(Xây dựng) – Đấu trường La Mã (hay còn gọi là Colosseum) tại Italia là một công trình kiến trúc khổng lồ cho đến tận ngày nay. Người ta gọi đó là kỳ quan nhân loại bởi những điều tưởng như không thể lại có thể ở đây.
Đấu trường La Mã là đấu trường lớn ở Rome. Khi đấu trường mới xây dưới thời trị vì của Hoàng đế La Mã Vespasian, ông đã đặt tên nó theo tên của dòng họ là Flavius. Sau này, đấu trường được đổi thành Colosseum hay Colosseo, bắt nguồn từ tên bức tượng khổng lồ Colossus của Hoàng đế Nero.
Địa điểm và thời gian xây dựng
Đấu trường La Mã không chỉ là đấu trường theo thiết kế vòng tròn lớn nhất, mà còn là biểu tượng của văn hóa nước Ý và kiến trúc La Mã. Địa điểm được lựa chọn để xây dựng là một khu đất bằng phẳng trên một sàn của thung lũng giữa Đồi Caeli và Đồi Esquiline và đồi Palatine. Tại trung tâm của Colosseum là Hypogeum, một phần của mạng lưới ngầm, bên trên là sàn của đấu trường.
Là công trình có quy mô đồ sộ tại thời điểm mới xuất hiện, song thời gian xây dựng diễn ra rất nhanh chóng, chỉ kéo dài chưa tới 5 năm, từ năm 75 tới năm 80 sau công nguyên dưới thời Titus. Hệ thống dẫn nước và kênh đào của đấu trường dài tới 3km. Ngay từ thời xưa, người ta đã biết cách tạo ra hệ thống cấp nước rất phức tạp.
Số tiền dùng để xây đấu trường Colloseum được lấy từ chiến lợi phẩm trong cuộc chiến với người Do Thái vào năm 66 tới 73. Khoảng 50 nghìn cân bạc và vàng đã được thu về từ ngôi đền tại Jerusalem.
Trước khi xây dựng Colloseum, người ta đã phải đào và vận chuyển khoảng 30 nghìn tấn đất đá ra khỏi vị trí của đấu trường. Công trình lớn nhất này được xây ở Đế chế La Mã được hoàn thành năm 80 sau công nguyên dưới thời Titus, với nhiều chỉnh sửa dưới thời hoàng đế Domitian. Nơi này được sử dụng cho các võ sĩ giác đấu và nô lệ có nguồn gốc tù binh chiến tranh thi đấu để trình diện cho công chúng.
Kích thước khổng lồ
Được ví như một “sân vận động” thời trung cổ, có hình bầu dục, cao 48 m, theo ước tính tương đương với một tòa nhà hơn 10 tầng, dài 189 m, rộng 156 m. Người ta dùng tới 100 nghìn m3 đá hoa cương để xây dựng. Lượng đá này đủ để xây 40 bể bơi kích thước chuẩn Olympic. Để giữ khối đá với nhau, người ta phải dùng các mối nối bằng sắt, nặng
Có tới hơn 25 nghìn m3 vữa và sỏi trộn thành bê tông. Thuở đầu, đấu trường có sức chứa tới 50 nghìn người. Sau này thiết kế được mở rộng hơn với sức chứa lên đến 80 nghìn người. Đấu trường được kết cấu kiểu mái vòm bên trên tầng trệt, có tổng cộng là 80 cửa, trong đó 2 cửa dành cho Hoàng đế, 2 cửa dành cho các đấu sĩ, 76 cửa còn lại dành cho khán giả. Tất cả đều được đánh số, giúp khách có thể tìm thấy chỗ ngồi của họ.
Trong khu trại của các đấu sĩ, nơi họ sinh sống và tập luyện, cũng có một đấu trường nhỏ với sức chứa 3 nghìn người. Đây là nơi diễn ra các trận đấu tập trước khi thi đấu ở Colloseum. Tấm vải lớn dùng để che nắng mưa cho các khán đài nặng tới hơn 24 tấn được may từ vải lanh nhẹ và dùng dây thừng để buộc vào các cây cột và mối nối.
