Dưới đây là những lỗi cơ bản mà rất nhiều người thường mắc phải
Phần 1: Các lỗi dấu câu và cách thức trình bày
Quy tắc chuẩn đó là khi kết thúc câu, các loại dấu: chấm; chấm hỏi; chấm than; ba chấm phải viết dính liền với chữ cuối cùng của câu.
Ví dụ cách viết đúng: Bạn đang làm gì đấy? (dấu hỏi phải viết sát chữ y)
Ví dụ cách viết sai: Bạn đang làm gì đấy ? (dấu hỏi cách chữ y)
Các dấu dùng để ngăn cách giữa hai vế câu như dấu phẩy, chấm phẩy phải được đặt dính liền với vế trước của câu, cách vế sau của câu một khoảng trắng.
Ví dụ cách viết đúng: Đây là vế trước, còn đây là vế sau.
Ví dụ cách viết sai: Đây là vế trước , còn đây là vế sau.
Dấu ngặc đơn và ngoặc kép phải dính liền với phần văn bản mà nó bao bọc
Ví dụ cách viết đúng: Cô ấy hỏi tôi: “Bạn đang làm gì đấy?”
Ví dụ cách viết sai: Cô ấy hỏi tôi: ” Bạn đang làm gì đấy?”
Phần 2: Những cặp từ nhiều người dùng sai
“Dành” và “giành”
Dành: Thường được sử dụng để nói đến sự tiết kiệm, cất giữ, xác định quyền sở hữu, chia phần cho ai đó. Ví dụ: để dành, dành cho em…
Giành: Thường dùng thể hiện sự tranh đoạt. Ví dụ: giành giật, giành quyền làm chủ.
“Dữ” và “giữ”
Dữ: là tính từ chỉ tính cách. Ví dụ: dữ dằn, giận dữ, dữ tợn, hung dữ, dữ dội…
Giữ: là động từ chỉ việc sở hữu, bảo vệ. Ví dụ: giữ của, giữ gìn, giữ xe, giữ đồ…
“Khoảng” và “khoản”
Khoảng: Chỉ một vùng không gian, thời gian, độ dài bị giới hạn. Ví dụ: khoảng cách, khoảng không. Khoảng cũng dùng để chỉ sự ước lượng, ví dụ: nhóm người khoảng chục người; có khoảng hai chục cái…
Khoản: Chỉ một mục, một bộ phận. Ví dụ: tài khoản, điều khoản, khoản tiền.
“Chuyện” và “truyện”
Chuyện: là thứ được kể bằng miệng. Ví dụ: câu chuyện về người phụ nữ…
Truyện: là được viết ra và được đọc. Ví dụ: quyển truyện cổ tích.
“Dục” và “giục”
Dục: Nói về chức năng sinh lý của cơ thể hoặc ham muốn. Ví dụ: thể dục, giáo dục, dục vọng.
Giục: Nói về sự hối thúc. Ví dụ: giục giã, xúi giục, thúc giục.
“Xán lạn”
“Xán lạn” là cách viết đúng. Cả “xán” và “lạn” đều là những từ gốc Hán. “Xán” là rực rỡ, “lạn” là sáng sủa. Tất cả các cách viết khác như “sáng lạn”, “sáng lạng”, “sán lạn”… đều là những cách viết sai. Đây là một từ khó mà rất nhiều người dùng sai.
“Rốt cuộc”
“Rốt cuộc” là cách viết đúng. Nhiều người thường hay viết sai từ này thành “rốt cục” hoặc “rút cục”.
“Kết cục”
“Kết cục” là cách viết đúng. “Kết cuộc” là cách viết sai.
“Xuất” và “suất”
Xuất: là động từ có nghĩa là ra. Ví dụ: sản xuất, xuất hiện, xuất bản, xuất khẩu, xuất hành, xuất phát, xuất xứ, xuất nhập… “Xuất” còn có nghĩa là vượt trội, siêu việt. Ví dụ: xuất sắc, xuất chúng…
Suất: là danh từ có nghĩa là phần được chia. Ví dụ: suất ăn, tỉ suất, hiệu suất…
“Yếu điểm” và “điểm yếu”
Yếu điểm: Có nghĩa là điểm quan trọng. “Yếu điểm” đồng nghĩa với “trọng điểm”.
Điểm yếu: Đồng nghĩa với “nhược điểm”.
“Tham quan”
Tham quan nghĩa là xem tận mắt để mở rộng hiểu biết. “Tham quan” là cách viết đúng, “thăm quan” là cách viết sai.
Phần 3: Một số quy tắc chính tả
Phân biệt “Ch/tr”
Chữ tr không đứng trước các tiếng có vần oa, oă, oe, uê. Do đó nếu gặp các vần này, ta dùng ch. Ví dụ: sáng choang, áo choàng, chích chòe, loắt choắt, chuệch choạc, chuếnh choáng… Những từ Hán Việt có thanh nặng hoặc thanh huyền thường có âm đầu tr. Ví dụ: trịnh trọng, trình tự, trừ phi, giá trị, trào lưu…
Những từ chỉ vật dụng quen thuộc hoặc các mối quan hệ trong gia đình thường có âm đầu là ch. Những từ mang nghĩa phủ định cũng có âm đầu là ch. Ví dụ: chăn, chiếu, chai, chén, chổi, chum, chạn, chõng, chảo,… chuối, chanh, chặt, chắn, chẻ,… cha, chú, chị, chồng, cháu, chắt,… chẳng, chưa, chớ, chả…
Phân biệt R/d/gi
Chữ r và gi không đứng đầu các tiếng có vần có âm đệm (oa, oe, uê, uy). Do đó gặp các tiếng dạng này thì ta chọn d để viết, không chọn r hoặc gi. Ví dụ: dọa nạt, kinh doanh, duy trì, hậu duệ…
Trong các từ Hán Việt:
+ Các tiếng có thanh ngã hoặc thanh nặng thường viết với âm đầu d. Ví dụ: diễn viên, hấp dẫn, bình dị, mậu dịch, kì diệu…
+ Các tiếng có thanh sắc hoặc thanh hỏi thường viết gi. Ví dụ: giải thích, giá cả, giám sát, giới thiệu, tam giác…
+ Các tiếng có thanh huyền hoặc thanh ngang thường viết với âm đầu gi khi vần có âm đầu a và viết với âm đầu d khi vần có âm đầu khác a. Ví dụ: gian xảo, giao chiến, giai nhân, tăng gia, gia nhân, du dương, do thám, dương liễu, dư dật, ung dung…
Phần 4: Bí quyết viết đúng chính tả
Có rất nhiều lỗi chính tả chúng ta viết sai mà không tự nhận ra, bởi viết trong một thời gian quá dài. Vì thế, nếu được hãy để người khác đọc qua bài viết của bạn. Còn đối với những từ còn phân vân nên tra từ điển để kiểm tra cho chắc chắn.