Da nhiễm corticoid, phần lớn do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không công bố thành phần, thường chứa nhiều corticoid trong thời gian dài gây tổn thương, phá hủy tế bào da. Vậy da nhiễm corticoid sẽ như thế nào? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách chăm sóc ra sao?
Da nhiễm corticoid là gì?
Da nhiễm corticoid là tình trạng viêm da do sử dụng mỹ phẩm, thuốc bôi da chứa corticoid trong thời gian dài. Viêm da do corticoid có biểu hiện gồm: đỏ da, bong tróc, nổi mụn, teo da, nhiễm trùng… làm mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Corticoid là gì?
Corticoid hay glucocorticoid là thuốc kháng viêm, có công thức như hormone do tuyến vỏ thượng thận của cơ thể tiết ra. Thuốc corticoid sử dụng điều trị nhiều bệnh khác nhau với tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch… mang lại hiệu quả nhưng đồng thời có những tác dụng không mong muốn. (1)
Thuốc corticoid có 2 cách dùng: đường toàn thân (uống, tiêm), tác dụng tại chỗ (bôi, xịt). Trong đó, thuốc corticoid bôi được sử dụng trong điều trị các bệnh da, thuốc có tác dụng nhanh nên nhiều người không tuân thủ khuyến cáo điều trị của bác sĩ, thường hay lạm dụng thuốc, bôi không đúng chỉ định và liều lượng.
Thông thường, dùng thuốc corticoid bôi cần được chỉ định của bác sĩ về lựa chọn loại thuốc phù hợp, hướng dẫn người bệnh tuân thủ quy trình trình điều trị và theo dõi kiểm soát tác dụng không mong muốn để đạt hiệu quả cao và an toàn. Vì vậy, nếu người bệnh tự ý dùng thuốc bôi corticoid hoặc các thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc gia truyền, rượu thuốc… có trộn corticoid mà chưa có chỉ định của bác sĩ rất dễ gây viêm da do corticoid.
Nguyên nhân da nhiễm corticoid
Các trường hợp da nhiễm corticoid nặng hay nhẹ, phần lớn xuất phát từ 02 nguyên nhân sau:
- Lạm dụng thuốc chứa corticoid khi điều trị các bệnh ngoài da (vảy nến, á sừng, tổ đỉa, viêm da dị ứng, Eczema…). Các thuốc bôi chứa corticoid có nhiều loại khác nhau, nên nhiều người không để ý hoặc không biết mà sử dụng tùy ý.
- Dùng mỹ phẩm chứa corticoid: Hiện, thị trường tràn lan nhiều mỹ phẩm trị mụn, làm trắng da cấp tốc chứa corticoid với hàm lượng cao. Với công dụng giữ nước và bào mòn da, nên các sản phẩm này có tác dụng làm da khô ráp, sẫm màu trở nên trắng sáng, mịn màng hơn chỉ sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, hậu quả khiến da nhiễm corticoid với các biến chứng nguy hiểm như viêm da, phù nề, kích ứng, teo da, nổi mụn, tàn phá diện mạo người sử dụng.
Dấu hiệu da nhiễm corticoid
Dấu hiệu nhận biết da biết da nhiễm corticoid phân theo 5 cấp độ sau:
1. Độ 1
Cấp độ 1 tổn thương ở mức độ nhẹ, sử dụng corticoid thời gian ngắn với nồng độ thấp. Giai đoạn này, bề mặt da nổi mẩn đỏ, bong tróc, ngứa râm ran.
2. Độ 2
Ở cấp độ 2, da đã bắt đầu nhiễm độc và xuất hiện hiện tượng hoại tử. Các dấu hiệu nhận biết như: Da nổi bong bóng nước như bỏng và tổn thương lan rộng toàn khuôn mặt. Khi bong bóng nước vỡ gây đau nhức, ngứa rát và dễ mưng mủ. Do đó, nếu người bệnh không điều trị kịp thời, lớp da sẽ tổn thương, kèm theo sần đỏ kéo dài và thâm sạm sau khi các bóng nước khô.
3. Độ 3
Nếu sử dụng thuốc corticoid ở nồng độ cao liên tục trong thời gian dài (6 tháng trở lên), các tổn thương sẽ tiến sâu đến hệ mao mạch dưới da. Người bệnh sẽ thấy da luôn đỏ ửng, khô ráp, đồng thời thấy nóng ran khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Ngoài ra, da sẽ luôn ở tình trạng căng tức, phù nề do hiện tượng trữ nước trong da, kèm theo cảm giác châm chích.
4. Độ 4
Khi da nhiễm corticoid ở cấp độ 4, sẽ thấy các biểu hiện như da tiết nhờn bất thường (khi ngưng dùng corticoid đột ngột, cơ thể rơi vào trạng thái mất cân bằng nội tiết, kích thích hoạt động của tuyến nhờn, sản xuất dầu thừa gây bít tắc lỗ chân lông), mụn nổi ồ ạt, sưng to lan ra toàn bộ khuôn mặt, ngứa và đau rát.
5. Độ 5
Đây là giai đoạn da bị nhiễm corticoid trầm trọng nhất, với biểu hiện da luôn đỏ kèm theo cảm giác bỏng rát, giãn mao mạch trên diện rộng và đau nhức kể cả không chạm vào. Đồng thời, người bệnh cũng thấy tình trạng da khô, bong tróc, đóng vảy thành mảng. Mụn nước xuất hiện nhiều, kích thước lớn, gây đau nhức, kèm theo dịch vàng và mưng mủ.
