Chứng nhân cần mẫn song hành cùng lịch sử
Trước khi tới Ai Cập, tôi luôn mặc định Trung Quốc là nơi giấy chính thức chào đời. Sử sách đã lưu lại dấu ấn năm 105 sau Công nguyên, một người đàn ông tên Sài Luân đã dựng nên cột mốc lịch sử vĩ đại cho ngành giấy khi phát minh ra cách nghiền nhỏ giẻ rách, lưới đánh cá cũ rồi xeo thành từng tờ. Thế nhưng, sau khi rời Ai Cập, tôi được biết papyrus mới là loại giấy cổ xưa nhất trong lịch sử nhân loại, là biểu tượng văn hóa-tâm linh-lịch sử của nền văn minh Ai Cập cổ đại cũng như là một di sản quý mà đất nước Ai Cập hiện đại đang nỗ lực bảo tồn và gìn giữ.
Chẳng ai biết chính xác thời điểm giấy cói papyrus xuất hiện lần đầu, nhưng tài liệu cổ nhất đề cập tới loài cây phủ kín đầm lầy dọc đôi bờ sông Nile này là của sử gia Hy Lạp Herodotus vào năm 450 trước Công nguyên (TCN), trong đó mô tả “phần thân cây papyrus được cắt và xử lý thành các sản phẩm khác nhau, phần thân rễ dưới dùng để ăn hoặc để bán”. Châm ngôn của Ptahoteb – “cuốn sách tối cổ của nhân loại” cũng được viết trên giấy papyrus vào khoảng 2500 năm TCN. Và “tấm bản đồ cổ nhất châu Âu” cũng được nhà địa lý học nổi tiếng Artémidore d’Ephèse, người sống vào thế kỷ thứ I TCN vẽ trên giấy papyrus. Mới đây nhất, một cuốn tử thư (Book of Dead) rất hiếm hoi còn nguyên vẹn, với tuổi đời ước tính 2.000 năm, được ghi chép trên chiều dài 52 foot (xấp xỉ 16 mét) giấy papyrus vừa được các nhà khảo cổ Ai Cập phát hiện tại Saqqara vào đầu năm 2023. Những thí dụ trên đều cho thấy, vị thế cổ xưa nhất của giấy cói papyrus trên dặm dài lịch sử nhân loại là điều hiển nhiên, không cần bàn cãi.
Ngày tới thăm Thư viện Alexandria Biblioteca, một công trình hiện đại được xây mới trên chính nền móng của Đại Thư viện Alexandria – kho tàng kiến thức đồ sộ và quan trọng bậc nhất của thế giới cổ đại, tôi được biết một số lượng rất lớn văn bản được chép trên giấy cói, ước tính lên tới 400 nghìn bản sách cuộn đã từng được lưu trữ tại đây. Đáng tiếc là phần rất lớn trong số đó đã bị thiêu hủy vĩnh viễn cùng Đại Thư viện quy mô này. Hiện tại, nhiều tác phẩm cùng văn bản cổ quý hiếm, trường tồn qua bao biến thiên thăng trầm thời cuộc đang được lưu giữ và trưng bày tại Alexandria Biblioteca, như một biểu tượng văn hóa – lịch sử sừng sững đầy tự hào của đất và người Ai Cập.
Trong vũ trụ huyền ảo của người Ai Cập cổ đại, thế giới được tạo ra khi vị thần đầu tiên đứng trên một gò đất nổi lên từ bóng tối hỗn mang, mịt mù mang theo giống cây papyrus. Bởi thế, thứ cây thuộc họ sậy cao tới 2-3 mét và phủ xanh đôi bờ sông Nile màu mỡ này đã trở thành biểu tượng của sự sinh sôi, quá trình tái sinh và là mầm mống của sự sáng tạo. Trên suốt hành trình, tôi có thể chiêm ngưỡng hình ảnh loài cây thần thánh này được chạm khắc vô cùng tinh xảo trên rất nhiều cây cột khổng lồ chống đỡ các ngôi đền thờ nổi tiếng như Philae – Luxor – Karnak – Abu Simbel… Trong những bức họa vẫn vẹn nguyên sắc màu rực rỡ tô điểm các bức tường lăng mộ ở Thung lũng các vị vua (Valley of the Kings), những cuộn giấy papyrus được sử dụng trong nghi thức ướp xác hoặc trong tang lễ, người thực hiện nghi lễ thường cung kính ôm những bó cây papyrus như một lễ vật thiêng liêng dâng lên các vị thần tối thượng.
Như mọi du khách từng may mắn đặt chân tới Ai Cập, đứng trước những công trình đền đài và hầm mộ kỳ vĩ, nguy nga, choáng ngợp và thấy con người nhỏ xíu như hạt cát giữa sa mạc mênh mông là cảm giác luôn thường trực trong tôi. Đứng trước những kỳ quan kiến trúc và mỹ thuật nằm ngoài sức tưởng tượng, câu hỏi người xưa đã tạo tác chúng ra sao rất khó để tìm nổi câu trả lời thích đáng. Nền văn minh cổ đại Ai Cập quyến rũ du khách toàn cầu bởi quá nhiều câu hỏi nghìn năm cùng những bí ẩn nghìn đời ẩn chứa trong lòng sa mạc, dưới làn nước đại dương hay ngay cả trong những di chỉ khảo cổ đã phát lộ. Những gì mà các hậu duệ Pharaoh được biết về nền văn minh rực rỡ ấy, cho đến thời điểm này, phần đa đều nhờ vào những con chữ tượng hình cùng những hình vẽ chi tiết được lưu lại trên những cuộn giấy papyrus. Có thể nói, phát minh ra giấy cói đã giúp nền văn minh cổ đại được nâng lên một tầm cao mới, giúp những hạt vàng lấp lánh trong kho tàng tri thức cổ đại được gìn giữ và gửi gắm vẹn nguyên cho muôn đời hậu thế.
