“Nạn đói là do lỗi của họ vì đã đẻ sòn sòn như thỏ” – quan chức chính quyền thực dân Vương quốc Anh từng biện bạch về hậu quả của nạn đói ở Ấn Độ giai đoạn 1943-1944 bằng những lời lẽ như thế.
Gạo đem xuất khẩu, mặc dân chết đói
Điều người ta nhắc đến nhiều nhất trong giai đoạn này vẫn là Thế chiến II đang ở đỉnh điểm, phát xít Đức hoành hành châu Âu. Trùm phát xít Adolf Hitler và đồng bọn mất tới 12 năm để thảm sát 6 triệu người Do Thái. Còn dưới ách thống trị của thực dân Anh, gần 4 triệu người Ấn Độ chết đói chỉ trong vòng hơn một năm thì lại gần như không được biết đến?
Người dân Ấn Độ trong nạn đói năm 1876.
Nhà hóa sinh Australia, tiến sĩ Gideon Polya, đã gọi nạn đói Bengal là “nạn diệt chủng do con người tạo ra” vì chính những chính sách của chính quyền thuộc địa lúc bấy giờ là nguyên nhân trực tiếp gây ra nạn đói này. Bengal có một vụ thu hoạch dồi dào năm 1942 nhưng người Anh lại đưa phần lớn lương thực từ Ấn Độ sang Anh, gây nên tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trong các khu vực mà ngày nay gồm Tây Bengal, Odisha, Bihar và Bangladesh.
Theo lời kể của tác giả cuốn Churchill’s Secret War (Chiến tranh bí mật của Churchill), bà Madhusree Mukerjee, bức tranh về nạn đói Bengal khiến người ta lạnh gáy: Bố mẹ bỏ xác con chết đói xuống giếng và sông. Nhiều người lao mình vào tàu hỏa tự tử. Người ta phải đi xin nước cơm để cầm hơi. Trẻ con thì ăn lá cây và cỏ. Mọi người còn không có đủ sức lực để hỏa thiêu người thân qua đời. Không ai còn sức để thực hiện các nghi lễ cho người chết nữa. Chó nhà và chó hoang tha hồ cắn xé đống xác người trong những ngôi làng ở Bengal…
Trong tình cảnh đói khát, những người sống sót là những người đàn ông tới Calcutta để tìm việc, là những người phụ nữ hành nghề mại dâm để có tiền nuôi gia đình. Năm 1943, hàng đàn người đói lả tràn vào Calcutta, phần lớn chết trên đường phố. Trái ngược lại với thảm họa này là hình ảnh binh sĩ Anh ăn uống no đủ trong các câu lạc bộ trên đất Ấn. Nhiều sử gia cho rằng chính quyền thuộc địa lẽ ra có thể ngăn chặn nạn đói một cách dễ dàng. Chỉ cần chuyển tới Ấn Độ vài chuyến lương thực là đủ. Nhưng họ lại không làm gì cả.
Nội các Chiến tranh của Chính phủ Anh đã liên tục nhận được cảnh báo rằng nạn đói có thể xảy ra ở Ấn Độ do chính sách vắt kiệt tài nguyên của Ấn Độ nhưng họ đều phớt lờ. Khi quân Nhật xâm chiếm Miến Điện tháng 3/1942, việc nhập khẩu gạo của Ấn Độ từ Miến Điện đã bị cắt đứt. Miến Điện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới thời đó. Thay vì bảo vệ người Ấn Độ trước tình trạng thiếu lương thực, người Anh đã để Ấn Độ tự chịu và tiếp tục xuất khẩu gạo kiếm lời cho các nước không nhập khẩu gạo được từ Đông Nam Á do chiến tranh. Tài liệu cho hay Chính quyền thuộc địa Anh đã xuất 260.000 tấn gạo trong giai đoạn 1942-1943.
Trẻ em Ấn Độ trong nạn đói năm 1943.
Trong khi đó, chi phí cho chiến tranh ở Ấn Độ tăng gấp 10, Chính phủ Anh in tiền giấy để bù cho khoản này. Tháng 8/1942, đại diện của Toàn quyền Anh tại Ấn Độ cảnh báo rằng, lạm phát có thể dẫn tới nạn đói và bạo động. Đến tháng 12, Toàn quyền Linlithgow cảnh báo, nguồn cung ngũ cốc của Ấn Độ thiếu trầm trọng và ông khẩn cấp cần 600.000 tấn lúa mỳ để nuôi binh sĩ và công nhân những ngành quan trọng. Nội các Chiến tranh cho biết không có tàu chở hàng?!
Tháng 1/1943, Anh chuyển phần lớn tàu buôn hoạt động ở Ấn Độ Dương sang Đại Tây Dương để chuẩn bị cho kho lương thực và nguyên liệu thô của Anh. Bộ Giao thông Chiến tranh đã lưu ý với cấp trên rằng việc di chuyển này có thể gây thảm họa trong thương mại trên Ấn Độ Dương.
