Học báo chí ra làm gì? Học báo chí truyền thông ra làm gì? Đây là một trong những câu hỏi được rất nhiều các bạn trẻ đang quan tâm đến ngành học này quan tâm và đặt ra. Để đi tìm câu trả lời cho thắc mắc này, mời bạn cùng Glints tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé.
Ngành báo chí là gì?
Trước khi đi vào tìm hiểu ngành báo chí là gì, hãy cùng Glints tìm hiểu về khái niệm báo chí trước nhé.
Báo chí là sản phẩm thông tin về các chương trình, vấn đề xã hội hoặc sự kiện trong cuộc sống được thể hiện bằng hình ảnh, chữ viết, âm thanh được xuất bản, phát hành và truyền dẫn định kỳ đến công chúng thông qua các loại hình báo như báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình.
Ngành báo chí là ngành học khoa học xã hội nhằm đào tạo ra những cử nhân có kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để tác nghiệp trong lĩnh vực báo chí, truyền thông; trong bối cảnh kỹ thuật số, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa có khả năng thực hiện các yêu cầu tác nghiệp trên các loại hình báo chí truyền thông; có khả năng giảng dạy và nghiên cứu các vấn đề báo chí truyền thông tại các đơn vị giáo dục đào tạo, cơ sở nghiên cứu.
Học báo chí học gì?
Học báo chí học gì? Cùng Glints tìm hiểu về những nghiệp vụ báo chí mà các sinh viên báo chí được đào tạo nhé.
Kỹ năng viết báo
Ngay từ năm học đầu tiên, các sinh viên báo chí đã được học và trang bị đầy đủ về nghiệp vụ báo chí, đây là một điểm khác biệt của chuyên ngành này so với các chuyên ngành đào tạo khác.
Báo chí không đơn thuần là lý thuyết mà người làm báo phải biết cách biến chúng thành cụ thể thông qua ngôn ngữ báo chí. Ngôn ngữ báo chí được hiểu là một công cụ để truyền tải những gì mắt thấy tai nghe, những gì mà phóng viên, nhà báo cảm nhận được.
Ngôn ngữ báo chí là một trong những kỹ năng viết báo của sinh viên báo chí.
Sử dụng thiết bị truyền thông báo chí
Ngoài những nghiệp vụ báo chí như tìm kiếm đề tài, viết bài thì sinh viên báo chí cũng được dạy về cách sử dụng các thiết bị báo chí truyền thông nhằm mục đích sản xuất tin bài.
Các môn học mà sinh viên được trang bị có thể kể đến như: Quay phim, Kỹ thuật báo chí, Ảnh báo chí, v.v.
Cơ hội việc làm ngành báo chí
Không chỉ với những bạn theo học ngành báo chí mà các bạn có đam mê với nghề báo chí cũng có khá nhiều các cơ hội việc làm. Hiện nay, các nhà đài, tòa soạn, các trang báo online thường mở các đợt tuyển dụng phóng viên, biên tập viên lớn hàng quý, hàng tháng.
Với những bạn mới bắt đầu với nghề báo có thể đảm nhận vị trí cộng tác viên cho các báo, có rất nhiều mảng và chủ đề để các bạn có thể thử sức. Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể hợp tác viết bài trên các kênh thông tin, website vừa trau dồi kinh nghiệm vừa kiếm thêm thu nhập.
Mức thu nhập cho các công việc liên quan đến báo chí dao động từ 100.000 đồng – 2 triệu đồng cho một bài tin tức. Để đạt được mức nhuận bút càng cao thì giá trị thông tin của bài viết cần được đầu tư cẩn thận.
Đọc thêm: Ngành Truyền Thông Báo Chí Là Gì Và Những Cơ Hội Rộng Mở Trong Tương Lai
Học báo chí ra làm gì?
Học báo chí ra làm gì là một trong những câu hỏi được rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến ngành học này đặt ra. Cùng Glints tìm hiểu ngay những công việc phổ biến mà sinh viên báo chí sau khi ra trường có thể đảm nhận nhé.
Biên tập viên
Biên tập viên là người biên tập, chỉnh sửa và đăng tải nội dung lên các trang báo. Để trở thành một biên tập viên chuyên nghiệp, bạn cần có khả năng sử dụng ngôn từ một cách khéo léo, biết cách chắt lọc thông tin chất lượng, cẩn thận tỉ mỉ, hiểu biết tâm lý công chúng, v.v.
Một biên tập viên đôi lúc phải tự mình ra bên ngoài tìm kiếm những đề tài viết bài chất lượng.
