nhân phổ biến nhất gây rụng tóc là tình trạng di truyền xảy ra khi lão hóa. Gen gây rụng tóc có liên quan đến nhiễm sắc thể giới tính và thường di truyền cho nam nhiều hơn nữ.
- Thay đổi nội tiết tố và tình trạng sức khỏe: có thể gây rụng tóc vĩnh viễn hoặc tạm thời, bao gồm thay đổi nội tiết tố do mang thai, sinh con, mãn kinh, cường androgen và các vấn đề về tuyến giáp.
- Các vấn đề về sức khỏe toàn thân hoặc tại da đầu như: rối loạn miễn dịch, bệnh tự miễn, hội chứng rối loạn giật tóc và nhiễm trùng da đầu như nhiễm nấm da đầu, viêm nang lông,… gây rụng tóc từng mảng hoặc rụng tóc từng sợi.
- Thuốc và thực phẩm bổ sung: rụng tóc có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc chẳng hạn như thuốc điều trị ung thư, viêm khớp, trầm cảm, bệnh tim, bệnh gút và huyết áp cao. Ngoài ra, tóc có thể rụng do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, kiêng ăn để giảm cân không khoa học, không cung cấp đủ các vitamin để tóc phát triển.
- Xạ trị: có thể khiến tóc không mọc lại được như trước.
- Căng thẳng thần kinh: nhiều người trải qua tình trạng tóc mỏng đi hoặc rụng tóc từng mảng sau khi phải chịu một hay nhiều cú sốc về thể chất hoặc tinh thần. Loại rụng tóc này chỉ tạm thời.
- Do kiểu tóc và phương pháp điều trị: tạo kiểu tóc quá mức hoặc các kiểu tóc buộc tóc chặt như thắt bím hoặc búi tóc đều có thể gây ra rụng tóc. Các phương pháp điều trị tóc bằng dầu nóng và thuốc nhuộm tóc vĩnh viễn cũng có thể khiến tóc rụng. Sẹo cũng có thể làm cho tóc rụng vĩnh viễn.
Hói đầu có chữa được không?
Có. Tóc có thể mọc lại từ chỗ bị hói, tuy nhiên người bệnh có thể cần thử 1 hoặc nhiều loại điều trị để đạt được kết quả như mong đợi. Cần kiên nhẫn và xem xét tất cả các lựa chọn khả thi khi điều trị hói đầu. (4)
Phương pháp nào ngăn ngừa hói đầu hiệu quả nhất?
Không có phương pháp điều trị rụng tóc nào phù hợp với tất cả mọi người. Các bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da sẽ cho biết liệu có nên điều trị hay không khi tìm ra nguyên nhân gây rụng tóc. Trong một vài trường hợp tóc sẽ tự mọc lại và không cần điều trị. (5)
- Cải thiện ngăn ngừa hói đầu bằng các phương pháp dân gian: có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến rụng tóc, do di truyền, mất cân bằng nội tiết tố, tình trạng nấm da đầu, căng thẳng, bệnh tự miễn dịch và thiếu hụt dinh dưỡng. Một số phương pháp như massage và các sản phẩm bôi ngoài da như tinh dầu hương thảo có thể giúp tóc phát triển.
- Khắc phục tình trạng bằng một số phương pháp như: lăn kim, tiêm thuốc vào da đầu với các sản phẩm từ tế bào gốc hoặc các sản phẩm kích thích mọc tóc, huyết tương giàu tiểu cầu, kết hợp với corticosteroid, tacrolimus thoa lên vùng tóc mỏng sẽ giúp cải thiện quá trình mọc tóc.
- Cải thiện bằng phương pháp thúc đẩy tế bào mầm tóc: thúc đẩy tế bào mầm tóc tương tự như cấy tóc truyền thống. Nhưng thay vì loại bỏ một số lượng lớn tóc để cấy vào vùng bị rụng tóc, phương pháp này sẽ loại bỏ một mẫu da nhỏ để lấy nang tóc từ đó. Các nang này sau đó được tái tạo trong phòng thí nghiệm và cấy trở lại da đầu ở những vùng bị rụng tóc. Điều này cho phép tóc mọc ở nơi các nang tóc được lấy ra cũng như nơi chúng được cấy ghép.