Trong khi đó, nhà cầm quyền Anh tiếp tục đòi Ấn Độ xuất khẩu gạo. Khi nạn đói nghiêm trọng nhất, tháng 7/1943, Toàn quyền Linlithgow đã ngừng xuất khẩu gạo và lại đề nghị Nội các Chiến tranh cho nhập khẩu 500.000 tấn lúa mỳ. Đây là con số tối thiểu để nuôi quân đội. Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 4/8 sau đó, Nội các Chiến tranh lại không xếp được lịch cho một chuyến tàu lúa mỳ tới Ấn Độ. Thay vào đó, nội các đã ra lệnh tích trữ lúa mỳ để nuôi người dân châu Âu sau khi họ được giải phóng. 170.000 tấn lúa mỳ từ Australia đã được chuyển sang châu Âu. Người dân Ấn Độ đói lả không được lấy một hạt. Số lượng lương thực và nguyên liệu thô mà Anh tích trữ dành cho nền kinh tế thời hậu chiến đạt 18,5 triệu tấn. Đường và các loại hạt nhiều đến mức phải phủ bạt để ngoài trời.
Nhà cầm quyền Anh lúc bấy giờ thừa biết quyết định của mình sẽ khiến dân Ấn Độ chết đói hàng loạt. Không chịu ứng cứu lương thực, nhưng người Anh cũng không chấp nhận các nước ứng cứu cho dân Ấn Độ. Nội các Chiến tranh đã bỏ qua lời đề nghị hỗ trợ 100.000 tấn gạo Miến Điện từ Subhas Chandra Bose – một nhân vật lỗi lạc của Ấn Độ lúc đó đang về phe Trục (Đức-Italia-Nhật) ở Miến Điện. Họ cũng bác đề nghị gửi lúa mỳ của Canada, từ chối gạo và lúa mỳ mà Mỹ muốn gửi cho người Ấn Độ!?
Về sau, Nội các Chiến tranh Anh cuối cùng cũng ra lệnh gửi 80.000 tấn lúa mỳ và 130.000 tấn lúa mạch ít ỏi cho Ấn Độ vào tháng 11/1943. Quân đội Ấn Độ lúc đó vẫn dùng gạo và lúa mỳ trong nước sản xuất mà lẽ ra có thể dùng để cứu đói cho dân. Nạn đói kết thúc tháng 12/1943.
Phân biệt đối xử tàn tệ
Đối với nhà cầm quyền Anh lúc bấy giờ hoàn toàn không ăn năn hối lỗi gì về việc chuyển phần lớn lương thực ở Ấn Độ cho quân đội Anh và người dân Hy Lạp đang chống phát xít Đức. Lúc đó, đối với họ, “việc người Bengal chết đói không quan trọng bằng việc người dân Hy Lạp khỏe mạnh”. Ông Leopold Amery, Bộ trưởng Ấn Độ và Miến Điện đã chỉ trích thái độ này. Khi ông Amery và Toàn quyền Anh ở Ấn Độ khi đó là ông Archibald Wavell đã cầu xin khẩn cấp mở kho lương thực cho Ấn Độ, nước Anh chỉ đáp lại bằng một bức điện hỏi: “Thế tại sao Gandhi chưa chết?”. Gandhi là thủ lĩnh phong trào kháng chiến chống thực dân Anh ở Ấn Độ.
Hậu quả kinh hoàng của nạn đói ở Bengal năm 1943.
Toàn quyền Wavell thông báo với chính quyền Anh rằng nạn đói ở Bengal là một trong những thảm họa tồi tệ nhất xảy ra với một đất nước dưới quyền cai trị của người Anh. Ông nói rằng khi người Hà Lan cần thực phẩm, chắc chắc sẽ có tàu chở tới. Còn ở Ấn Độ, phản ứng của Chính phủ Anh hoàn toàn khác biệt mỗi khi được đề nghị chuyển lương thực cho nước này.
Lời bào chữa cho đến nay vẫn được bám vào là nước Anh không có tàu thừa để chuyển hàng khẩn cấp. Tuy nhiên, tác giả Mukerjee đã có tài liệu để bác lại lời bào chữa này. Bà dẫn các hồ sơ chính thức cho thấy tàu thuyền chở ngũ cốc từ Australia đã bỏ qua Ấn Độ trên đường tới Địa Trung Hải.
Thái độ thù địch của chính quyền thực dân nhằm vào Ấn Độ không phải là điều mới mẻ. Trong một cuộc họp Nội các Chiến tranh, những người có trách nhiệm thời ấy đã đổ lỗi cho người Ấn Độ tự gây ra nạn đói cho mình, nói rằng họ “đẻ như thỏ”. Tác giả Mukerjee nhận định rằng quan điểm của nhà cầm quyền lúc bấy giờ với Ấn Độ khá cực đoan, chủ yếu là vì họ biết không thể giữ Ấn Độ được lâu. Bà từng viết trên tờ The Huffington Post: “Người ta coi lúa mỳ là thức ăn quá quý giá đến mức không thể đem đi cho những người không phải là da trắng, chứ đừng nói là đem cho những đối tượng ngoan cố đang đòi độc lập từ đế chế Anh. Họ thích gom ngũ cốc để nuôi người châu Âu sau khi chiến tranh kết thúc hơn”.