Điều tuyệt vời ở đây là công trình có thiết kế bên trong hoàn hảo tới mức người dân có thể nhanh chóng thoát khỏi tòa nhà chỉ trong vài phút. Điểm nhấn của đấu trường là Hypogeum, một phần của mạng lưới ngầm – những đường hầm dưới lòng đất, nơi các đấu sĩ tôi luyện trước khi đối mặt với đám đông và bên trên là sàn đấu.
Quá khứ kinh hoàng
Trong thời cổ đại, nơi này được ví như con đường đến địa ngục. Đấu trường sử dụng cho các võ sỹ giác đấu và nô lệ có nguồn gốc tù binh chiến tranh thi đấu. Theo ước tính, hơn 500 nghìn người và hơn 1 triệu động vật chết khi tham gia các trò chơi sinh tử đẫm máu ở đấu trường La Mã nhằm mua vui cho mọi người trong thời gian công trình này hoạt động.
Đã có vô số câu chuyện bi thương được kể lại với những tình tiết kinh hoàng đẫm máu và nước mắt nơi đây. Người ta đồn rằng, nó kinh hoàng đến nỗi nhiều năm sau khi kết thúc vẫn còn vang vọng đâu đó tiếng gào thét, đau đớn về phút giây giành lại sự sống sinh tồn của các nhân vật có thực. Nhiều bộ phim mà các đạo diễn tài ba tái hiện lại cảnh chết chóc nhưng so với truyền thuyết thì vẫn chưa thể thấm với thực tế.
Đấu trường La Mã ngày nay
Đấu trường đã có những sự thay đổi lớn trong thời kỳ Trung Cổ. Một nhà thờ nhỏ được xây dựng ở bên trong của đấu trường vào cuối thế kỷ VI, và sân đấu thì trở thành một nghĩa trang. Nhiều khoảng không bên dưới những bậc thang được sử dụng làm chỗ ở hoặc xưởng thủ công, và người ta tiếp tục thuê nhà ở đó cho tới tận thế kỷ XII. Năm 1349, một trận động đất lớn đã làm sụp đổ toàn bộ phần tường bên ngoài của mặt phía nam.
Qua hơn 2.000 năm, sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, những thay đổi ít nhiều đã được tạo ra và hình thành một đấu trường La Mã – Colosseum như ngày nay. Đấu trường La Mã ngày nay chỉ giữ được chưa tới 1/3 cấu trúc ban đầu nhưng vẫn thu hút hàng triệu du khách tới thăm mỗi năm. Điều gì khiến nơi này có sức hút đến vậy?
Ngày nay, dù chỉ còn giữ lại chưa tới 1/3 cấu trúc ban đầu nhưng Colosseum vẫn được coi là biểu tượng của Đế chế La Mã, và là một trong những mẫu kiến trúc La Mã đẹp nhất còn sót lại. Theo thời gian, cùng với sự hủy hoại của thiên nhiên và con người, vào thế kỷ XVIII, một trận động đất mạnh làm sụp đổ 2/3 đấu trường. Đến năm 1874, công trình được trùng tu lớn. Từ đó đến nay, Colosseo vẫn được xếp vào hàng những kiệt tác nghệ thuật của nhân loại, báu vật trong kho tàng văn hóa lịch sử sáng tạo của loài người. Bởi lẽ, ngoài giá trị nghệ thuật sẵn có vốn thu hút nhiều chú ý của các nhà nghệ thuật, công trình này còn có ý nghĩa lịch sử lớn lao – đánh dấu một thời kì hưng thịnh, huy hoàng của Đế chế La Mã.
Đấu trường Colosseo – một tử trường trong quá khứ bước vào thiên niên kỉ mới như một biểu tượng của sự sống. Đó là khi Hội đồng thành phố của Rome và Tổ chức Ân xá Quốc tế đã coi Colosseo như một biểu tượng quan trọng trong chiến dịch chống lại án tử hình. Từ khi bắt đầu chiến dịch hồi năm 1999, mỗi lần trên thế giới có người được ân xá, người ta nhớ ngay đến biểu tượng mang tính nhân văn nơi đây.