4 cách trị hói đầu hiệu quả an toàn hiện nay
Tùy vào nguyên nhân, tình trạng hói đầu mà bác sĩ sẽ tư vấn, đưa ra phác đồ điều trị khác nhau cho phù hợp từng người bệnh.
1. Chữa trị bằng thuốc tây y
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt 2 loại thuốc để điều trị chứng hói đầu ở nam giới là Minoxidil và Finasteride.
- Minoxidil: Sử dụng 2 lần mỗi ngày để kích thích mọc tóc và ngăn rụng tóc. Minoxidil là thành phần hoạt chất trong Rogaine và xuất hiện dưới dạng dung dịch lỏng hoặc viên uống, có thể mất từ 4 – 6 tháng để thấy kết quả. Kết quả cũng phụ thuộc vào cách sử dụng thu và liều lượng.
- Finasteride là thuốc uống hàng ngày được bác sĩ kê toa. FDA tuyên bố rằng sẽ mất ít nhất 3 tháng sử dụng hàng ngày để thấy kết quả từ thuốc.
Đối với cả minoxidil và finasteride, có thể mất đến 1 năm mới thấy kết quả và người bệnh cần tiếp tục sử dụng thuốc để duy trì lợi ích mà chúng mang lại.
2. Điều trị hói đầu di truyền bằng phương pháp cấy tóc
Có 2 dạng cấy tóc dùng để điều trị hói đầu di truyền, đó là cắt dải nang tóc và chiết cụm nang tóc.
- Cắt dải nang tóc (FUT): phương pháp loại bỏ một số da, thường là từ phía sau da đầu nơi có nhiều tóc. Bác sĩ sẽ phẫu thuật loại bỏ các nang khỏi dải da đó và đưa các nang tóc vào phần da đầu nơi bị rụng tóc.
- Chiết cụm nang tóc (FUE): bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ các nang tóc trực tiếp từ da đầu và cấy chúng vào những phần da đầu bị hói. Cấy tóc trực tiếp (DHI) là một phiên bản nâng cấp của kỹ thuật này bằng cách sử dụng công cụ chuyên dụng để hoàn thành quy trình này.
3. Trị hói đầu bằng liệu pháp laser mức độ thấp (LLLT)
Điều trị bằng laser được cho là có thể làm giảm tình trạng viêm ở nang tóc, ngăn không cho chúng mọc lại đối với một số dạng rụng tóc, chẳng hạn như rụng tóc từng vùng. Điều trị bằng liệu pháp laser mức độ năng lượng thấp (LLLT) có thể kích thích sự phát triển của tóc.
4. 14 cách điều trị hói đầu tại nhà bằng nguyên liệu thiên nhiên
Dưới đây là một số cách trị hói đầu mà nhiều người thường thử, tuy nhiên bạn cần phải hỏi bác sĩ cụ thể từng phương pháp, nếu bạn muốn sử dụng. Bởi sẽ có phương pháp phù hợp với người này nhưng sẽ không thích hợp với người khác.
- Tinh dầu bưởi: bưởi chứa lượng vitamin B1 và flavonoid giúp cải thiện lưu thông máu, hạn chế tình trạng tóc mỏng.
- Dầu ô liu: một thành phần phổ biến trong nhiều sản phẩm dành cho tóc, bao gồm một số loại dầu gội và dầu xả. Có thể dưỡng tóc bằng dầu ô liu nguyên chất bằng cách thoa dầu lên đầu như một loại mặt nạ tự làm cho tóc.
- Bồ kết: chứa nhiều chất chống oxy hóa và khoáng chất như sắt, magiê, đồng và kali. Chúng cũng chứa vitamin C và chất khử trùng tự nhiên giúp ngăn tóc rụng bằng cách giữ cho da đầu sạch sẽ và không bị nấm.
- Nước ép hành tây: có thể điều trị một số trường hợp rụng tóc, giúp khôi phục độ bóng của tóc, ngăn tóc bạc sớm và trị gàu.
- Nước trà xanh: Trà xanh có thể hỗ trợ sự phát triển mọc lại của tóc bằng cách kích thích các nang tóc và ngăn ngừa tổn thương cho da và tế bào tóc.
- Nước cây nhọ nồi (hay Bhringraj): còn được gọi là cỏ mực, được biết đến như một loại thảo mộc hỗ trợ mọc tóc.