Các biến chứng khi da nhiễm corticoid
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, da nhiễm corticoid sẽ tiến triển ở mức độ nặng. Khi đó, da tổn thương nghiêm trọng và gặp nhiều biến chứng như:
- Da mắc một số bệnh khác như như teo da, tăng tiết nhờn, viêm da mất nước, viêm da kích thích, viêm da giãn mạch, viêm da phồng rộp…
- Hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ, giảm sức đề kháng, nhanh chóng chịu tác động xấu từ môi trường như: tia UV từ ánh mặt trời, khói bụi, hóa chất…
Làn da bị nhiễm corticoid có trị được không?
Làn da nhiễm corticoid được điều trị bằng cách sử dụng thuốc uống hay một số phương pháp trị liệu khác để giảm viêm, nhiễm trùng giúp da phục hồi. Điều trị da nhiễm corticoid cần quá trình, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ nên người bệnh phải kiên trì để da sớm hồi phục. Ngoài dùng thuốc và các sản phẩm hỗ trợ, việc chăm sóc đúng cách rất quan trọng để tăng hiệu quả điều trị.
Điều trị da nhiễm corticoid
Tùy thuộc tình trạng da nhiễm corticoid sẽ có cách phục hồi da khác nhau:
- Nếu da xuất hiện dấu hiệu nhiễm corticoid ở mức độ 1, cần dừng ngay tất cả sản phẩm bôi da và đến khám tại bệnh viện có chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da để bác sĩ chẩn đoán chính xác về tình trạng da và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.
- Khi da nhiễm corticoid ở mức độ nặng hơn, không ngừng thuốc hoặc mỹ phẩm chứa corticoid đột ngột mà cần đến khám bác sĩ để được hướng dẫn cách ngừng corticoid và có phương pháp điều trị phục hồi phù hợp.
>>>Xem thêm: Những tác hại của corticoid trên da có thể bạn chưa biết
Lưu ý khi chăm sóc da nhiễm corticoid
Trong quá trình điều trị cần lưu ý chăm sóc da nhiễm corticoid như sau:
1. Tránh các yếu tố làm tăng tình trạng kích ứng, đỏ da
Nắng nóng, khói bụi là yếu tố làm da dễ kích ứng và nhạy cảm. Khi ra ngoài nên che chắn cẩn thận, sử dụng kem chống nắng được sự chỉ định của bác sĩ để bảo vệ da.
2. Tối ưu môi trường sống, sinh hoạt
Đảm bảo môi trường sống xung quanh luôn thoải mái, tránh căng thẳng, sinh hoạt có chế độ hợp lý khoa học giúp da sớm hồi phục.
3. Tối ưu chế độ ăn uống
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học giúp cải thiện mụn viêm nhạy cảm do nhiễm corticoid. Hãy hạn chế dung nạp những thực phẩm chứa nhiều chất béo, thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, cay nóng,.. sẽ thúc đẩy da tiết nhiều bã nhờn, khiến mụn ngày càng phát triển. Ngoài ra, cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, có thể thay thế bằng trà xanh hoặc trà hoa cúc, …
4. Chọn sản phẩm dưỡng da phù hợp
Sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm dịu nhẹ, không chứa hương liệu, paraben (chất bảo quản), không sử dụng các chất làm se khít lỗ chân lông.
5. Hạn chế trang điểm
Da bị nhiễm corticoid cần chế trang điểm, để tránh bít tắc lỗ chân lông, khiến mụn ngày càng viêm và lan sang các vùng khác làm việc điều trị sẽ khó hơn.
Cách phòng ngừa da nhiễm corticoid
Để biết loại thuốc đang sử dụng có chứa corticoid không, cần lưu ý các điều sau:
- Kiểm tra thông tin trong tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm, tại mục “các đặc tính dược lý” hoặc “dược động học”.
- Một số nhà sản xuất có thể dùng tên gọi glucocorticoid hoặc corticosteroid hoặc steroid thay cho corticoid.
- Các hoạt chất phổ biến chứa corticoid: Betamethasone Valerate, Betamethasone Dipropionate, Clobetasone Butyrate, Hydrocortisone Acetate, Triamcinolone Acetonide, Fluocinolone Acetonide, Mometasone Furoate .
Để phòng tránh mỹ phẩm chứa Corticoid cần nắm các thông tin như:
- Thận trọng trước những lời quảng cáo mỹ phẩm như: da láng mịn, căng bóng chỉ sau 1 lần sử dụng; làm mờ nám nhanh chóng chỉ sau vài ngày; nếp nhăn biến mất sau 7 – 10 ngày dùng…
- Nói “không” với sản phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn hiệu hoặc nhãn hiệu in thông tin mập mờ.
Địa chỉ khám da bị nhiễm corticoid đáng tin cậy
Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da kết hợp khoa Nội tiết – đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh có các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm trong, cùng nhiều phác đồ, kỹ thuật mới, máy móc nhập khẩu chính hãng từ các nước Âu – Mỹ sẽ mang lại kết quả điều trị da nhiễm corticoid hiệu quả.
Thực tế, tình trạng lạm dụng corticoid đang diễn ra phổ biến, nhiều người đã và đang trải qua các triệu chứng từ nặng đến nhẹ ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến da. Hy vọng với các thông tin trên, mọi người sẽ hiểu hơn về nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng khi da nhiễm corticoid và có cách phòng tránh trước các loại thuốc hoặc mỹ phẩm chứa hoạt chất này.
Trường hợp sử dụng corticoid để điều trị bệnh, cần được thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ. Khi sử dụng mỹ phẩm hoặc thuốc chứa corticoid nhận thấy các dấu hiệu da mẩn đỏ, ngứa bỏng rát bất thường cần đến bệnh viện nhanh chóng để bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng da và có phác đồ điều trị hợp lý.