Phóng viên
Phóng viên học ngành gì? Đây là một trong những nghề nghiệp được nhiều bạn sinh viên ngành báo mong muốn theo đuổi. Tuy nhiên, đây cũng là một nghề nghiệp vất vả và có tính nguy hiểm cao.
Phóng viên là người trực tiếp thâm nhập vào nguồn tin để tìm kiếm, điều tra thông tin để viết bài. Những người trong nghề sẽ ít khi được trông thấy với diện mạo bóng bẩy, chải chuốt mà thay vào đó là hình ảnh lam lũ, cực nhọc.
Tuyển dụng nghề phóng viên hiện nay không chỉ đòi hỏi một người giỏi chuyên môn mà còn cần một người gan dạ, làm việc có trách nhiệm, kiên cường và không bị khuất phục trước những khó khăn, thử thách.
Đọc thêm: Nhân Viên Truyền Thông Là Gì? Mô Tả A-Z Công Việc Nhân Viên Truyền Thông
Quay phim
Quay phim là khối kỹ thuật của ngành báo chí, đây là vị trí đặc trưng của loại báo chí truyền hình. Quay phim trong lĩnh vực báo chí truyền hình thường sẽ khác với quay các thể loại khác, điều này thể hiện ở tư duy hình ảnh báo chí.
Nhân sự quay phim cần có kỹ năng về dựng, bên cạnh nghiệp vụ báo chí sẵn có. Điều này giúp quá trình sản xuất bản tin được diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm thời gian.
Dẫn chương trình
Khác với phóng viên, người dẫn chương trình thường là người xuất hiện nhiều trước ống kính và là bộ mặt của chương trình do đó diện mạo của họ luôn được để tâm.
Khi tuyển dụng người dẫn chương trình, yếu tố liên quan đến ngoại hình được nhiều nhà tuyển dụng cân nhắc đánh giá để lựa chọn ứng viên phù hợp nhất.
Người dẫn chương trình là người phải có khả năng ứng biến tình huống trên sân khấu tốt, linh hoạt xử lý các tình huống bất ngờ, v.v.
Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng người dẫn chương trình, MC từ các trường đào tạo báo chí khá lớn. Quảng cáo dưới dạng video được rất nhiều các doanh nghiệp thực hiện bởi vậy rất cần một người có thể làm chủ video đó, người đó không ai khác chính là những người dẫn chương trình.
Phát thanh viên
Phát thanh viên là một trong những vị trí công việc mà sinh viên chuyên ngành phát thanh có thể theo đuổi sau khi tốt nghiệp. Để trở thành một nhân sự trong nghề này, người theo đuổi cần có giọng tốt, khả năng biên tập tin tức, kỹ năng sử dụng các phần mềm trong báo phát thanh.
Cơ hội việc làm của phát thanh viên hiện không còn nhiều như trước do hình thức báo này không còn được quan tâm và đầu tư nhiều.
Ngoài ra còn rất nhiều công việc khác bạn có thể làm sau khi tốt nghiệp ngành báo chí như nhân viên truyền thông. Vị trí này rất phổ biến và được nhiều bạn trẻ quan tâm. Công việc của nhân viên truyền thông có thể bao gồm việc lên kế hoạch truyền thông cho sản phẩm, chương trình, hoặc phụ trách lên hồ sơ bảo trợ truyền thông cho một dự án.
Mức lương ngành báo chí
Lương của viên chức, Biên tập viên, Phóng viên, Biên dịch viên được áp dụng theo thông tư số 13/2022/TT-BTTTT, có hiệu lực từ ngày 10.10.2022, thuộc chuyên ngành Thông tin và truyền thông.
Cụ thể,
- Biên tập viên hạng 1,Biên dịch viên hạng 1, Phóng viên hạng 1, Đạo diễn truyền hình hạng 1, có hệ số loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ 6,2-8,0 mức lương là từ 9.238.000 đến 11.920.000 đồng/tháng.
- Biên tập viên hạng 2, Biên dịch viên hạng 2, Phóng viên hạng 2, Đạo diễn truyền hình hạng 2, có hệ số loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ 4,4-6,78 mức lương là từ 6.556.000 đến 10.102.000 đồng/tháng.
- Biên tập viên hạng 3, Biên dịch viên hạng 3, Phóng viên hạng 3, Đạo diễn truyền hình hạng 3, có hệ số loại A1, từ 2,34-4,98 mức lương là từ 3.486.600 đồng đến 7.420.200 đồng/tháng.
Tạm kết
Trên đây là những chia sẻ về chủ đề “Học báo chí ra làm gì?’’ mà Glints muốn gửi tới bạn. Hy vọng qua bài viết này đã giúp bạn hình dung phần nào cơ hội việc làm trong tương lai của ngành học thú vị này.
Nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để được Glints giải đáp chi tiết nhé.