- Dầu vừng: tình trạng viêm và kích ứng trên da đầu và xung quanh chân tóc có thể khiến tóc rụng hoặc mỏng từng mảng. Axit béo trong dầu vừng giúp làm dịu và chữa lành da đầu và chân tóc, giúp cải thiện những mảng nhỏ, hói hoặc những vùng tóc mỏng.
- Tinh dầu hương thảo: nếu bạn muốn cải thiện cả độ dày của tóc và sự phát triển của tóc, dầu hương thảo là một lựa chọn tuyệt vời nhờ khả năng cải thiện quá trình tạo tế bào. Dầu hương thảo hoạt động tốt như minoxidil, một phương pháp điều trị mọc tóc phổ biến nhưng ít gây ngứa da đầu hơn do tác dụng phụ. Trộn vài giọt dầu hương thảo với dầu ô liu hoặc dầu dừa và thoa lên da đầu và để ít nhất 10 phút trước khi gội sạch bằng dầu gội. Thực hiện 2 lần mỗi tuần để có kết quả tốt nhất.
- Lá neem (sầu đâu): có thể giúp ức chế viêm trong việc điều trị viêm da, bệnh vảy nến hoặc kích ứng da đầu khác. Trong một số trường hợp, gàu và kích ứng có thể do nấm men tích tụ trên da đầu. Lá sầu đâu có thể điều trị hiệu quả các trường hợp này và thúc đẩy tăng trưởng tóc khỏe mạnh.
- Hoa dâm bụt: giúp kích thích mọc tóc, ngừa rụng tóc, làm cho mái tóc khỏe mạnh và bóng mượt, ngăn ngừa tóc bạc sớm, làm dày tóc, trị gàu, ngăn tóc khô và gãy, ngăn ngừa chẻ ngọn.
- Hương nhu: loại thảo mộc giúp ngăn tóc rụng do gàu và ngứa hoặc do thay đổi nồng độ nội tiết tố.
- Nước sả: phương pháp điều trị gàu hiệu quả, đem lại cho da đầu sự khỏe mạnh, không còn xảy ra tình trạng bong tróc. Dầu sả trị gàu hiệu quả nhất khi được sử dụng hàng ngày. Trộn một vài giọt vào dầu gội hoặc dầu xả hàng ngày và nhẹ nhàng xoa bóp vào da đầu.
- Cây cọ lùn: giúp làm chậm hoặc giảm rụng tóc di truyền, còn được gọi là rụng tóc do nội tiết tố androgen.
- Biotin: Biotin có thể hỗ trợ sự phát triển của tóc ở những người bị mỏng hoặc rụng tóc do thiếu hụt biotin.
Bài viết liên quan: Bị rụng tóc thiếu chất gì? Nên bổ sung gì cho tóc khỏe mạnh?
So sánh ưu và nhược điểm của các phương pháp điều trị hói đầu
Mỗi phương pháp điều trị đều có ưu và nhược điểm riêng. Bảng dưới sau đây sẽ cho bạn góc nhìn cụ thể về ưu và nhược điểm của từng phương pháp: (6)
Phương pháp Ưu điểm Nhược điểm Dược liệu thiên nhiên + Hiệu quả đã được chứng minh trên động vật.
+ Được bày bán rộng rãi tại các cửa hàng y tế và hiệu thuốc.
+ Cần được nghiên cứu ở người nhiều hơn.
+ Có thể gây ra phản ứng dị ứng.
Thuốc tây y (thuốc uống và bôi) Minoxidil + Ít tác dụng phụ.
+ Hiệu quả đã được chứng minh lâm sàng trên người.
+ Tốn nhiều thời gian điều trị.
+ Hiệu quả hơn trong giai đoạn đầu rụng tóc.
+ Cần tiếp tục sử dụng thuốc để duy trì kết quả. Tóc sẽ tiếp tục rụng nếu ngừng điều trị.
Finasteride + Dễ sử dụng
+ Hiệu quả đã được chứng minh lâm sàng, có thể là một trong các phương pháp điều trị không cần can thiệp phẫu thuật tốt nhất.
+ Chống chỉ định cho phụ nữ.
+ Là thuốc theo toa.
+ Hiệu quả hơn trong giai đoạn đầu rụng tóc.
+ Xuất hiện tỷ lệ nhỏ bệnh nhân mắc một vài tác dụng phụ nghiêm trọng về tình dục.