Tháng 10/1943, khi nạn đói ở Ấn Độ đang ở đỉnh điểm, trong bữa tiệc xa hoa đánh dấu lễ nhậm chức của Toàn quyền Wavell người ta vẫn phát biểu: “Nạn đói đã qua… Giai đoạn này trong lịch sử Ấn Độ sẽ chắc chắn trở thành Kỷ nguyên vàng sau này, là giai đoạn mà người Anh đã cho họ hòa bình, trật tự, công lý cho người nghèo và mọi người đều được bảo vệ khỏi các nguy hiểm bên ngoài”.
Lịch sử không thể che giấu
Thực ra, chính sách của nhà cầm quyền với khu vực Bengal đang chết đói không có gì khác biệt so với cách đối xử của Anh với Ấn Độ từ trước. Trong 120 năm dưới ách cai trị của Anh, Ấn Độ trải qua 31 trận đói nghiêm trọng. Trong khi 2.000 năm trước khi bị Anh cai trị, Ấn Độ xảy ra 17 nạn đói. Thống kê cho hay tổng cộng, nạn đói do chính sách của người Anh gây ra đã khiến 29 triệu người Ấn Độ chết.
Sau khi giành quyền cai trị Ấn Độ từ đế chế Mughal, người Anh đã ra lệnh canh tác cây trồng thu hoa lợi trên diện rộng. Các loại cây này được dùng để xuất khẩu. Do đó, nông dân Ấn Độ vốn quen trồng lúa và rau nay buộc phải chuyển sang trồng cây chàm, anh túc và các cây trồng khác có giá trị thị trường cao nhưng không có ích gì khi xảy ra nạn đói. Trong khi đó, hạn hán lại thường xuyên xảy ra, để lại hậu quả nặng nề. Lúc đó, người Anh không hề hỗ trợ nông dân thiếu ăn mà lại còn tăng thuế để bù vào khoản doanh thu thiếu hụt do hạn hán.
Trước khi chính quyền Anh cai trị Ấn Độ, Công ty Đông Ấn của Anh đã cai trị một khu vực rộng lớn của Ấn Độ. Công ty này thể hiện sức mạnh quân sự và cả các chức năng hành chính. Khi nạn đói bắt đầu manh nha đầu năm 1770 ở Ấn Độ, thay vì giảm thuế hỗ trợ nông dân, công ty này đã tăng thuế đất lên 60% để bù lại thiệt hại do quá nhiều nông dân chết đói gây ra tình trạng mất người sản xuất, giảm doanh thu. Do đó, những người không chết trong nạn đói đã phải trả thuế gấp đôi để đảm bảo Kho bạc Anh không bị thiệt hại trong thời gian này.
Năm 1876, khi nạn đói xảy ra, Toàn quyền lúc đó là Robert Bulwer-Lytton vẫn xuất khẩu gạo và lúa mỳ của Ấn Độ sang Anh. Thậm chí, số lượng xuất khẩu còn đạt mức kỷ lục. Năm 1877 và 1878, khi nạn đói đạt đỉnh điểm, nông dân chết đói hàng loạt thì các quan chức được lệnh “ngăn cản công tác cứu trợ bằng mọi cách”. Hình thức cứu trợ duy nhất được phép thực hiện ở hầu hết các trại lao động khổ sai là những ai có thể sắp chết đói sẽ được ra khỏi trại lao động. Những người trong trại được ăn còn ít hơn tù nhân Do Thái trong trại tập trung Buchenwald của phát xít Đức trong Thế chiến II.
Khi hàng triệu người Ấn Độ chết đói, Toàn quyền Lytton đã phớt lờ mọi nỗ lực cứu đói cho nông dân ở khu vực Madras mà lại tập trung chuẩn bị cho lễ phong chức Nữ hoàng Ấn Độ của Nữ hoàng Victoria. Điểm nhấn của lễ đăng quang của nữ hoàng là một bữa đại tiệc kéo dài cả tuần với 68.000 khách mời. Trong bữa tiệc, Nữ hoàng Victoria đã cam kết mang lại “hạnh phúc, thịnh vượng và phúc lợi” cho Ấn Độ!
Năm 1901, Tạp chí The Lancet ước tính ít nhất 19 triệu người Ấn Độ đã chết ở khu vực Tây Ấn do nạn đói những năm 1890. Số người chết tăng cao là do người Anh không chịu cứu dân chết đói. Hậu quả là tuổi thọ ở Ấn Độ giảm 20% trong giai đoạn 1872 – 1921.
Trong khi Anh đã ngỏ lời xin lỗi tới các nước khác như Kenya vì đã gây ra vụ thảm sát Mau Mau, nhưng cho đến nay nước này tiếp tục không đả động đến những nạn đói kinh hoàng ở Ấn Độ do chính sách của họ gây ra.