Bộ lịch cổ nhất thế giới của nền văn minh Ai Cập cổ đại được vẽ tay trên giấy papyrus.
Papyrus – Di sản vô giá cần được nâng niu
Ở chặng cuối của hành trình, tôi được đến với một trung tâm sản xuất tranh papyrus. Cô gái trẻ măng chậm rãi minh họa mọi công đoạn phức tạp để cho ra đời một tấm giấy papyrus mầu vàng nhạt đến nâu sậm, trông thì cứng quèo nhưng rất dai, có thể cuộn tròn không gãy và đặc biệt là có độ bền hàng thế kỷ trong điều kiện khí hậu Ai Cập khô nóng đặc trưng. Theo lời cô, thân cây papyrus được thu hoạch về và cắt thành từng khúc ngắn. Lớp vỏ xanh rất dai bên ngoài được lột bỏ để lấy phần lõi xốp mầu trắng đục. Đập dập, cán thật mỏng lớp lõi này rồi ngâm vào nước trong vòng 60 ngày để khử đường, ta có những dải papyrus dai, mềm để xếp gác lên nhau theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang cho tới khi đạt kích thước mong muốn. Tấm giấy sau đó được ép bằng vật nặng trong sáu ngày, để phần đường còn sót lại trong thớ cây sẽ trở thành chất kết dính bền chặt. Giấy thành phẩm đã sẵn sàng để vẽ tranh, sau khi được làm nhẵn bằng vỏ ốc hoặc ngà voi. Chất lượng cao cấp hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: vị trí trồng cây, tuổi cây, thời điểm thu hoạch và chất lượng lớp lõi xốp bên trong…
Những bức họa tuyệt đẹp, phần đa tái hiện những nội dung được khắc chạm, tô vẽ trên các hầm mộ hay đền đài, ca ngợi công trạng hay kể lại chuyện đời của những vị Pharaoh vĩ đại, những nữ hoàng – hoàng hậu tuyệt sắc trong lịch sử. Ngoài ra, thư pháp Arab, độc đáo chữ tượng hình hoặc những biểu tượng thiêng liêng trong quan niệm cổ đại (Cây sự sống – Key of Life, Chìa khóa sự sống – Ankh, bọ hung, hoa sen…) cũng trở thành những tác phẩm được du khách đặc biệt yêu thích. Dù kích thước nhỏ xíu hay khá lớn, tranh đều được vẽ tay tỉ mỉ, phối trộn sắc màu tinh tế bằng những nét bút có hồn. Dưới mỗi tác phẩm đều có một chữ ký nhỏ xíu của nghệ nhân vẽ tranh. Đi kèm mỗi bức đều có giấy chứng nhận tranh vẽ tay trên giấy papyrus “chính hãng”, bằng đủ các ngôn ngữ thông dụng như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc… in cùng ý nghĩa của những chữ cái tượng hình đứng đầu tên người mua. Ví dụ như chữ P tên tôi sẽ mang ý nghĩa “Biểu tượng của sự vĩnh cửu” (Symbol of Eternity), rất thú vị!
Hình ảnh cây papyrus được chạm khắc tinh xảo trên cột đá khổng lồ ở đền Luxor.
Vài năm trở lại đây, nghề làm giấy papyrus đã dần mai một. Sự phát triển tăng tốc của các khu dân cư dọc bờ sông cùng ảnh hưởng địa hình, môi trường, khí hậu đã khiến số lượng cây đặc hữu này đang dần giảm sút. Tờ báo Egyptian Gazette từng đưa tin về thực trạng đáng buồn mà một trong số ít những ngôi làng làm giấy truyền thống còn tồn tại mang tên Al Quaramos (tỉnh Al Quarqia) phải đối mặt, khi diện tích trồng papyrus trước đây bao phủ quanh làng mà giờ khiêm tốn chỉ còn 4 héc-ta. Thay vì khai thác tự nhiên, những nghệ nhân trong làng phải gieo hạt, phải chờ cả năm để có thể thu hoạch papyrus rồi kiên nhẫn đợi thêm vài tháng cho cây mọc lại.
Nhưng cũng như mọi sản phẩm truyền thống, giá trị thật – giả lẫn lộn cùng bảng giá đánh đố của những bức tranh papyrus cũng làm khó những nghệ nhân chuyên nghiệp và cả người yêu tranh. Bức “Kho báu của sông Nile” với kích thước 40×60 cm được ghi giá 160 USD trong trung tâm mà tôi tới tham quan. Cũng kích cỡ đó, tôi có thể mua tại một sân bay địa phương với giá 13 USD. Còn tại các ngôi chợ lớn nhỏ mà tôi từng qua, vài USD cũng đủ để ôm về một tác phẩm mà phân biệt chất lượng thấp – cao quả thực là một bài toán đánh đố!
Dù vậy, trong hành lý mang về của cả đoàn đều có ít nhiều những cuộn tranh papyrus. Bởi để có thể trang trí ngôi nhà bằng một tác phẩm đẹp, trên thứ giấy cổ xưa nhất trong lịch sử loài người, mức giá nào cũng đều xứng đáng!