+ Cần tiếp tục sử dụng thuốc để duy trì kết quả. Tóc sẽ tiếp tục rụng nếu ngừng điều trị.
Phương pháp cấy tóc, lăn kim, tiêm thuốc (thủ thuật da) + Hiệu quả lâu dài.
+ Tóc mọc tự nhiên.
+ Có thể cần nhiều hơn một lần điều trị.
+ Nhiều thủ tục phẫu thuật.
+ Thành công phụ thuộc vào tay nghề của bác sĩ phẫu thuật.
+ Giá cả cao giới hạn người điều trị.
Trị liệu bằng laser + Dễ sử dụng.
+ Không có tác dụng phụ.
+ Hiệu quả khác nhau tùy theo cơ địa mỗi người.
+ Kích thích những nang tóc còn lại trên da đầu nhưng không có tác dụng với nang tóc đã mất.
Biện pháp giảm thiểu tình trạng hói đầu
Có nhiều cách để giảm bớt nguy cơ hói đầu ở mỗi cá nhân:
1. Thay đổi lối sống:
Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn liên quan đến việc rụng tóc. Hút thuốc có thể làm tình trạng rụng tóc trở nên trầm trọng hơn do tác dụng gây viêm của chúng trong cơ thể, làm gián đoạn chu kỳ phát triển của tóc và thậm chí dẫn đến mất màu tóc. Vì vậy, bạn nên bỏ hút thuốc. Căng thẳng trong cuộc sống là bình thường nhưng về lâu dài chúng có thể để lại tác hại cho sức khỏe, bao gồm cả rụng tóc.
Cortisol là một loại hormone chống căng thẳng do tuyến thượng thận tiết ra, có thể làm gián đoạn chu kỳ mọc tóc. Biện pháp tránh căng thẳng chính là dành thời gian cho bản thân, như là một buổi thiền định hoặc sở thích giải trí cá nhân chẳng hạn. Tuy nhiên đối với trường hợp căng thẳng mạn tính sẽ cần sự can thiệp của bác sĩ trị liệu.
2. Xây dựng chế độ dinh dưỡng:
Rụng tóc có thể liên quan đến việc thiếu vi chất dinh dưỡng, chẳng hạn như sắt, kẽm, magie… Hãy trò chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để thiết lập chế độ ăn uống phù hợp, cũng như trước khi sử dụng bất kỳ thực phẩm bổ sung nào, đặc biệt là vitamin tổng hợp kết hợp các chất vi lượng cũng như các vitamin tan trong chất béo.
3. Chăm sóc tóc đúng cách:
Người bệnh có thể tập trung vào việc khắc phục tình trạng tóc mỏng nhưng đồng thời cần cố gắng thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc tóc. Xem xét sử dụng các sản phẩm dịu nhẹ cho tóc và chỉ chải tóc khi cần thiết. Hạn chế sử dụng các dụng cụ tạo kiểu bằng nhiệt cũng như các kiểu buộc hoặc thắt tóc quá chặt.
Ngày trước khi một người bị rụng tóc chỉ có thể lựa chọn giữa một bộ tóc giả, một chiếc mũ hoặc là đặt hy vọng vào tinh dầu. Một số còn lại chỉ đơn giản là chấp nhận việc bị hói, tuy nhiên điều này đem lại nhiều phiền muộn cho cuộc sống của người bệnh. May mắn thay ngày nay cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp đã phát triển được rất nhiều các trị hói đầu hiệu quả an toàn.
Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh với đội ngũ bác sĩ và chuyên viên giàu kinh nghiệm cùng các trang thiết bị nhập khẩu từ Âu Mỹ như: hệ thống máy laser Pico, Laser Fractional CO2, máy phân tích da A-One, máy điện di, lăn kim,… sẽ biến giấc mơ mọc tóc trở lại của nhiều người trở thành hiện thực.
Bài viết đã giải đáp chi tiết về cách trị hói đầu. Tùy thuộc vào mức độ bị hói mà hiệu quả của việc trị liệu có thể phát huy tác dụng nhiều hoặc ít. Vì vậy, ngay khi phát hiện tình trạng tóc bị thưa, rụng nhiều mất kiểm soát, người bệnh cần liên hệ bác sĩ da liễu để tìm được cách điều trị nhanh chóng, an toàn và phù hợp nhất.